Người làm công ăn lương chờ được giảm thuế

28/12/2021 06:10 GMT+7

Bộ Tài chính đã trình Quốc hội gói miễn, giảm thuế hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong năm 2022 có quy mô hơn 60.000 tỉ đồng, tăng gấp 3 so với quy mô gói hỗ trợ năm 2021.

Trong khi đó, người làm công ăn lương cũng đang trông chờ được hỗ trợ để giảm mức đóng thuế thu nhập cá nhân.

Làm thủ tục thuế tại TP.HCM

Ngọc Dương

Người làm công ăn lương bị “bỏ lơ”?

Dù gói hỗ trợ với quy mô lớn này chưa được công bố chi tiết, nhưng ngày 24.12, Bộ Tài chính đã ký ban hành Thông tư số 120/2021 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, có 37 khoản phí, lệ phí được giảm từ 10 - 50% từ ngày 1.1.2022 - 30.6.2022. Số khoản phí, lệ phí được giảm tăng thêm 3 khoản so với năm 2021. Các khoản phí, lệ phí được giảm này thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, từ chứng khoán đến doanh nghiệp (DN) đưa người đi làm việc ở nước ngoài, phí sử dụng đường bộ đối với ô tô kinh doanh, thức ăn nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi…

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành gói miễn giảm thuế với quy mô khoảng 21.300 tỉ đồng vào tháng 10.2021 với một số chính sách gồm giảm 30% thuế thu nhập DN cho đơn vị có doanh thu năm không quá 200 tỉ đồng/năm; miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho hộ kinh doanh, cá nhân sản xuất tại các địa bàn chịu tác động bởi dịch bệnh; giảm 30% thuế GTGT cho DN sản xuất - kinh doanh.

Nhìn chung trong năm 2021, khi đại dịch Covid-19 diễn ra nghiêm trọng, nhiều chính sách hỗ trợ cho các hộ kinh doanh, DN hay người dân gặp khó khăn cũng đã được thực hiện.

Thế nhưng, riêng chính sách thuế TNCN là chưa được Bộ Tài chính đề xuất xem xét có sự hỗ trợ nào. Đáng nói, trong cơ cấu đóng thuế TNCN, tỷ lệ từ tiền công, tiền lương vẫn chiếm rất lớn, tới hơn 70%.

Theo ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), trong hai năm vừa qua kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, rất nhiều ngành nghề đã bị ảnh hưởng nặng, người lao động bị mất việc hoặc giảm thu nhập khá nhiều. Trong đó đáng kể nhất là sự dịch chuyển, thay đổi lao động giữa các ngành nghề diễn ra trên diện rộng. Để có thể tìm lại một công việc khác, nhiều người có thể còn phải bỏ tiền để tham gia các khóa học ngắn hạn; có nhiều người phải tự cập nhật, học hỏi thêm các kỹ năng liên quan việc ứng dụng công nghệ khi nhiều DN thay đổi phương thức kinh doanh từ trực tiếp đến trực tuyến…

“Nghĩa là thu nhập bị giảm sút và phải gia tăng nhiều chi phí hơn cho việc tự đào tạo để tiếp tục có việc làm hoặc chuyển sang công việc khác. Vì vậy, nhà nước cần xem xét để có chính sách hỗ trợ, khuyến khích lực lượng lao động phát huy khả năng để tạo ra giá trị gia tăng”, ông Nghĩa nói và cho rằng: “Xét trong ngắn hạn, cần có chính sách hỗ trợ giảm thuế TNCN trong gói hỗ trợ miễn, giảm thuế mà Bộ Tài chính đang trình Quốc hội để áp dụng trong năm 2022. Hoặc có thể giảm cho những khoản thu nhập vãng lai dưới 10 triệu đồng chỉ bị khấu trừ một lần 10% và không bị tính gộp vào chung thu nhập trong năm để chịu thuế lũy tiến quá cao. Còn về dài hạn, quy định về cách tính thuế TNCN cũng không còn phù hợp với thực tế của VN nên phải thay đổi từ gốc. Đó là tính lại các bậc thuế lũy tiến; xem xét gia tăng mức chiết trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc”.

Đóng thuế TNCN chưa chắc mua được nhà

Theo lý giải hiện nay, các cá nhân có thu nhập phải đóng thuế TNCN được xem là người có thu nhập cao. Thế nhưng, ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, dẫn chứng những người có thu nhập tính thuế từ 11 - 20 triệu đồng/tháng vào diện nộp thuế bậc 1, 2 thì tính ra mức thuế phải đóng là ít. Chẳng hạn, người có thu nhập 20 triệu đồng/tháng, sau khi được chiết giảm thì số thuế còn lại phải đóng dưới 500.000 đồng/tháng. Thế nhưng, cuộc sống của người lao động có biết bao nhiêu thứ phải chi như thuê nhà, hiếu hỉ… Đặc biệt, người Việt quan trọng nhất là phải có chỗ ở, với mức thu nhập 20 triệu đồng/tháng, mà sống ở những đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội thì mất mấy chục năm cũng chưa chắc mua được nhà dù thu nhập của họ đến mức chịu thuế.

Theo Tổng cục Thuế, số thu thuế TNCN từ đầu năm 2021 đến hết tháng 11 tăng 7,7% so với dự toán. Mặc dù không đưa ra con số cụ thể số thu này là bao nhiêu, nhưng theo công bố dự toán ngân sách nhà nước 2021 của Bộ Tài chính, sắc thuế này là 107.796 tỉ đồng. Như vậy, trong 11 tháng của năm 2021, số thu thuế TNCN đã lên con số 116.096 tỉ đồng, tăng 8.300 tỉ đồng so với dự toán.

Đối với những người có thu nhập rơi vào bậc thuế thứ 3 trở lên là những người lao động chất xám cao, có trình độ cao. Đây là lực lượng lao động tạo động lực của nền kinh tế nên chính sách thuế cần chia sẻ với họ để có đột phá lớn. Vì vậy, trong bối cảnh khó khăn, chính sách thuế cũng cần chia sẻ cùng người lao động để động viên nhưng cũng tạo điều kiện để hanh thông hơn cho những triển khai chính sách thuế sau này. Bên cạnh đó, việc giảm thuế TNCN sẽ kích thích chi tiêu, kích thích phát triển, khôi phục kinh tế.

Chưa kể, thuế TNCN và thuế thu nhập DN phải tương đương nhau. DN sau khi trừ đi các khoản chi phí, phần thu nhập còn lại mới phải đóng thuế 20%. Trường hợp DN lỗ sẽ không đóng thuế thu nhập. Còn người lao động làm công ăn lương trừ đi chiết giảm gia cảnh mang tính tượng trưng, chưa quan tâm các chi phí trong cuộc sống như thế nào. Cùng là loại thuế thu nhập, nhưng DN chỉ đóng khi có lợi nhuận, còn cá nhân thì tính khi đến ngưỡng chịu thuế là chưa hợp lý.

“Tôi tha thiết kiến nghị nên giảm thuế TNCN cho người làm công ăn lương, nếu được thì giảm 50% số thuế phải nộp trong năm tới để nuôi dưỡng nguồn thu”, ông Tú nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.