Người khiếm thị mưu sinh - Kỳ 1: Hố ga bẫy người khiếm thị

24/04/2015 07:00 GMT+7

(TNO) Mới đây, anh Nguyễn Văn Thành, người khiếm thị quê ở Đồng Nai đi bán vé số ở TP.HCM bị rớt xuống hố ga… Tưởng là hy hữu nhưng với những người khiếm thị thì đó là “chuyện thường ngày ở huyện”.

(TNO) Mới đây, anh Nguyễn Văn Thành, người khiếm thị quê ở Đồng Nai đi bán vé số ở TP.HCM bị rớt xuống hố ga… Tưởng là hy hữu nhưng với những người khiếm thị thì đó là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Nhiều người khiếm thị vẫn tìm cách mưu sinh để không là gánh nặng cho gia đình, xã hội 
Trên những cung đường mưu sinh của những người khiếm thị, nếu không cẩn thận họ rất dễ rơi xuống hố ga, cống rãnh... nguy hiểm đến thân thể, tính mạng.
Kỳ 1: Hố ga bẫy người khiếm thị
Rớt xuống hố ga như… cơm bữa
Đồng hồ điểm quá 12 giờ trưa, trời nắng gắt, phía bậc cửa Văn phòng hội người mù quận Hà Đông bỗng lọc cọc tiếng gậy. Mồ hôi nhễ nhại, trên người lỉnh kỉnh túi ngang túi dọc, anh Lê Văn Ước (42 tuổi, quê Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) dò dẫm bước vào sau nửa ngày mưu sinh khắp các con phố của Hà Nội để bán tăm tre.
Ở hội này, anh Ước là một trong những hội viên “năng nổ” đi bán hàng rong nhất với thâm niên ngót chục năm nay. Những cung đường ngang dọc, Hà Nội vừa rộng lớn lại vừa nhỏ hẹp với anh Ước.
Ngồi nhẩm tính, anh bảo, mỗi ngày lang thang ngoài phố bán rong cũng ngót nghét cả chục cây số.
Với người bình thường, đi lại trên phố phường Hà Nội đã gặp nhiều khó khăn nhưng với người khiếm thị như anh Ước thì dường như đó là một sự kỳ diệu không thể gọi tên.
Anh Ước trên những nẻo đường đi bán tăm tre ở Hà Nội
“Những ngày đầu dò dẫm đi bán hàng chưa quen đường, ngã liên tục. Nhiều hố ga, cống ven đường không có gì che chắn...có lúc tôi rơi cả người xuống dưới hố. May mà có người bên đường cứu thoát chứ không đã bỏ mạng rồi”, anh Ước kể.

Nhiều lúc tôi nghĩ với người bình thường mưu sinh đã vất vả, người mù như tôi để có được miếng ăn cũng phải chan đầy nước mắt. Biết là cực thân, đi suốt ngày trên đường nhưng chả dám bỏ, ngày nắng cũng như ngày mưa

