Người làm công ăn lương 'oằn mình' đóng thuế

Mai Phương
Mai Phương
28/07/2022 04:30 GMT+7

Thu nhập sụt giảm trong khi giá hàng hóa liên tục tăng khiến nhiều người phải chật vật nhưng mức đóng thuế thu nhập cá nhân vẫn như trước.

Thu nhập giảm, chi phí tăng

Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy thu nhập bình quân đầu người/tháng năm 2021 theo giá hiện hành đạt 4,205 triệu đồng, giảm 1,1% so với năm 2020. Cơ quan này cho biết trước năm 2019, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, tuy nhiên sau 2019, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thu nhập có xu hướng giảm dần. Tốc độ giảm thu nhập ở khu vực thành thị nhiều hơn so với nông thôn.

Giá hàng hóa đã tăng cao so với đầu năm khiến nhiều người lao động khó khăn nhưng vẫn nộp thuế TNCN

Nhật Thịnh

Gia đình chị Kim Nga (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho hay đang rất lo vì TP.HCM đã công bố dự thảo về việc tăng học phí từ năm nay lên gấp đôi so với năm trước. Chị có hai con đang học cấp 3 và đại học đều thuộc trường công. Đầu năm nay, tiền học ở trường, học thêm ngoại ngữ và một số môn khác đã hơn 20 triệu đồng/tháng. Chưa kể chi phí ăn, mặc, khám chữa bệnh hay xăng xe đi lại. Như vậy tổng cộng cả nhà đã phải chi ra khoảng 40 triệu đồng/tháng cho cả tiền học lẫn ăn uống sinh hoạt. Trong khi đó, mức giảm trừ gia cảnh cho chính 2 vợ chồng và 2 con chưa đến 30 triệu đồng/tháng. “Hằng tháng, thu nhập của hai vợ chồng sau khi trừ gia cảnh vẫn còn phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) ở bậc 2 khoảng 10%. Nhưng gia đình cũng phải phụ giúp cho bố mẹ hai bên, rồi còn rất nhiều chi phí phát sinh khác mà không thể kể hết nên xoay đi xoay lại không còn dư đồng nào. Khổ cái là mọi hàng hóa nay đều đắt đỏ nên nay cả ăn uống cũng phải tiết kiệm hơn trước rất nhiều”, chị Kim Nga chia sẻ.

Theo quy định hiện hành, có 10 khoản thu nhập thuộc diện chịu thuế TNCN với các mức thuế suất và cách tính khác nhau, trong đó duy nhất thu nhập từ tiền lương, tiền công áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần (thuế suất 5 - 35%), còn các khoản thu nhập khác áp dụng theo thuế suất toàn phần. Vì vậy, ngay trong sắc thuế TNCN thì đã có nhiều quy định chưa công bằng cho người nộp thuế.

Trên thực tế hiện nay, chỉ có những bà nội trợ mới thấm thía nhất câu chuyện thu nhập không giảm nhưng chi tiêu phải dè xẻn rất nhiều mới đủ sống. Bởi lương không giảm nhưng từ trứng gà trứng vịt đến chai dầu ăn, con tôm, con cá hay miếng thịt heo đều đã tăng từ 50 - 60% so với đầu năm. Anh Nguyễn Quý (Q.8, TP.HCM) than thở, bố mẹ đã gần 80 tuổi, ông là thương binh nên mỗi tháng nhận được trợ cấp 2,1 triệu đồng, bà thì lương hưu cũng chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng. Thu nhập của hai ông bà cộng lại vẫn không đủ chi tiêu cơ bản như ăn uống, đó là chưa kể tuổi cao sức yếu còn phải hay uống thêm các loại thuốc. Nhưng anh lại không thể đăng ký cho ông bà là người phụ thuộc để được giảm trừ gia cảnh vì theo quy định là thu nhập quá 1 triệu đồng/tháng sẽ không tính là phụ thuộc. Chính vì vậy với mức lương chưa được 20 triệu đồng/tháng và chỉ trừ gia cảnh bản thân anh là 11 triệu đồng/tháng và phần còn lại anh vẫn phải đóng thuế TNCN như những năm trước.

Thu thuế tăng mạnh, nên giảm thuế cho người làm công ăn lương

Báo cáo của Tổng cục Thuế cho hay lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách do ngành thuế quản lý ước đạt 775.262 tỉ đồng, bằng 66% so với dự toán pháp lệnh, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo TS Lê Đạt Chí, Phó khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nguồn thu từ người làm công ăn lương luôn chiếm đa số trong số thu thuế TNCN. Từ năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp, hộ gia đình đều có nhiều chính sách hỗ trợ khi khó khăn vì đại dịch Covid-19 như giảm thuế, giãn thuế. Hiện nay, các đối tượng này vẫn tiếp tục được Chính phủ hỗ trợ về lãi suất 2%, tiếp tục được gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, tiền thuê đất, thuế TNCN của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh… Thế nhưng, người làm công ăn lương nộp thuế TNCN hoàn toàn không được đề cập đến. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đã giảm lương, giảm thu nhập của người lao động. “Những đối tượng đang phải đóng thuế TNCN ở bậc 1, bậc 2 hiện nay thực tế cũng chỉ là mới đủ sống. Giá hàng hóa tăng cao sẽ khiến họ bị ảnh hưởng nặng vì phải tiết kiệm hơn, không còn lực để chi tái tại sức lao động, học hành nâng cao tay nghề… Trên thế giới, tỷ lệ lạm phát rất cao nên nhiều nước cũng có chính sách hỗ trợ người lao động. Thậm chí nhiều quốc gia có xu hướng thực hiện điều tiết thu nhập như tăng thuế của một bộ phận người giàu để hỗ trợ người thu nhập trung bình và thấp. Vì vậy chúng ta cần phải xem xét để có chính sách hỗ trợ đối tượng này và sớm điều chỉnh thuế suất thuế TNCN cho phù hợp”, TS Lê Đạt Chí chia sẻ thêm.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Xoa, Công ty luật Minh Đăng Quang, phân tích: “Lương của các doanh nghiệp chi trả không giảm nhưng mức chi tăng ra quá cao khiến các gia đình không còn tiền để dành. Tỷ lệ lạm phát công bố không cao do Tổng cục Thống kê tính toán với 752 loại hàng hóa và dịch vụ nhưng trong đó đại đa số người tiêu dùng chỉ sử dụng khoảng 20 mặt hàng thì đều tăng vọt. Vì vậy tôi cho rằng để làm được nhanh thì Chính phủ đề xuất giảm 30% thuế TNCN cho người lao động hiện nay như áp dụng cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Việc giảm thuế này sẽ giúp đại đa số người lao động có điều kiện chăm lo đời sống, từ đó thúc đẩy sức tiêu dùng trong nước tăng lên và cũng hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng. Sau đó về dài hạn phải xem xét lại việc sửa đổi biểu thuế cũng như nâng mức giảm trừ gia cảnh lên cao hơn để phù hợp với tình hình kinh tế xã hội”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.