Người mẹ một chân làm tất cả vì tương lai các con

11/08/2023 09:07 GMT+7

Từng có tuổi trẻ đầy ước mơ nhưng chị Thương buộc phải cắt đi một chân vì bệnh. Dù vậy, chị vẫn nỗ lực bán hàng kiếm tiền vun đắp cho tương lai, ước mơ của con.

Những thước phim ghi lại cảnh chị Phạm Thị Thương (32 tuổi, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) mang chân giả đóng hàng cho khách nhận được nhiều lời động viên từ cư dân mạng.

Người mẹ một chân làm tất cả vì tương lai các con - Ảnh 1.

Gia đình là điểm tựa vững chắc của chị

Chấp nhận cắt một chân

Chia sẻ với Thanh Niên, chị Thương cho biết con trai đầu của anh chị năm nay học lớp 3, bé gái mới 2 tuổi. Chồng chị trước đây là đầu bếp, còn hiện kinh doanh bất động sản. Hằng ngày, anh đi làm, chị ở nhà vừa bán hàng vừa chăm sóc con.

Năm 2012, đang là sinh viên năm cuối Trường ĐH Vinh, chị thấy chân đau liền đến bệnh viện khám nhưng không ra bệnh. Chị chịu đau, cố gắng hoàn thành việc học tập. Một năm sau, chị không may bị trượt chân và cảm giác đau nhức từ hông trở xuống. Bác sĩ chẩn đoán chị bị u tế bào khổng lồ, thông báo gia đình chuẩn bị tiền để ra Hà Nội ghép xương. "Tôi về hoàn thành luận văn, sau đó thực hiện phẫu thuật ghép xương", chị chia sẻ.

Năm 2015, sau khi sinh con đầu lòng được 5 tháng, chị gửi con cho ông bà nội, ra Hà Nội tái khám thì hụt hẫng khi nghe bác sĩ nói bệnh cũ tái phát. Chị buộc phải cắt một đoạn xương ở chân, là chỗ trước đây nối xương của người khác vào. "Khoảng thời gian này tôi phải đi lại bệnh viện rất nhiều lần, trải qua nhiều lần phẫu thuật rất đau đớn và tốn kém nhưng không có kết quả. Tôi đã suy nghĩ rất kỹ và bàn với gia đình là đề nghị cắt chân. Bác sĩ tiếp nhận ý kiến, hội chẩn với khoa và khoa đã đồng ý với đề nghị của tôi", chị kể.

Nhìn đôi chân không nguyên vẹn, chị tiếc cho thanh xuân tươi đẹp, bao nhiêu ước mơ hy vọng dang dở, không được làm nghề du lịch như đã theo học. Thời gian đầu chưa đi được chân giả, chuyện sinh hoạt, chăm con chị nhờ mẹ giúp. 2 tháng sau, chị lắp chân giả, tập tễnh những bước đi khác lạ đầu tiên.

Người mẹ một chân làm tất cả vì tương lai các con - Ảnh 2.

Chị Thương bán hàng kiếm tiền cùng chồng nuôi các con

NVCC

Con là động lực lớn nhất

Trước đó, dù biết chị bị bệnh, có nhiều khó khăn nhưng anh Phạm Văn Quyền (37 tuổi), vẫn không từ bỏ, luôn cạnh bên động viên. Sau 5 năm yêu nhau, hai người làm đám cưới, về sống chung một nhà. Mang thai đứa con đầu lòng, chị lo lắng vì sợ căn bệnh di truyền nhưng may mắn điều đó đã không xảy ra. "Thời gian nằm viện, tôi gọi về nhà nhìn con mà chảy nước mắt. Con mới được 5 tháng đã phải cai sữa, tôi bất lực vô cùng", chị nhớ lại.

Nhờ sự giúp đỡ, động viên của gia đình, chị quen dần với cuộc sống chỉ có một chân. Không đành lòng để chồng đi làm một mình gánh kinh tế, chị xin đi làm công nhân, học thêm văn bằng 2 ngành dược và đi bán thuốc được 3 năm. Sau này, chị quyết định bán hàng online để có thời gian chăm sóc con.

"Các con là động lực, tôi cứ nhìn vào đó cố gắng. Tôi không thể buông xuôi cho hoàn cảnh, vẫn phải làm để lo cho các con có cuộc sống tốt hơn. Con trai đầu rất biết thương mẹ. Vợ chồng tôi ở nhà tập thể, mỗi khi thấy mẹ xách đồ lên cầu thang, con đều cầm giúp. Điều đó khiến tôi rất cảm động", người mẹ nói.

Dù vất vả nhưng chưa bao giờ người phụ nữ này kêu than số phận. Chị luôn thấy hạnh phúc vì cạnh bên vẫn có gia đình, hai đứa con xinh xắn, đáng yêu. Với chị, niềm vui là gia đình được khỏe mạnh, các con chăm ngoan, học giỏi. "Nhiều lúc đi ngoài đường mọi người nhìn tôi chỉ có một chân nên thấy lạ. Tôi cũng hơi tự ti nhưng tự động viên bản thân còn may mắn, rồi nhìn vào con để cố gắng", người phụ nữ bộc bạch.

Người mẹ một chân làm tất cả vì tương lai các con - Ảnh 3.

Còn anh Quyền cho biết luôn làm chỗ dựa tinh thần, tiếp thêm sức mạnh để vợ cố gắng. Vợ chồng từ quê ra Hà Nội lập nghiệp xác định sẽ có nhiều khó khăn nên cả hai luôn nỗ lực vì hạnh phúc. 

"Người bình thường làm việc đã vất vả, vợ tôi càng phải cố gắng hơn. Chỉ có một chân nên việc đi lại rất khó khăn. Vợ lo toan nhiều thứ và tình mẫu tử đã giúp cô ấy vượt qua khoảng thời gian đó", người chồng chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.