Người 'giữ lại' không khí Tết cho Hà Nội

05/03/2015 12:27 GMT+7

Đã hơn 10 năm nay, bà Lê Thị Phượng bán đào ở ngã tư Hàng Lược, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) từ sau Tết đến hết rằm tháng Giêng.

Đã hơn 10 năm nay, bà Lê Thị Phượng bán đào ở ngã tư Hàng Lược, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) từ sau Tết đến hết rằm tháng Giêng. 

Gần 10 năm qua, đào cành bà Phượng bán sau Tết luôn đắt hàng
Gần 10 năm qua, đào cành bà Phượng bán sau Tết luôn đắt hàng - Ảnh: Bùi Tuấn
Khi cành đào nhỏ trên bàn thờ của bà Bùi Thị Xuân (phố Hàng Lược) được hạ xuống sau khi hóa vàng, nó đã được thay ngay bằng một cành đào mới. Sau 30 Tết, Hà Nội gần như không còn người bán hoa đào. Nhưng ở ngã tư Hàng Lược, vẫn có một người bán hàng bền bỉ nhiều năm.
“Năm nào tôi cũng mua của cô Phượng mấy cành đào nhỏ về cắm trên ban thờ, dù qua mùng 7 hạ cây nêu rồi, nhưng thấy hoa đào vẫn còn thấy không khí Tết trong nhà”, bà Xuân nói.
Một khách hàng khác, ông Đinh Như Kiên (phố Hàng Mã) nói: “Trước Tết thì cả phố Hàng Lược này đâu đâu cũng thấy đào với quất. Tết xong một cái thì còn duy nhất mỗi cô này bán ở đây. Cô này “có công” rất lớn đã giữ lại không khí Tết cho phố cổ Hà Nội”.
Bà Phượng đã bán hoa nhiều năm. Hồng, cúc, lay ơn, lys đủ loại. Nhưng chục năm trở lại đây, bên cạnh việc bán các loại hoa đó, bà bán thêm hoa đào sau Tết, hoặc cành nhỏ, hoặc đào dăm. Mỗi ngày bà bán khoảng hơn chục bó đào dăm, có thể cắm một bình trên ban thờ đầy đặn. Giá mỗi bó từ khoảng 70.000 - 100.000 đồng tùy vào số lượng và kích cỡ.
“Đào này đều là đào Nhật Tân cả đấy. Không phải đào rừng hay đào Lạng Sơn gì đâu. Hàng ngày cô đi cắt đào của nhà, nếu thấy không đủ thì nhập thêm của những vườn xung quanh rồi sáng đem đi bán sớm”, bà Phượng chia sẻ.
“Năm nay trời nắng nóng, nhiều nơi hoa đào nở sớm trước Tết. Cho nên đào mang đi bán ở thời điểm này được coi là chút “lộc sót” của những người trồng”, bà Phượng chia sẻ.
Lộc cũng khá bền. Trước đây, bà chỉ bán đào cho người nhờ mua hộ. Sau những năm đầu ấy, người quen biết chỗ mách tiếp người khác, bán đều đặn hơn.
“Giờ, năm nào cô cũng đứng đó bán hoa đào sau Tết. Khách mua chủ yếu là dân phố cổ. Họ mua một hai bó về vừa cắm trên bàn thờ cúng rằm tháng Giêng luôn, vừa cắm lọ chơi ở phòng khách. Hết Tết rồi nhưng thấy hoa đào là vẫn thấy không khí. Với những khách quen, cô bớt 5.000 - 10.000 cho người ta, coi như mừng tuổi đầu năm”, bà Phượng nói.
Cả phố cổ chẳng có ai bán đào từ mùng ba Tết như bà Phượng nên nhiều hôm, cháy hàng nên khách quen không hẹn trước cũng không có phần. Khách nước ngoài thích hoa đào cũng có lúc hỏi mua. Không biết ngoại ngữ, bà Phượng phải đôn đáo chạy đi nhờ mấy thanh niên ngồi ăn bún bên đường dịch hộ. Lại có những người ở Hà Nội nhưng lại mua hoa gửi vào trong Sài Gòn hay gửi ra nước ngoài. “Tự hào lắm chứ cháu. Chẳng khác gì mình giữ được sắc xuân cho phố cổ đến tận rằm cơ mà. Nhiều người mua hàng vẫn nói đùa, cô làm xuân trong phố cổ được hồi sinh đó”, bà Phượng cười vui.
Đã hơn chục năm ngồi bán tại ngã tư này, bà Phượng như được bao bọc vì lòng yêu hoa. “Cô chỉ ngồi đây mùng 3 đến rằm thôi, sau đó thì cô đi bán rong chứ ngồi đây mãi sao được, phòng y tế người ta cũng phải mở cửa làm việc chứ. Mọi người cũng thương nên chỉ nhắc nhở ngồi gọn vào thôi”, bà Phượng nói.
Theo bà Phượng, càng xa khu vực trung tâm thì càng ít người chơi đào sau Tết, cũng không có mấy người đem đào đi bán nữa.
"Dân phố cổ thích chơi đào dịp này hơn dân các khu vực khác. Hình như họ muốn níu giữ không khí xuân lâu hơn vì thế với họ, Tết Nguyên tiêu cũng cầu kỳ hơn. Hơn nữa chơi đào ngày rằm tháng Giêng là nét đẹp lâu năm của người Hà Nội cổ”, người giữ lại không khí Tết cho Hà Nội chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.