Người mang ngọn gió mát lành từ 'phía tây thành phố'

03/09/2022 06:57 GMT+7

Tôi không biết phải kể về anh bắt đầu từ đâu khi tất cả đều từ những cơ duyên.

Người mang ngọn gió mát lành

Đứa con nhỏ của chị họ tôi mang trong mình căn bệnh thiểu sản nặng van động mạch chủ, gần như không lỗ van. Cả nhà thất thần bấu víu vào tất cả những hy vọng dẫu là mong manh nhất, theo kiểu còn nước còn tát.

Không hiểu sao lúc đó tôi lại nghĩ đến anh. Một người bác sĩ chỉ quen biết nhau qua mạng trong những lần anh kêu gọi thiện nguyện, tôi có đóng góp chút ít gọi là.

Nhưng ngoài anh ra, tôi còn biết nhờ cậy ai? Chẳng hay anh khuyên can, tâm tình, chia sẻ thế nào mà mọi người vỡ vạc nghe theo. “Bác sĩ đã giỏi, lại tận tâm, chu đáo hết sức. Nghe ổng nói tới đâu, mình sáng tới đó”. Đó là PGS-TS Lê Minh Khôi, bác sĩ tim mạch và hồi sức, hiện công tác tại Trung tâm tim mạch Bệnh viện ĐH Y Dược; Giảng viên bộ môn hồi sức - cấp cứu - chống độc, ĐH Y Dược TP.HCM.

Qua thời gian, tôi mới biết mình chỉ là một trong vô số người được anh tận tình giúp đỡ. Tôi hết sức tâm đắc với lời chia sẻ của anh trong lần đến Tây nguyên khám tầm soát cho trẻ: “Mình có thể đi đến bất cứ miền đất nào, nơi mà ý chí và tấm lòng người thầy thuốc có thể đến được”.

Bác sĩ Lê Minh Khôi

Những sự đáp đền tiếp nối

Trong bước đường không ít hố gai miệng vực ấy, điều gì đã trui rèn từ cậu bé chăn bò ở vùng quê nghèo Quảng Ngãi đến chàng bác sĩ nội trú ở Pháp, anh TS y khoa với điểm xuất sắc tại Trường ĐH Rostock (Đức) đến ông Trưởng phòng Khoa học và Đào tạo của Bệnh viện ĐH Y Dược hôm nay?

Có phải chính tình yêu thương và trách nhiệm đã hun đúc ý chí cho chàng trai nghèo Quảng Ngãi quyết tâm lập danh, lập nghiệp? Không chỉ thể hiện sự quyết tâm trong công việc vốn nặng nề và nhiều vất vả, mà nó còn trải dài lan rộng đến cả những phận người khốn cùng trong cõi nhân gian này. Để rồi bác sĩ Khôi đã kêu gọi những tấm lòng thiện nguyện ở khắp nơi hỗ trợ cho những bệnh nhân nghèo chi phí điều trị phẫu thuật tim đến cả tỉ đồng.

Không chỉ dừng lại ở đó mà trong những lần rong ruổi đi khám, chữa bệnh ở những vùng sâu, vùng xa anh lại cho ra đời những “bản hợp đồng danh dự” của hai người đàn ông. Bé đồng ý đi học. Cha cho bé đi học. Và bác sĩ Khôi sẽ hỗ trợ kinh phí. Không một ai bắt anh làm điều đó. Chỉ có trái tim với những nhịp đập yêu thương khiến anh “sợ” nhìn thấy những em bé bệnh nhân của mình sẽ mãi mãi ở trong bóng tối của sự thất học và nghèo đói.

Không chỉ bệnh nhân mới được bác sĩ Khôi tận tình chăm sóc, cứu chữa mà anh còn cùng đồng nghiệp kết nối với các cá nhân, tổ chức thực hiện chương trình “Trao hỗ trợ sinh kế, khám bệnh cấp thuốc miễn phí” trong hành trình đến những vùng sâu vùng xa dọc dài miền Trung, với một ví dụ cụ thể ở xã Quế Thuận, H.Quế Sơn, Quảng Nam, khám chữa bệnh cho 500 bà con nghèo; tặng 10 con bò giống; 30 chiếc xe đạp và sửa 20 căn nhà. Rồi từ một tin nhắn khẩn thiết của một cô giáo ở H.Quảng Ninh (Quảng Bình) cũng làm lay động tấm lòng của người bác sĩ, để rồi anh lại “rón rén nhắn tin” xin 60 triệu đồng giúp cho 350 hộ gia đình trong làng quê nghèo có được đàn gà giống sau trận bão lũ gây tang thương. Hình như mọi công việc ấy từ lâu là lẽ sống của người bác sĩ này.

