Người nặng lòng với chữ Thái ở xứ Thanh

08/02/2019 10:48 GMT+7

Mong muốn tiếng nói, chữ viết của người Thái ở Thanh Hóa không bị tàn lụi, nhiều năm qua, ông Hà Nam Ninh đã không ngừng lặn lội ngược xuôi để sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy chữ Thái cho con em dân tộc mình.

Sinh ra ở vùng đất Mường Khoòng (một Mường lớn của người Thái xưa ở Thanh Hóa), nay là huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, từ nhỏ, cậu bé Hà Nam Ninh đã yêu văn hóa dân gian của dân tộc Thái. Được gia đình cho ăn học rồi làm cán bộ, ông đã có cơ hội để tìm hiểu, nghiên cứu nhiều hơn về văn hóa của dân tộc mình.
Sau 36 năm làm cán bộ ngành giáo dục, cán bộ huyện rồi về nghỉ hưu năm 2004, ông về ở trong ngôi nhà sàn dựng theo nếp nhà của người Thái, nằm bên bờ sông Mã, ở thị trấn Bá Thước, huyện Bá Thước, chuyên tâm nghiên cứu về chữ Thái để trao truyền cho các thế hệ người Thái trẻ.
Ông Hà Nam Ninh luôn thích thú truyền dạy chữ Thái cho thế hệ trẻ Ảnh Minh Hải
Sau nhiều lần lỡ hẹn, chúng tôi cũng gặp được ông Hà Nam Ninh vào một ngày cận Tết Nguyên đán 2019. Ở cái tuổi 70, nhưng người đàn ông dáng người cao dong dỏng này vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Ông tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn bên dòng sông Mã nơi ông ở. Ngay gian chính của ngôi nhà, ông giành để cất giữ các loại sách, tư liệu quý có từ hàng trăm năm trước mà ông đã dày công sưu tầm suốt cả đời mình.
Thứ quý giá nhất phải kể đến truyện thơ bằng chữ Thái, tựa đề “Truyện kể đường lên thiên đàng”, viết cách đây hơn 500 năm (thời Lê Chiêu Tông). Ngoài ra, còn rất nhiều sách, thơ, truyện bằng chữ Thái như: Truyện thơ Khăm Panh, Khun Lú - Nàng Ủa, Sống Chụ Son Sao… là những tác phẩm nổi tiếng và có giá trị trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Thái ở Thanh Hóa nói riêng và người Thái ở Việt Nam nói chung.
Những tài liệu quý bằng chữ Thái cổ viết từ hàng trăm năm trước được ông Hà Nam Ninh sưu tầm Ảnh Minh Hải
Nhâm nhi cốc nước chè quen thuộc bằng các loại cây rừng của người Thái, ông Ninh kể, năm 1968 ông ra trường và làm giáo viên dạy cấp 2, rồi làm cán bộ Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện, Phó chủ tịch UBND huyện Bá Thước và nghỉ hưu năm 2004. Theo ông Ninh, người Thái có tiếng nói và chữ viết riêng, là điểm mà nhiều dân tộc khác ở Việt Nam không có. Do đó, suốt 36 năm công tác, dù ở cương vị nào ông cũng luôn tâm nguyện là làm sao để chữ viết, tiếng nói của dân tộc mình được bảo tồn, phát huy, không bị tàn lụi.
"Ở Thanh Hóa chưa có ai, đơn vị nào tổ chức dạy được chữ Thái, trong khi rất nhiều cán bộ ở các lĩnh vực cần biết tiếng để khi công tác những nơi có đồng bào Thái sinh sống có thể tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến người dân. Đặc biệt, do quá trình giao lưu kinh tế, văn hóa, nhiều con em người Thái lấy vợ lấy chồng là người dân tộc khác, thường xuyên dùng tiếng Việt, nên phần nào cũng đã ảnh hưởng tới việc lưu truyền tiếng Thái. Nên khi nghỉ hưu tôi quyết tâm thực hiện tâm nguyện dạy chữ cho con em dân tộc mình”, ông Ninh kể.
Dù đã 70 tuổi nhưng ông Hà Nam Ninh vẫn miệt mài đi dạy chữ Thái khắp nơi Ảnh Minh Hải
Năm 2006, sau khi biên soạn thành giáo án, ông Ninh quyết định mở lớp dạy chữ Thái miễn phí tại địa phương. Không ngờ, lớp học đầu tiên của ông có tới 22 người, là cán bộ đang công tác ở UBND huyện Bá Thước và một số người dân tộc Thái muốn học, biết sâu về tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.
“Lớp thứ nhất rồi thứ hai, cứ thế ngày càng nhiều người muốn học tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái. Rõ ràng, nhu cầu rất nhiều nhưng ở Thanh Hóa không có ai dạy được chữ Thái, đặc biệt là chữ Thái cổ. Thời điểm đầu, mỗi năm tôi tổ chức 3 - 4 lớp dạy chữ Thái, thời gian hoàn thành một lớp khoảng 3 tháng, học vào ngày thứ 7, chủ nhật”, ông Ninh nói.
Ông Hà Nam Ninh đã tham gia viết nhiều cuốn sách về văn hóa các dân tộc tại Thanh Hóa Ảnh Minh Hải
Năm 2007, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã mời ông Hà Nam Ninh dạy cho 13 giáo viên của Trường đại học Hồng Đức để thực hiện đề án dạy tiếng Thái trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Sau khi 13 giáo viên được ông truyền dạy và trở thành giáo viên dạy chữ Thái, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnhvThanh Hóa đã mở các lớp dạy tiếng Thái cho cán bộ.
“Hơn 10 năm qua tôi đã đi nhiều huyện, thậm chí đi cả tỉnh khác để dạy tiếng nói, chữ viết của người Thái cho hàng trăm người. Khi có nhiều người muốn học tiếng, học chữ tôi vui lắm, giờ tuổi cao nhưng còn sức là tôi còn tiếp tục dạy. Hiện nay, mỗi năm tôi tham gia dạy từ 7 - 10 lớp. Công việc cũng khá nặng nhọc nhưng rất vui, vì tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình được bảo tồn, phát huy không chỉ cho chính người trong dân tộc mà nhiều người khác cũng biết”, ông Ninh vui vẻ nói.
Với những đóng góp không mệt mỏi, năm 2015 ông Hà Nam Ninh được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú Ảnh Minh Hải
Với những cống hiến không mệt mỏi của mình, năm 2015, ông Hà Nam Ninh đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (về loại hình tiếng nói, chữ viết tỉnh Thanh Hóa) vì đã có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, góp phần vào xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Ngoài ra, ông cũng được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Bá Thước tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen cho hoạt động dạy, bảo tồn tiếng nói, chữ viết và văn hóa của người Thái ở Thanh Hóa.
Đối với sự nghiệp văn hóa của tỉnh Thanh Hóa, ông Hà Nam Ninh là một cây đại thụ trong nghiên cứu, sưu tầm văn hóa người Thái, còn đối với hơn 200.000 người dân tộc Thái đang sinh sống ở Thanh Hóa, ông là người con tiêu biểu của dân tộc mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.