Người mẹ có hai con tự kỉ: "Không khóc trước mặt con nhưng đêm về sẽ khóc”

Lê Nam
Lê Nam
19/06/2022 20:30 GMT+7

Sinh con đầu lòng mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, chị Trang tự nhủ sinh thêm bé thứ hai, nhưng một lần nữa may mắn vẫn không mỉm cười. Hai vợ chồng phải gạt đi suy nghĩ tiêu cực, dành hết tình yêu thương để chăm hai con.

Chị Thùy Trang (34 tuổi) - người mẹ có hai con đều mắc rối loạn phổ tự kỉ: bé Trí Dũng (8 tuổi) và Trí Đức (3 tuổi). Tròn một tuổi nhưng Trí Dũng vẫn chưa biết nói, biết đi, ít tương tác với ba mẹ. Khi được 14 tháng tuổi, em bắt đầu tập đi nhưng hay nhón giò, chạy nhảy trong vô thức. Chị Trang chỉ biết chính xác con mình mắc rối loạn phổ tự kỷ khi bé tròn 18 tháng tuổi, trong một lần đưa em khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Lo Trí Dũng chưa xong, người em Trí Đức cũng bắt đầu có những biểu hiện khác thường, em chậm nói và thường không tập trung. Hai vợ chồng gạt hết đi suy nghĩ tiêu cực, dành hết tình yêu thương để chăm hai con.

Chị Trang nỗ lực dạy con từ 2 đến 4 tiếng mỗi ngày tại nhà để con theo kịp bài ở lớp

lê nam

Vì không có điều kiện cho các con học trường hỗ trợ đặc biệt, chị Trang nỗ lực dạy con từ 2 đến 4 tiếng mỗi ngày tại nhà để con theo kịp bài ở lớp, hòa nhập với bạn bè.

Giống như hai vợ chồng chị Trang, chị Cẩm Nhung (47 tuổi, ngụ phường 4, quận 8, TP.HCM) cũng rất đau lòng khi phát hiện con trai đầu lòng mắc rối loạn phổ tự kỉ. Mặc dù đã gần 8 tuổi con chị - bé Đăng Khoa vẫn bú bình, giao tiếp hạn chế và thường xuyên mất kiểm soát hành vi.

Chị Cẩm Nhung phải ở nhà để chăm sóc con trai đầu lòng bị rối loạn phổ tự kỉ

lê nam

Chị Nhung phải xin nghỉ việc ở nhà trông con, chồng chị làm thuê cho một công ty tư nhân với thu nhập không ổn định, nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Chị bất lực khi không thể xin cho con theo học các trường công cho trẻ tự kỉ vì đều trái tuyến. Trong khi đó, trường tư chi phí quá cao, vượt ngoài khả năng của hai vợ chồng, chị phải tự học kiến thức về dạy cho con.

Ngày nay tỷ lệ trẻ mắc các chứng tự kỉ ngày càng cao. Theo các chuyên gia, các bé cần được theo học các trường chuyên biệt cho trẻ tự kỉ để được chăm sóc, giáo dục theo các phương pháp thích hợp.

Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã khởi xướng thực hiện dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỉ ở trẻ em Việt Nam" từ năm 2018

Với mục tiêu phổ biến kiến thức đến các gia đình có con bị rối loạn phổ tự kỉ như chị Thùy Trang và Cẩm Nhung, dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỉ ở trẻ em Việt Nam" sẽ giúp khoảng 4.000 trẻ em tự kỉ được hưởng lợi gián tiếp để hòa nhập cộng đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.