Ở đây không chỉ có vị bác sĩ đã hơn 20 năm luôn chuyển động, đồng hành, tự đánh thức chính mình mà còn đánh thức cho cả những học trò, những bác sĩ tương lai cùng rất nhiều người “ngoại đạo” như tôi, sự lan tỏa của tình yêu thương con người cứ được đáp đền tiếp nối.

Bác sĩ Lê Minh Khôi khám chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo tỉnh Quảng Ngãi

TGCC

Người truyền lửa

Trong đại dịch Covid-19, với vai trò của một Phó giám đốc Trung tâm hồi sức Covid-19, anh đã không ngần ngại “xuống tóc”, cùng đồng đội mình lao vào tâm dịch với trăm đêm trắng cùng bao mồ hôi, máu và nước mắt. Để mỗi khi “Nhìn bệnh nhân từng vào viện trong tình trạng vô vọng nay thở ô xy mũi, rút hết đường xâm lấn thấy mình như được tiêm doping”. Những liều doping của bác sĩ Khôi đơn giản, lạ kỳ như thế đó.

Ngoài việc kêu gọi quyên góp của mọi người để mua máy đo SpO2 đến các bệnh viện dã chiến trong thành phố đang cần kíp trong cơn đại dịch Covid-19, anh còn khẳng định thêm một lần nữa bằng lời tự sự trên Facebook của mình “Không nhận hoa, không nhận quà. Chỉ nhận hiện vật chống dịch để hỗ trợ cho trạm y tế lưu động”. Và rồi lại vẫn con người ấy cầm từng túi gạo, viên thuốc, tấm áo, hộp sữa trao đến những phận nghèo trong cơn đại dịch. Những chuyến đi lặng thầm của anh, tới mọi ngóc ngách khó khăn nhất để đồng hành, xoa dịu và san sẻ.

Dường như thế vẫn là chưa đủ, khi thành phố bùng phát đại dịch lần thứ 4 quá sức khốc liệt, trực tiếp chứng kiến nhiều đứa trẻ mồ côi cha, mẹ, trong anh đã tâm nguyện “làm một cái gì đó cho những đứa trẻ vốn đã chịu quá nhiều thiệt thòi này. Cơn bão đi qua. Những cây lớn ngã xuống. Thương tiếc đấy nhưng chúng ta không thể ngồi đấy than khóc quá khứ. Việc cần làm là chăm chút những mầm xanh”. Đó là lý do anh dành toàn bộ sự ủng hộ, nhuận bút chiết khấu bán sách Phía Tây thành phố cho chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời của Báo Thanh Niên.

Các học trò nhìn vào thầy, từng việc nhỏ, từng lời nói, từng nụ cười hiền hậu, ánh mắt lấp lánh sáng để kết thành những trái tim luôn tỏa sáng. Tôi được đọc một tin nhắn của học trò gửi cho anh, mà anh bảo nó ấm lòng hơn mọi phần thưởng, danh hiệu: “Hôm nay con làm lễ tốt nghiệp. Giữa không khí hân hoan và xúc động của buổi lễ, con thật sự biết ơn thầy. Thầy là người truyền lửa và định hướng cho con trên con đường y nghiệp. Nhờ sự tận tâm hướng dẫn của thầy, con nhận được những bài học vô cùng quý giá. Hơn hết, đây chỉ là sự khởi đầu và còn nhiều khó khăn phía trước. Con sẽ tiếp tục nỗ lực học tập và không quên những lời thầy dạy, để trở thành bác sĩ tốt nhất có thể”.

Những việc làm, hành động của anh có một sức hút không chỉ với người lớn mà đến cả những em nhỏ như cậu bé 10 tuổi Hoàng Đạo nhân sinh nhật của mình cũng đến trung tâm trao tặng 10 máy bơm tiêm điện, 1.000 khẩu trang N95, 1.000 PPE level 4, 10 bộ đặt nội khí quản có camera cùng ước mơ học thật giỏi để sau này trở thành bác sĩ như bác Khôi.

Để rồi từ mồ hôi và trí tuệ ấy đã dần tượng hình không chỉ bao lớp học trò bác sĩ có mặt ở khắp các bệnh viện trên cả nước, mà cái cao lớn hơn, dài rộng hơn, bền vững hơn chính là niềm tin trong cõi người, trong lòng người đang sống hôm nay.

Từ nhân nghĩa thảo thơm hun đúc trái tim người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.