Người dùng hưởng lợi gì khi nhà mạng trúng đấu giá băng tần 5G?

18/03/2024 19:30 GMT+7

Bộ TT-TT đang triển khai đấu giá 3 khối băng tần 5G cho các nhà mạng tại Việt Nam. Theo các chuyên gia, các dải băng tần đều có các ưu, nhược điểm khác nhau. Đối với nhà mạng, băng tần không quyết định chất lượng và các dịch vụ cung cấp đến khách hàng, mà phụ thuộc chiến lược đầu tư và phát triển hệ sinh thái của nhà mạng.

Sau phiên đấu giá thành công ngày 8.3, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện 5G đối với khối băng tần 2.500 - 2.600 MHz, dự kiến ngày 19.3, Bộ TT-TT tiếp tục tổ chức đấu giá khối băng tần 3.700 - 3.800 MHz cho mạng 5G tại Việt Nam. Giá khởi điểm của khối băng tần này là gần 2.000 tỉ đồng, cho 15 năm sử dụng.

Thêm nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng

5G là công nghệ viễn thông thế hệ mới đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới, có tốc độ cao hơn 4G rất nhiều và phù hợp cho kết nối với máy móc và thiết bị cho xu hướng của internet kết nối vạn vật IoT.

Người dùng hưởng lợi gì khi nhà mạng trúng đấu giá băng tần 5G?- Ảnh 1.

Hiện trên thế giới, băng tần 5G đang được chia làm 4 nhóm, gồm: băng tần thấp (dưới 1.000 MHz), băng tần tầm trung 1 (1.000 - 2.600 MHz) và tầm trung 2 (3.500 - 7.000 MHz), cuối cùng là băng tần tầm cao (24.000 - 48.000MHz).

Việc trúng đấu giá các băng tần khác nhau có thể tác động đến phương án và hiệu quả đầu tư của các nhà mạng. Tuy nhiên, điều mà các khách hàng quan tâm là các dải băng tần 5G khác nhau có làm thay đổi tốc độ truy cập internet và chất lượng dịch vụ 5G cung cấp đến khách hàng hay không?

Theo Báo cáo của Hiệp hội Hệ thống thông tin di động toàn cầu (GSMA) năm 2023, hiện các loại băng tần tầm trung 2 (bao gồm khoảng băng tần 3.700 - 3.900 Mhz) đang có 152 nhà mạng sử dụng, cao hơn 8,4 lần số nhà mạng đang sử dụng băng tần tầm trung 1 (2.600 MHz) với 18 doanh nghiệp. Điều này cho thấy mức độ phổ biến, xu hướng và lợi thế của dải băng tần 3.700 - 3.900 Mhz trong việc phát triển lên mạng lưới 5G thời gian tới.

Thống kê năm 2023 của tổ chức GSA (Global mobile Supplies Association) cho thấy, số lượng thiết bị đầu cuối 5G hỗ trợ các băng tần tầm trung 2 ( từ 3.700 MHz) hiện đang tương đương số lượng thiết bị hỗ trợ băng tần trung 1 (dưới 2.600 Mhz).

Các chuyên gia nhìn nhận việc các nhà mạng ở Việt Nam triển khai 5G ở tần số 3700 - 3900 MHz sẽ mang lại thêm nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng về máy điện thoại, thiết bị đầu cuối.

Về độ phủ, theo các chuyên gia, băng tần thấp và băng tần trung 1 có độ phủ tốt nhất. Các băng tần này thường được sử dụng nhằm nâng cao vùng phủ 5G tại khu vực nông thôn và ven đô với mật độ dân cư thấp. Trong khi đó, băng tần trung 2 thường được sử dụng cho khu vực đô thị, trung tâm thành phố với mật độ dân cư đông.

Còn theo Viện công nghệ Massachusetts (Mỹ), băng tần có tần số cao sẽ có băng thông lớn, tốc độ cao, độ trễ thấp và dung lượng cao hơn các băng tần thấp. Tuy nhiên, với băng tần tần số cao sẽ bị hạn chế bởi độ phủ.

Vì vậy, với mỗi băng tần được cấp phép đều có các ưu điểm, nhược điểm khác nhau và khó có băng tần nào phát huy tối đa hết ưu điểm và khắc phục hết các nhược điểm do đặc thù và yếu tố về công nghệ.

Về băng thông, đây là yếu tố quan trọng đảm bảo tốc độ của dịch vụ data. Các băng tần càng cao thì càng ưu thế về băng thông.

Theo phân tích của một chuyên gia viễn thông, băng tần giống như đường cao tốc. Mỗi dải băng thông của băng tần giống như làn đường của đường cao tốc. Các tập dữ liệu sẽ giống như xe tải trên đường cao tốc. Băng tần càng cao tương đương với chất lượng đường xá sẽ tốt hơn. Chất lượng đường tốt hơn thì sẽ ít có khả năng xe tải bị tai nạn và rơi mất tập dữ liệu…

Sự khác biệt sẽ đến từ hệ sinh thái 5G

Dự báo của các chuyên gia, đến 2025, 5G có khả năng đóng góp vào sự tăng trưởng GDP Việt Nam từ 7,3 - 7,4% bởi công nghệ này có thể nâng cao năng suất lao động, hiệu suất làm việc của doanh nghiệp. Đến năm 2030, 5G đem lại cho các nhà khai thác Việt Nam doanh thu 1,5 tỉ USD.

Người dùng hưởng lợi gì khi nhà mạng trúng đấu giá băng tần 5G?- Ảnh 2.

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đã thử nghiệm 5G ở 55 tỉnh, thành phố. Việt Nam muốn thúc đẩy các công ty nghiên cứu, sản xuất thiết bị đầu cuối kết nối 5G; đồng thời, sẽ thí điểm 5G ở khu công nghệ cao, các trường đại học, viện nghiên cứu...

Mục tiêu trong quy hoạch hạ tầng TT-TT giai đoạn 2021 - 2030 do Bộ TT-TT công bố, đến năm 2025, tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu của mạng 5G tại Việt Nam là 100 Mbps. Đến 2030, mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số, hướng tới phát triển mạng di động tiên tiến thế hệ tiếp theo.

Nhằm triển khai các mục tiêu trên, đại diện Bộ TT-TT cho hay năm 2024 là thời điểm chín muồi để cấp phép băng tần thương mại hóa 5G. Sự kiện đấu giá băng tần có ý nghĩa quan trọng với ngành TT-TT, kỳ vọng mở ra một kỷ nguyên mới cho 5G, là cơ sở để phát triển hạ tầng số, phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Đại diện một nhà mạng tham gia đấu giá băng tần cho biết, việc trúng đấu giá băng tần 5G mới là điều kiện cần để phục vụ nhu cầu của khách hàng và người dân. Các doanh nghiệp viễn thông sẽ cạnh tranh mang lại lợi ích cho khách hàng.

Còn theo các chuyên gia, băng tần không quyết định chất lượng và các dịch vụ nhà mạng cung cấp đến khách hàng, mà các yếu tố này sẽ phụ thuộc vào chiến lược đầu tư và phát triển hệ sinh thái của nhà mạng. Tương tự, trải nghiệm người dùng mạng 5G không phụ thuộc vào tần số 5G của nhà mạng được cấp phép mà còn phụ thuộc vào việc tối ưu hóa mạng lưới của các nhà mạng và hệ sinh thái nội dung, ứng dụng của nhà mạng.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.