Người Hà Nội ăn sáng đắt nhất thế giới

04/03/2017 06:46 GMT+7

Đó là thông tin từ báo cáo của Bloomberg vừa được công bố.

Chịu chi cho bữa sáng
Theo kết quả đo lường của Bloomberg (Bloomberg Global City Breakfast Index): Người Hà Nội mất tới 12% chi phí hằng ngày cho bữa sáng. Chi phí trung bình dành cho bữa ăn sáng tiêu chuẩn là 1 cốc sữa, 1 quả trứng, 2 lát bánh mì và một miếng hoa quả. Cũng theo báo cáo này, các quốc gia ở khu vực Bắc Mỹ và Tây Âu - nơi có nền kinh tế phát triển nhất cũng là nơi có chi phí dành cho bữa sáng thấp nhất (dưới 1,8% thu nhập hằng ngày). Ở châu Á, mức chi này của người dân Osaka - Nhật Bản chỉ là 1%. Trong khi thu nhập trung bình của người Hà Nội chỉ bằng 1/8 thu nhập trung bình của người dân ở Osaka. Điều này cho thấy, chi phí dành cho bữa sáng là vấn đề không đáng bận tâm đối với các nước khá giả thì với một số khu vực như VN, đây là một vấn đề không hề nhỏ.
Tại sao người Hà Nội lại chịu chi cho ăn sáng đến vậy? Có nhiều lý do.
Theo ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Viet Circle, tâm lý chuộng thương hiệu, chuộng nơi sang trọng cũng là một nguyên nhân khiến người Việt phải tốn nhiều tiền cho bữa sáng. Ví như một tô phở tại một cửa hàng lề đường có giá tầm 30.000 - 35.000 đồng, nhưng cũng tô phở như vậy, thậm chí chất lượng còn kém hơn, vào một bàn ăn trong khách sạn 4 - 5 sao thì giá đã được đẩy lên gấp 4 - 5 lần. Thế nhưng vì sao người ta vẫn chọn nơi đắt đỏ? Sao những nơi ấy vẫn đông? Đấy là vì “nói sáng nay vừa mới ăn sáng ở Sheraton nghe nó sang hơn, oai hơn, đẳng cấp hơn nhiều” - ông giải thích.
Một yếu tố cũng khiến bữa ăn sáng của người Hà Nội nói riêng và người Việt nói chung trở nên đắt đỏ là những năm gần đây, việc ăn sáng thường được kết hợp làm việc với đối tác, hẹn hò với bạn bè ở các quán cà phê. Mà những nơi này, giá các món ăn cũng cao hơn nhiều so với bên ngoài. Nếu tạt vào Starbucks, The Coffee Bean and Tea Leaf... buổi sáng thường rất đông đúc. Với giá trung bình từ 60.000 - 80.000 đồng cho một ly nước tùy loại và từ 60.000 - 100.000 đồng cho một phần ăn sáng, một người cũng mất ít nhất 120.000 - 150.000 cho bữa sáng. Như vậy, không khó hiểu khi số tiền “đầu tư” cho bữa sáng của người Việt là quá nhiều so với mức thu nhập trung bình.
Chưa kể, những món ăn xuất hiện trong khẩu phần “chuẩn” mà Bloomberg đưa ra hầu hết lại không xuất hiện trong bữa sáng hằng ngày của người Việt. Trong khi thực tế, ẩm thực của VN cực kỳ phong phú và đa dạng. Thực đơn cho bữa điểm tâm này có sự khác nhau theo vùng miền nhưng nhìn chung, người Việt thường chuộng các món nước. Miền Bắc thì thường dùng phở, bún, cháo... còn ở miền Nam thiên về hủ tiếu, bánh canh, mì Quảng... những món này giá thực tế có thể thấp hơn rổ giá của khảo sát.
Bữa sáng tốn nhiều thời gian
Không chỉ chi nhiều tiền, người Việt cũng "chi" khá nhiều thời gian cho bữa sáng. Là người đã từng sống lâu năm ở Pháp cũng như các nước phương Tây, anh Trung (Q.Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: “Bên đó họ không quan trọng bữa sáng bằng bữa tối. Ăn cũng rất đơn giản: cà phê, táo hay bánh mì với mứt, bơ. Rất nhanh gọn, chỉ từ 15 - 30 phút. Còn ở VN, bữa ăn sáng thường bắt đầu sớm hơn và kéo dài hơn”.
Một trong những lý do khiến người Việt mất nhiều thời gian ăn sáng là vì quá cầu kỳ trong khâu chuẩn bị. Thay vì chỉ cần bỏ 1 lát bánh vào lò nướng, đập 1 quả trứng ốp la, rót 1 ly sữa - 5 phút cho bữa sáng như người nước ngoài, các bà nội trợ Việt có khi phải dậy từ 5 giờ sáng, mất cả tiếng đồng hồ để chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Trong nhịp sống quá nhanh hiện nay, với nhiều gia đình, bữa sáng là thời gian hiếm hoi sum họp, trao đổi thông tin, gắn kết tình cảm. Vậy là bao nhiêu chuyện công việc, chuyện học tập, riêng tư được mang ra chia sẻ, bàn luận sôi nổi, bữa sáng vì thế được kéo dài hơn.
Ăn sáng ở ngoài cũng tương tự. Đã vào hàng, quán thì phải chờ đợi. Vào quán đẹp, sang trọng thì phải ngồi cho bõ công. Nhiều người cũng sẵn sàng chấp nhận chờ đợi, xếp hàng... để được ăn ở những nơi hợp khẩu vị, những nơi nổi tiếng... Chị Phương làm việc tại một văn phòng luật kể: “Do đặc thù công việc nên tôi thường hẹn hò đối tác hay bạn bè chủ yếu vào buổi sáng. Nhiều khi hẹn 2 - 3 cuộc liên tục, ăn sáng ngồi đến trưa luôn".
Việc người Hà Nội sẵn sàng trích ra đến 12% thu nhập và phần nhiều thời gian để đầu tư cho bữa sáng, theo nhiều người thì thói quen này có vẻ không hợp với xã hội hiện đại ngày nay nhưng "văn hóa ăn sáng" cũng là một nét riêng lạ của người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng.
VN đứng thứ 5 toàn cầu về mức độ lạc quan
Báo cáo chỉ số niềm tin người tiêu dùng mới nhất được phát hành gần đây của Nielsen, một công ty thông tin và đo lường toàn cầu, cho thấy chỉ số niềm tin trong khu vực Đông Nam Á tăng trưởng ở mức vừa phải trong năm 2016. Niềm tin của người tiêu dùng đã giúp VN kết thúc năm 2016 với một chỉ số niềm tin cao nhất trong năm. Do vậy VN đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 toàn cầu về mức độ lạc quan, đạt 112 điểm (tăng 5 điểm so với quý trước) - kết thúc một năm với nhiều diễn biến tích cực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.