Người dân TP.HCM cần lưu ý gì trước 'chỉ thị đặc thù'?

21/06/2021 04:47 GMT+7

Sau khi ban hành khẩn Chỉ thị 10, TP.HCM đã có hướng dẫn cụ thể để người dân bớt lúng túng trong quá trình chấp hành quy định được xem là đặc thù lần đầu tiên áp dụng trong phòng chống dịch Covid-19 .

Hôm qua (20.6), trong ngày đầu áp dụng Chỉ thị 10, Sở Y tế đã có văn bản hướng dẫn chi tiết, nêu cụ thể các loại hình kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được hoạt động cho đến khi có thông báo mới.
Đây là động thái rất được trông đợi, bởi hơn 20 ngày qua khi TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội toàn địa bàn theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng, rất nhiều người dân vẫn còn băn khoăn cần phải làm như thế nào trong đời sống sinh hoạt hằng ngày để đảm bảo tuân thủ đúng quy định.

Sáng 21.6: TP.HCM thêm 33 ca Covid-19, ghi nhận tổng cộng 1.966 bệnh nhân

Thế nào là dịch vụ thiết yếu?

Theo hướng dẫn của Sở Y tế TP.HCM, dịch vụ thiết yếu được hoạt động (nhưng buộc đảm bảo 5K, quy định phòng chống dịch), bao gồm: các cơ sở kinh doanh nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; các cửa hàng kinh doanh lương thực, thực phẩm, thuốc; cơ sở khám, chữa bệnh (trừ các phòng khám thẩm mỹ, bệnh viện thẩm mỹ, các hoạt động thẩm mỹ thực hiện tại bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa); kinh doanh dược; quốc phòng, an ninh; ngân hàng; các cơ sở kinh doanh trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng, kho bạc; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm), chứng khoán, bưu chính, viễn thông; dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu hàng hóa; tang lễ; dịch vụ thu gom xử lý chất thải, vệ sinh môi trường.

Phản ánh vi phạm phòng dịch qua Cổng thông tin 1022

Sở TT-TT TP.HCM đang vận hành Cổng thông tin 1022, trong đó có tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của người dân liên quan đến phòng chống dịch Covid-19, như: hoạt động kinh doanh của quán cà phê, nhà hàng, quán ăn, hoạt động của các công ty, doanh nghiệp; không giữ khoảng cách, tụ tập đông người tại nơi công cộng, không đeo khẩu trang; phản ánh về các trường hợp nghi nhiễm, tiếp xúc gần với ca nghi nhiễm…
Người dân có thể phản ánh qua các kênh gồm: gọi điện thoại đến Tổng đài 1022, ứng dụng Tổng đài 1022 trên điện thoại thông minh, website 1022.tphcm.gov.vn, thư điện tử 1022@tphcm.gov.vn, fanpage Cổng thôngtin 1022…
Theo quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin, người dân gửi thông tin, kèm theo hình ảnh, đoạn phim (nếu có) về nội dung phản ánh cho Cổng thông tin 1022. Sau đó, Cổng thông tin 1022 tiếp nhận và sàng lọc, phân loại thông tin trong vòng 5 phút rồi chuyển nội dung phản ánh của người dân cho UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện; đồng thời nhắn tin cho đầu mối phụ trách của đơn vị tiếp nhận thông tin. Tiếp theo, đơn vị tiếp nhận thông tin kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh theo thẩm quyền; cập nhật kết quả xử lý trên phần mềm Cổng thông tin 1022 trong thời gian tối đa 30 phút.
Cuối cùng, Sở TT-TT tổng hợp thông tin về tình hình tiếp nhận và xử lý phản ánh của người dân, báo cáo hằng ngày cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM.
Sỹ Đông
Các cửa hàng tiện ích, khu vực kinh doanh lương thực thực phẩm và nhu yếu phẩm trong các siêu thị và các chợ truyền thống được hoạt động nhưng phải đảm bảo quy định phòng chống dịch, tuân thủ quy tắc 5K của Bộ Y tế, điều tiết phân luồng 1 chiều, tùy theo không gian để xác định số lượng người đến mua hàng tại cùng một thời điểm nhưng phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1,5 m giữa người mua.

Miễn dịch cộng đồng là gì và vắc xin quan trọng ra sao trong đại dịch Covid-19?

