Người đồng tính thà nghỉ việc chứ không thú nhận

19/05/2013 15:20 GMT+7

(TNO) Tại Trung Quốc, nhiều người đồng tính thà chấp nhận nghỉ việc chứ nhất định không chịu thú nhận về giới tính thật.

(TNO) Tại Trung Quốc, nhiều người đồng tính làm việc tại các công ty đang phải đối mặt với nhiều kiểu quấy rối tinh thần, buộc họ phải quyết định xin nghỉ việc.

Zhao Xin, một người đàn ông đồng tính ở tỉnh Giang Tây, cho biết anh không thể làm việc tại công ty cũ vì đồng nghiệp thường xuyên quấy rối tinh thần anh, hỏi anh những câu hỏi châm chọc, kiểu như tại sao đến tuổi này mà không có bạn gái..., theo Tân Hoa xã ngày 18.5.

“Tôi không thể ngăn họ hỏi những câu hỏi như thế vì họ rất tò mò và chỉ muốn tôi phải thừa nhận mình là người đồng tính”, Zhao (tên nhân vật đã được thay đổi) cho Tân Hoa xã biết.

Tuy nhiên, Zhao thà nghỉ việc, chuyển công ty, chứ không chịu thú nhận giới tính thật. “Tôi không muốn gặp rắc rối. Tôi không muốn đồng nghiệp nhìn tôi với cặp mắt phiến diện vì biết tôi là người đồng tính”, Zhao cho hay.

Những mối lo ngại của Zhao cũng là những gì được thể hiện trong bản báo của Trung tâm Giáo dục và Văn hóa Aibai (Trung Quốc) công bố vào ngày Thế giới phòng chống nạn phân biệt đối xử với người đồng tính (17.5).


Cặp đồng tính nữ Da Na và Bu Xiu làm xôn xao cộng đồng mạng sau khi tung ảnh cưới chụp tại Bắc Kinh (Trung Quốc) nhân dịp lễ tình nhân vừa qua - Ảnh: Reuters 

Theo bản báo cáo này, những người đồng tính và song tính ở Trung Quốc phải đối diện với nạn phân biệt đối xử từ đồng nghiệp và cả các sếp, khiến họ phải cố gắng che giấu giới tính thật.

Kết quả bản báo cáo dựa trên cuộc khảo sát từ 2.161 người đồng tính và song tính tại 17 tỉnh ở Trung Quốc.

Hơn phân nửa số người tham gia khảo sát cho biết họ rất mệt mỏi, tinh thần bất an khi phải tìm cách che đậy giới tính thật của mình trước sự tò mò và phân biệt đối xử của đồng nghiệp.

Khoảng 20% trong số người tham gia khảo sát cho biết họ đã xin nghỉ việc, hoặc đang có ý định thôi việc, do bị phân biệt đối xử, quấy rối tinh thần tại nơi làm việc.

Bản báo cáo này cũng kết luận là những người đồng tính làm việc tại các công ty nhà nước ở Trung Quốc bị kỳ thị nhiều hơn so với ở môi trường doanh nghiệp nước ngoài.

Thừa nhận mình là người đồng tính có... hậu quả xấu

Xin Xin, một người đàn ông đồng tính khác, làm việc cho một tạp chí thời trang ở Bắc Kinh, từng dũng cảm tự nhận mình là người đồng tính trước các đồng nghiệp. Xin tưởng điều đó sẽ giúp mình nhẹ nhõm, hóa ra Xin lại bị phân biệt đối xử thậm tệ hơn trước.

“Chỉ cần thấy tôi bước vào toilet là các nam đồng nghiệp nhanh chóng chạy ra ngoài”, Xin Xin cho biết.

“Họ không hiểu gì về người đồng tính. Nhiều đồng nghiệp vẫn xem đồng tính là một căn bệnh”, Xin Xin chia sẻ với Tân Hoa xã.

Liu Xiaonan, giáo sư tại Trường đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, cho biết chính phủ Trung Quốc cần phải có luật bảo vệ quyền của cộng đồng LGBT (viết tắt: Lesbian - đồng tính nữ, Gay - đồng tính nam, Bisexual - song tính, và Transgender/transsexual - chuyển giới tính).


Một cặp đồng tính nam ở Trung Quốc công khai chụp ảnh cưới với hy vọng thay đổi giúp xã hội Trung Quốc thay đổi cái nhìn về cộng đồng LGBT - Ảnh: Reuters 

Bản báo cáo trên cũng kêu gọi các nhà tuyển dụng, các công ty ở Trung Quốc... cần có những chính sách bảo vệ nhân viên LGBT, cấm phân biệt đối xử với những người này, tạo môi trường làm việc thuận lợi, bình đẳng đối với tất cả nhân viên.

Ông Zhang Beichuan, một học giả về giới tính, cho biết vấn đề về cộng đồng người LGBT phải được nghiêm túc đưa vào chương trình giáo dục phổ thông để người Trung Quốc có cái nhìn đúng đắn hơn.

Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc đã rút “đồng tính” ra khỏi danh sách các bệnh về tâm thần vào năm 2001, sau khi Tổ chức Y tế Thế giới làm điều tương tự vào ngày 17.5.1990.

Phúc Duy

>> Video clip: 10 cặp đồng tính tổ chức "đám cưới tập thể
>> Bi kịch từ mối tình đồng tính
>> 1,65 triệu người đồng tính ở VN: Đa số muốn sinh con
>> Hôn nhân đồng tính tiếp tục được hợp pháp hóa tại Mỹ
>> Pháp thông qua luật hôn nhân đồng tính
>> New Zealand chính thức hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính
>> Những nước hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.