Người hùng bóng đêm: ‘Tôi không thể làm ngơ khi thấy người bị nạn’

20/11/2022 07:30 GMT+7

21 giờ 30 hàng ngày, khi phần lớn người dân đã trở về tổ ấm bên gia đình, có một người đàn ông vẫn lặng lẽ chuẩn bị đồ đạc, thúc giục đồng đội ra đường làm nhiệm vụ đi tuần, trực sơ cấp cứu khi gặp người bị tai nạn giao thông,… đó là anh Phạm Quốc Việt, Đội trưởng nhóm cứu hộ FAS Angel.

Phạm Quốc Việt (35 tuổi, ở xã Thọ Nghiệp, H.Xuân Trường, Nam Định) vừa được bình chọn là gương mặt nhận giải thưởng tháng 11 của chương trình “LG Hero Awards” - Đồng lòng tỏa sáng, rạng ngời Việt Nam do Công ty LG Việt Nam tổ chức.

Anh Việt và đồng đội sơ cứu cho nạn nhân gặp tai nạn giao thông trong một đêm mưa

ĐÌNH HUY

Anh là Đội trưởng Đội cứu hộ FAS Angel (First Aid Support Angel) và cũng chính là người đã lập nên đội cứu hộ miễn phí này từ tháng 9.2019, sau hơn 2 năm làm công việc này một mình.

Thấy người bị nạn không thể làm ngơ

Tính đến nay, đội cứu hộ FAS Angel đã hỗ trợ cho hơn 9.000 vụ tai nạn, riêng trong số đó, anh Việt có mặt ở hơn 5.000 vụ. Thế nhưng, cả 5.000 lần hỗ trợ này, mỗi lần đều mang lại cho anh những cung bậc cảm xúc khác biệt. Có những lúc Việt vui mừng tột cùng khi cứu sống nạn nhân, nhưng có những lúc quặn lòng đau xót khi chứng kiến họ ra đi trên chính đôi tay của mình; cũng không ít lần ê chề, tủi hổ khi bị chửi mắng, xúc phạm, đánh đập do người được cứu hoặc người nhà hiểu lầm anh là… thủ phạm.

Chân dung anh Phạm Quốc Việt - đội trưởng đội cứu hộ FAS Angel

NVCC

Kể về lần bị hành hung gần nhất, Việt nhớ lại đó là vụ tai nạn xe máy cách đây vài tháng. 2 xe máy đi ngược chiều đâm nhau, một người lớn tuổi bị xây xát, người còn lại bị thương nặng, máu chảy rất nhiều. Theo bản năng, Việt lao vào sơ cứu cho người bị nặng hơn. Lúc này, người lớn tuổi kia đã điện cho cả cháu, con ở gần khu vực tai nạn và nói “người kia đi ngược chiều đâm vào mình”.

Khi thấy người nhà kéo ra, Việt đã cố gắng ngăn cản. Khi đôi bên vẫn đang nói chuyện, bất ngờ Việt hứng trọn một cái đạp từ một người nhà của họ đến sau, ngã lăn ra đất. Chứng kiến câu chuyện, người dân ở đó lao vào can ngăn và kể lại do người lớn tuổi kia đi sai, dù đâm vào người khác nhưng đã gọi điện cho người thân để đổ lỗi cho người khác…

Hay một vụ tai nạn cách đây 5 ngày, ở đại lộ Thăng Long, khi nghe thấy thông tin tai nạn, Việt một mình chạy xe đến trước thì phát hiện 2 nạn nhân là chú cháu đi 1 xe. Người cháu chỉ bị xây xát, chú thì bị vỡ hốc mắt phải, máu chảy ròng ròng và mắt đang sưng to.

Lo lắng vì biết chấn thương này rất dễ ảnh hưởng đến não, Việt đề nghị người cháu lùi ra sơ cứu cho chú trước thì người này lại có lời lẽ xúc phạm, thậm chí gây sự muốn đánh nhau với anh. “Trong tình cảnh đó, tôi không quan tâm đến việc bị chửi mắng, chỉ nghĩ làm sao mình có thể sơ cứu, cầm máu cho người chú trước, nếu không hậu quả sẽ khó lường. Mặc dù tôi đã cố gắng thuyết phục, nhưng trong tình trạng say xỉn em ấy vẫn ra sức ngăn cản không cho tiếp cận hỗ trợ cứu chú mình. Lúc này, có tình nguyện viên đến, tôi buộc phải dùng phương án khiêu khích để kéo em ấy ra xa, cho tình nguyện viên vào sơ cứu người chú. Ít phút sau, xe 115 đến đưa nạn nhân đi cấp cứu. Ngay cả đến khi đó, em ấy vẫn nhất mực đòi hành hung tôi”, Việt kể.

Còn nhiều vụ tương tự mà Việt cho rằng, mối nguy hiểm không chỉ đơn giản là người nhà, mà còn ở chính nạn nhân, nên các thành viên của Đội luôn phải chuẩn bị các tình huống để chống đỡ.

“Thấy hình ảnh mình khi nhìn ánh mắt người gặp nạn”

Đã rất nhiều lần Việt chán nản, thậm chí định bỏ cuộc, nhưng khi về đến nhà, viết ra câu chuyện của ngày hôm đó, anh lại thấy nhẹ lòng hơn, quên đi những suy nghĩ tiêu cực.