Các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được hoạt động nhưng không được mở cửa hàng, chỉ bán hàng thông qua giao hàng trực tiếp cho khách hàng tại công trường, trang trại, nơi sản xuất, chăn nuôi gồm: kinh doanh vật liệu xây dựng phục vụ công trình; vật tư, trang thiết bị ngành điện, thiết bị ngành nước, đồ kim khí phục vụ cho các công trình; thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản.
Các loại hình dịch vụ khác được phép hoạt động như: vận tải chuyên chở hàng hóa, hàng vật tư, nguyên liệu, sản phẩm cung ứng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; cung cấp nguyên vật liệu, hàng hóa cho xuất khẩu; dịch vụ cung cấp điện, nước cho sản xuất và đời sống. 
Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống, Sở Y tế cho phép hoạt động nhưng tuyệt đối không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang về, đặt hàng trực tuyến, người giao hàng phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách 1,5 m khi chờ lấy hàng. Các cơ sở kinh doanh thời trang, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, điện thoại, mắt kính, kim khí, điện máy nội thất, kinh doanh xe... cũng phải đóng cửa.
Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp khác theo hướng dẫn của ngành y tế như để lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, tiêm vắc xin phòng Covid-19...
Liên quan đến việc tổ chức đám tang trong thời gian giãn cách xã hội, Sở Y tế hướng dẫn đối với vùng đang cách ly y tế hoặc ngoài vùng cách ly y tế theo các hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; các Tổ Covid-19 cộng đồng và trạm y tế phường, xã, thị trấn có trách nhiệm hướng dẫn người dân thực hiện.

Lực lượng chức năng tạm phong tỏa một đoạn đường Võ Thị Nhờ, Q.7 (TP.HCM) để khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan ca nhiễm Covid-19 ngày 20.6

ẢNH: KHẢ HÒA

Tạm thời không nhận hồ sơ hành chính trực tiếp

Theo UBND TP.HCM, thực hiện Chỉ thị 10, đối với cơ quan, đơn vị nhà nước, TP.HCM yêu cầu đảm bảo giãn cách trong quy trình làm việc. Các cơ quan, đơn vị nhà nước tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở, số lượng không quá 50%, riêng lực lượng vũ trang và ngành y tế đảm bảo 100% quân số.
Đối với việc giải quyết hồ sơ hành chính của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan hành chính nhà nước trên toàn địa bàn TP đẩy mạnh giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (nộp hồ sơ qua mạng, nhận kết quả qua bưu điện đưa đến tận nhà); tạm thời không nhận hồ sơ trực tiếp của người dân, doanh nghiệp (trừ trường hợp đặc biệt do thủ trưởng từng cơ quan, đơn vị quyết định).
Người đứng đầu các sở ngành, quận huyện và TP.Thủ Đức chịu trách nhiệm nếu không hoàn thành nhiệm vụ công tác; và chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở.
Người dân, doanh nghiệp có nhu cầu giải quyết hồ sơ hành chính trực tuyến, có thể vào Cổng dịch vụ công của TP.HCM tại địa chỉ https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn.

Bản tin Covid-19 ngày 20.6: Chỉ thị 10 cùng chiến dịch vắc xin thần tốc

Bến xe, bến phà, nhà ga hoạt động thế nào?

Ngày 20.6, trả lời Thanh Niên, ông Trần Văn Phương, Phó tổng giám đốc Bến xe Miền Tây (Q.Bình Tân), cho biết thực hiện theo Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM, hiện đơn vị này đã tạm ngưng hoạt động các tuyến xe khách cố định liên tỉnh và xe trung chuyển. Từ lúc TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 15 (0 giờ ngày 31.5), hầu hết các tỉnh, thành đều tạm ngưng các tuyến xe khách vào TP.HCM. Hiện Bến xe Miền Tây chỉ bố trí lực lượng bảo vệ để đảm bảo tài sản, còn hầu hết các phòng ban đều tạm nghỉ, hoặc làm việc ở nhà.
Ông Đỗ Phú Đạt, Phó tổng giám đốc Bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh), thông tin hiện bến xe này cũng đã tạm ngưng các tuyến xe khách hoạt động ra vào bến. Xe tải chở hàng hóa vẫn có thể ra vào bến để xếp dỡ hàng hóa, nhưng phải thực hiện nghiêm 5K để phòng chống dịch bệnh. “Xe tải ra vào bến từ 6 - 17 giờ hằng ngày, nhưng lượng xe cũng ít lắm”, ông Đạt nói.
Tại bến phà Cát Lái (nối TP.HCM với Đồng Nai), hiện vẫn hoạt động vận chuyển hành khách bình thường. Người dân từ địa bàn TP.HCM lên phà không phải khai báo y tế, nhưng phải giữ khoảng cách và đeo khẩu trang. Khi phà cập bến qua tỉnh Đồng Nai sẽ có tổ công tác của Đồng Nai yêu cầu khai báo y tế, đo thân nhiệt trước khi vào địa phận tỉnh này. “Chúng tôi chỉ chở 50% lượng khách so với quy định. Từ lúc TP.HCM giãn cách xã hội, lượng khách qua lại phà giảm khoảng 55%”, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó giám đốc bến phà Cát Lái, cho hay.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng ga Sài Gòn (Q.3), nói hiện các chuyến tàu ra vào TP.HCM vẫn hoạt động bình thường, nhưng chỉ chở tối đa 50% lượng khách quy định trên mỗi toa tàu. Khách trước khi lên tàu phải đo thân nhiệt và khai báo y tế.
 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.