Người dân vùng thủy điện Bản Vẽ bỏ nơi tái định cư

02/05/2014 06:00 GMT+7

190 hộ dân với 587 người đã bỏ khu tái định cư ở H.Thanh Chương (Nghệ An) để trở về quê cũ tại H.Tương Dương, nơi đã trở thành lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.

190 hộ dân với 587 người đã bỏ khu tái định cư ở H.Thanh Chương (Nghệ An) để trở về quê cũ tại H.Tương Dương, nơi đã trở thành lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. 

 
 Một căn nhà tái định cư ở bản Kim Hồng, xã Ngọc Lâm, H.Thanh Chương đóng cửa vì chủ đã về quê cũ - Ảnh: K.Hoan

Báo cáo của UBND H.Tương Dương cho biết, trong số này, nhiều nhất là bản Kim Hồng, xã Thanh Lâm với 57 hộ đã quay về; có 36 hộ đã bán nhà ở khu tái định cư, mang theo 60 trẻ em đang đi học về quê cũ.

Ông Trịnh Minh Châu, Chủ tịch UBND H.Tương Dương, cho biết: người dân bỏ các khu tái định cư để quay trở về quê cũ là do thiếu đất sản xuất, đời sống ở đó gặp khó khăn. Tình trạng này diễn ra từ vài ba năm trước, khi một số gia đình trở về dựng lều trên các khu rừng trên cao trình mực nước hồ thủy điện Bản Vẽ để ở và phát rẫy trồng lúa. Năm nào chính quyền H.Tương Dương cũng đến tận nơi vận động và yêu cầu bà con ký cam kết sẽ quay về nơi tái định cư nhưng nhiều hộ không ký hoặc ký mà không thực hiện.

Tháng 4.2013, có 171 hộ bỏ khu tái định cư, được vận động, 52 hộ cam kết sẽ trở lại. Nhưng năm nay kiểm tra, số hộ bỏ khu tái định cư, trở lại quê cũ lại nhiều hơn năm trước.

Để xây dựng thủy điện Bản Vẽ, từ năm 2007 đến 2009, 2.123 hộ dân sống trong vùng lòng hồ phải chuyển tới nơi tái định cư tại H.Thanh Chương, cách quê cũ hơn 200 km để sinh sống. Tuy nhiên, qua kiểm tra của UBND H.Tương Dương, cuộc sống của người dân tái định cư còn rất khó khăn.

Theo Chủ tịch UBND H.Tương Dương, thiếu sót khi thực hiện việc di dời quá trình điều tra đất đai, thổ nhưỡng quá sơ sài. “BQL dự án cho rằng ở Thanh Chương có nhiều đất làm lúa nước và sẽ chia cho dân, nhưng thực tế đây là đất cằn, thiếu nước, không khai hoang được”, ông Châu nói.

Ngoài 190 hộ dân đã “hồi hương” kể trên, còn 30 hộ dân của bản Chà Coong, xã Hữu Khuông không chịu di dời để về khu tái định cư tại H.Thanh Chương vì cho rằng tại đây cuộc sống không đảm bảo dù chính quyền đã vận động từ 4 năm nay.

“Cái khó là trong khi một số hộ dân không di dời thì những hộ đã di dời còn quay lại, trong khi khu vực lòng hồ đã hết đất, đường sá cũng không có”, ông Châu cho biết.

Ngoài rất nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội, hệ lụy trước mắt của việc này là nhiều trẻ em có nguy cơ thất học vì ở khu vực lòng hồ, các trường lớp đã bị xóa sổ sau khi có chủ trương dời dân ở nơi này.

Khánh Hoan

>> Dừng chuyển tên nhận quyền sử dụng đất tái định cư từ 30.6
>> Vụ 'xén đất tượng đài để… tái định cư': Hiến kế giữ hiện trạng tượng đài
>> Xén đất tượng đài để... tái định cư
>> Lãng phí ở tỉnh nghèo: Tái định cư không thể... định cư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.