Người Hà Nội bao giờ được đi tàu Nhổn - ga Hà Nội?

Mai Hà
Mai Hà
01/04/2022 08:20 GMT+7

Sau nhiều lần lỡ hẹn, tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đang hoàn tất các công đoạn cuối để kịp hoàn thành và vận hành đoạn trên cao vào cuối năm 2022.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), từ đầu năm tới nay, các nhà ga trên cao bị chậm tiến độ do vướng mặt bằng hiện đã hoàn thiện kết cấu, kiến trúc và hoàn trả vỉa hè cho một số vị trí ga.

Ngoài ra, các ga với hệ thống cầu thang bộ, thang máy có mái che cũng đã hoàn chỉnh và không đặt tên tạm, mà gắn biển chính thức tên nhà ga, được trang trí giỏ hoa, cây xanh. Bên trong nhà ga cũng được triển khai lắp đặt hệ thống thẻ vé tự động.

Toàn tuyến có 10 đoàn tàu, dự kiến khai thác đoạn trên cao vào cuối năm 2022

Ngọc Thắng

Lãnh đạo MRB cho biết, hiện vẫn còn một số vướng mắc song khối lượng công việc của gói thầu các nhà ga trên cao không còn nhiều, chủ yếu hoàn thiện các chi tiết nhỏ. Cụ thể, đoạn trên cao hiện chỉ còn khoảng 5% khối lượng. Gói CP-02 cơ bản đã hoàn thành, lắp xong thang máy... Đến nay, hệ thống thiết bị nhập khẩu, nguồn kinh phí được bố trí sẵn sàng, chuyên gia nước ngoài cũng được huy động đủ nên công việc còn lại chủ yếu là tập trung thi công.

Đoạn trên cao của dự án (8,5 km trên cao và 4 km đi ngầm) đạt được nhiều mốc tiến độ quan trọng như chạy thử đơn động, đấu nối nguồn điện, hoàn thành mua sắm thiết bị Depot, thiết bị thẻ vé, chạy thử liên tiếp các đoàn tàu…

Hiện vướng nhất vẫn là gói thầu CP05 (các công trình kiến trúc Depot) có khối lượng công việc lớn, ảnh hưởng đến gói thầu khác nên sẽ phải đẩy nhanh tiến độ. Gói thầu này từng bị chậm trễ do bổ sung thiết kế, khối lượng công việc và chậm được cung cấp dữ liệu 2 gói thầu khác, đã được gia hạn đến cuối năm 2022.

Tới thời điểm này, gói CP05 này vẫn còn khoảng 28% khối lượng. Theo kế hoạch, chậm nhất đầu tháng 6, gói CP05 phải bàn giao Trung tâm Chỉ huy chạy tàu OCC. Gói thầu CP09 (thẻ vé) bàn giao chậm nhất 15.7, chạy thử toàn hệ thống tháng 8.2022, hoàn thành nghiệm thu công trình thành phần tháng 9.2022. Toàn tuyến trên cao sẽ vận hành thử toàn hệ thống vào tháng 11 để kịp bàn giao cho đơn vị vận hành đoạn trên cao vào tháng 12.2022.

Theo kế hoạch, thời gian vận hành thử tối đa 2 tháng. Bên cạnh đó, dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội được Công ty Tokyo Metro (Nhật Bản) hỗ trợ đào tạo, nghiệm thu hoàn thành trước khi đưa vào chở khách.

Sẵn sàng nhân sự, phương án trông giữ xe

Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội), cho biết về nhân sự khai thác vận hành tuyến Nhổn - ga Hà Nội dự kiến khoảng hơn 520 người, trong đó có khoảng 50 lái tàu. Metro Hà Nội đã tuyển dụng nhân sự và đào tạo gần 1 năm nay tại các bộ phận trực tiếp khai thác, bảo trì hệ thống.

Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên toàn bộ nhân sự được đào tạo trực tuyến với nước ngoài và cơ sở đào tạo trong nước, thay vì phương án cử một số lái tàu đi Pháp học như trước đó. “Tiến độ đào tạo nhân sự đáp ứng theo kế hoạch để vận hành khai thác vào cuối năm nay”, ông Trường nói.

Khắc phục những bất cập thiếu chỗ trông giữ xe giai đoạn đầu khai thác tuyến Cát Linh - Hà Đông, Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe vừa đề xuất Sở GTVT Hà Nội các điểm trông giữ phương tiện phục vụ vận hành đoạn trên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội.

Công ty này đã tiến hành khảo sát các tuyến đường, tuyến phố dọc tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội để xác định vị trí điểm đỗ xe trong phạm vi bán kính 500 m, thuộc 8 nhà ga gồm: điểm đỗ xe Cầu Giấy (tại lòng đường cụt nút giao thông ngã ba Voi Phục, P.Ngọc Khánh, Q.Ba Đình); điểm đỗ xe La Thành (đối diện tòa nhà V-Tower, P.Ngọc Khánh, Q.Ba Đình); điểm đỗ xe gầm cầu Mai Dịch (P.Mai Dịch, Q.Cầu Giấy); điểm đỗ xe đảo phân cách giao thông cạnh gầm cầu Mai Dịch.

Ngoài ra, có một số điểm đỗ xe mới được đề xuất tại Q.Cầu Giấy gồm điểm trên phố Khúc Thừa Dụ, đường Nguyễn Phong Sắc, phố Trần Quý Kiên, đường Cầu Giấy.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội được triển khai từ năm 2009, là tuyến đường sắt đầu tiên được khởi công của Hà Nội, chiều dài 12,5 km (gồm 8,5 km trên cao và 4 km đi ngầm), sử dụng 10 đoàn tàu. Tổng mức đầu tư dự án 1,176 tỉ Euro, từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng trong nước.

Sau nhiều lần phải điều chỉnh tiến độ do chậm trễ thi công, vướng mắc khiếu kiện với nhà thầu ngoại, dự án sau đó được chấp thuận tách thành 2 giai đoạn hoàn thành, dự kiến cuối năm 2022 sẽ đưa vào khai thác 8,5 km trên cao, và toàn tuyến vào năm 2025.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.