Anh Lê Văn Ước

Như để minh chứng điều mình vừa nói, anh Ước khẽ kéo chiếc ống quần màu nâu bạc phếch. Đôi chân anh gầy nhẳng, bầm dập những vết sẹo dài, tím ngắt. Anh nói đó là vết tích của những lần không may rơi xuống hố ga trên đường phố.
Anh Ước vẫn nhớ như in hồi cuối năm 2014, trong một lần đi bán tăm tre trong khu tập thể Thanh Xuân không may bị rớt xuống hố ga, chân tay bị xây xát rớm máu khiến anh rất tủi thân.
"Nhiều lúc tôi nghĩ với người bình thường mưu sinh đã vất vả, người mù như tôi để có được miếng ăn cũng phải chan đầy nước mắt. Biết là cực thân, đi suốt ngày trên đường nhưng chả dám bỏ, ngày nắng cũng như ngày mưa", anh tâm sự.
Hơn 10 năm mưu sinh trên phố, vẫn trên những cung đường quen thuộc. Tuy vậy, hố ga, gạch đá mấp mô rìa đường…như bẫy những người mù như anh Ước. ”Sợ nhất là những đoạn họ hay đào đường. Hố ga nhiều vô kể. Tránh hố ga ở đoạn trước thì lại thụt xuống hố ở đoạn sau”, anh Ước nhớ lại đường Phùng Khoang ngày mới thi công. Những lúc như thế anh Ước chỉ ước rằng có một đôi mắt sáng như bao người khác.
Mất răng, vược mặt vì rớt xuống hố
Ở Hội người khiếm thị quận Hà Đông, còn có hàng trăm phận người chung cảnh ngộ như anh Ước. Thiếu may mắn vì không có đôi mắt lành lặn nhưng ai cũng có khát khao kiếm sống, mưu sinh. Một ngày của họ bắt đầu từ tờ mờ sáng cho đến khi đường phố lên đèn.
Anh Ước và những đồng tiền lẻ kiếm được sau một ngày dò dẫm mưu sinh trên phố
Trò chuyện với chúng tôi, ông Bạch Quang Khải (55 tuổi, ở Mỗ Lao, Hà Đông), chủ tịch hội chia sẻ, không phải người khiếm thị nào cũng có thể đi được trên đường phố mà phải có kỹ năng thuần thục.
Trước đó, họ sẽ được đào tạo giáo án khi tham gia giao thông với bài học duy nhất: kỹ năng dùng gậy dò đường. Đi dưới lòng đường, trên hè phố, hay khi sang đường giữa ngã tư… Mỗi kiểu đều có tư thế cầm gậy khác nhau để mò đường và tránh chướng ngại vật xung quanh.
Thế nhưng, khi mưu sinh trên phố, ngoài chiếc gậy trong tay, những người khiếm thị cũng chỉ biết cậy nhờ vào ý thức của người đi đường.
“Trước đây, hè phố thông thoáng có hàng chục người đi bán hàng rong trên phố hàng ngày nhưng giờ đường xá đông đúc, hè phố bị lấn chiếm. Đi dưới thì xe cộ lao ầm ầm, trên vỉa hè hố ga nhiều, tay cầm gậy, tay ôm chổi nguy hiểm lắm nên cũng không muốn cho hội viên đi, giờ chỉ còn 4-5 trường hợp đi bán rong thôi ”, ông Khải cho biết.
Theo ông Khải, có nhiều trường hợp đi bán hàng trên phố bị gãy răng, vược mặt vì rớt xuống hố ga phải nằm viện băng thuốc cả tháng trời.
Bán được 2.000 đồng cho một bó tăm nhưng chẳng may bị tai nạn thì đi ròng rã cả tháng có khi chẳng đủ tiền thuốc. Ngày nào đắt khách thì được chừng 50 bó, trừ chi phí thì cũng chỉ lãi được 20.000 - 30.000 đồng. Chưa kể, người khiếm thị đi bán hàng rong cũng chỉ biết đặt lòng tin vào những khách mua hàng.
Biết rủi ro như thế nhưng họ vẫn đành phải chấp nhận đánh đổi. Bởi ra đường bán rong hơn là ngồi một chỗ tưởng tượng ra cuộc sống. Dẫu khó khăn, nguy hiểm...nhưng đó là một nghiệp để mưu sinh.
Không khuyến khích người khiếm thị mưu sinh trên phố
Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Lê Trung Quyết, Chủ tịch Hội người mù TP.Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn có khoảng 8.000 người khiếm thị đang ở các Trung tâm bảo trợ xã hội, Hội người mù của các quận, huyện. “Về tình trạng người khiếm thị mưu sinh bằng nghề bán hàng rong trên đường phố, chúng tôi không có chủ trương khuyến khích, phần lớn là người già đi tự phát còn người khiếm thị ở các địa phương khác mưu sinh trên phố thì không nắm hết được”, ông Quyết nói.
(Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.