Việt kể anh được sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề y. Hồi ấy, ai cũng nghĩ lớn lên anh sẽ theo nghề của gia đình là trở thành một thầy thuốc giỏi, chữa bệnh cứu người. Tuy nhiên, Việt đã lựa chọn thi vào Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội với mong ước được trở thành ca sĩ. Nhưng nhiều lý do, sau khi ra trường, anh chưa thực hiện được mục tiêu này. “Năm 2016, tôi bị tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Tuyên Quang. Khi tỉnh lại, toàn thân như bị tê liệt, không thể cử động, chỉ có đầu óc là tỉnh táo nhưng vẫn không có ai giúp đỡ. Đó là những phút giây không thể nào quên. May mắn cuối cùng cũng có một người qua đường quyết định dừng xe và đưa tôi đi cấp cứu, khiến tôi luôn nhớ mãi và biết ơn!", Việt xúc động nhớ lại.

Anh Việt theo dõi bản đồ, lên lộ trình tuần đường vào buổi tối

NVCC

Một năm sau vụ tai nạn, Việt “gia nhập” đội xe ôm công nghệ. Ban đầu, anh chỉ tranh thủ làm thêm buổi tối, hễ chỗ nào xảy ra tai nạn giao thông (TNGT), có người bị thương, anh sẽ hỗ trợ đưa họ đi cấp cứu. “Đã có những người bị TNGT nặng, họ nắm chặt tay tôi mong muốn được giúp đỡ. Với tất cả những thứ nhỏ nhoi có trong tay, tôi cố gắng giúp họ vượt qua cơn nguy kịch. Đặc biệt, khi nhìn vào ánh mắt của những người gặp nạn, tôi thấy hình ảnh của mình về lần bị tai nạn ở Tuyên Quang. Đây cũng là động lực để tôi quyết định từ bỏ công việc văn phòng, dành thời gian thành lập đội tình nguyện FAS Angel với thông điệp: ‘Tôi không bỏ đi khi bạn gặp nạn, vì một ngày kia khi tôi bị nạn sẽ có người giúp tôi’”.

Dành hết tiền thưởng vào quỹ đội

Thời gian đầu khi mới lập đội, vừa làm việc, Việt vừa tìm thêm bạn đồng hành, vừa phân phát tem của nhóm, trong đó có số điện thoại để nhờ người dân thông báo. Qua thời gian, FAS Angel đã phát 25.000 tem. Dần dần, số điện thoại của anh được mọi người biết đến và gọi khi cần. Cũng từ đây, nhiều người đã xin vào đội tình nguyện, hiện tại, thành viên đã trên 130 người.

Anh Việt hướng dẫn tình nguyện viên trong đội cách sơ cứu khi gặp người tai nạn

Đình Huy

FAS Angel phát triển trên tinh thần tự nguyện, các thành viên sẽ chia ca trực ở các điểm nóng hay xảy ra tai nạn. Khi có tai nạn, các thành viên sẽ tiếp cận được hiện trường, chụp ảnh nạn nhân gửi vào nhóm chat chung. Khi nhận tin báo, căn cứ định vị, đội trưởng sẽ biết thành viên nào ở gần hiện trường nhất, từ đó trực tiếp điều phối họ tới sơ cứu nhanh chóng trong trường hợp xe cứu thương 115 không kịp đến.

“Hiện tại tôi đang có 1 cửa hàng sửa chữa xe máy, tạm gọi là trạm cứu hộ sửa chữa 01. Đây là một trong những mô hình tôi gây dựng để tái tạo lại quỹ cho đội bằng cách dạy nghề sửa chữa xe máy cho các thành viên trong đội. Nó vừa là nơi sửa chữa xe máy cho nạn nhân của các vụ tai nạn, vừa là nơi để các thành viên trong đội có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, tạo ra được khoảng không gian ổn định ở ban ngày phòng trường hợp nhận được thông tin 1 vụ tai nạn, mình có thể đi từ cửa hàng đến hiện trường sơ cứu”, anh Việt tiết lộ.

Với những thành tích đã đóng góp cho xã hội, anh Việt được nhận bằng khen về danh hiệu “Người tốt việc tốt” của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội năm 2020; nhân vật truyền cảm hứng trong năm 2021. Ngoài ra, anh còn được các chương trình như chuyện tử tế, chuyện đêm muộn mời đến làm nhân vật truyền cảm hứng, được báo chí trong và ngoài nước phỏng vấn để lan tỏa tinh thần giúp đỡ người khác trong lúc khó khăn hoạn nạn.

Mới nhất, khi nghe tin được báo Thanh Niên và LG Việt Nam bình chọn là gương mặt nhận giải thưởng tháng 11 của chương trình “LG Hero Awards” - Đồng lòng tỏa sáng, rạng ngời Việt Nam, Việt bày tỏ: “Tôi hạnh phúc lắm. Số tiền thưởng mà tôi nhận, tôi sẽ chuyển ngược lại cho quỹ của Đội để tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa”.

Tiếp nối hành trình xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn, LG tổ chức chương trình “LG Hero Awards” - Đồng lòng tỏa sáng, rạng ngời Việt Nam. Chương trình nhằm tôn vinh những cá nhân có hành động thiết thực truyền cảm hứng về những việc làm, hành động tử tế, những tấm gương sáng trong cuộc sống đời thường dũng cảm quên mình cứu người. Qua đó, LG mong muốn lan tỏa hơn nữa những tấm lòng tử tế và những giá trị nhân văn. Anh Phạm Quốc Việt là nhân vật tiêu biểu được bình chọn và nhận giải thưởng của LG Việt Nam kỳ tháng 11 năm 2022. Lễ trao giải sẽ diễn ra ngày 21.11 tại Hà Nội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.