Người đàn ông ngồi xe lăn sửa đồng hồ hơn 30 năm, từng là tay đua 'khét tiếng'

14/10/2023 13:16 GMT+7

Dù ngồi xe lăn nhưng ông Quyền vẫn miệt mài sửa đồng hồ kiếm tiền mưu sinh hàng chục năm nay. Ít ai biết, người đàn ông này từng là một tay đua xe lăn "khét tiếng" một thời.

Khoảng 14 giờ, một người khách đem đồng hồ đến tiệm của ông Diệp Đức Quyền (60 tuổi) trên đường Nguyễn Tri Phương (Q.10, TP.HCM) để sửa. Cầm trên tay chiếc đồng hồ của "khách ruột", chủ tiệm bắt "bệnh" ngay - lệch mặt số. Khoảng 30 phút tỉ mỉ điều chỉnh từng chi tiết, ông gửi lại cho khách sau khi đồng hồ hoạt động bình thường. Ông đã có hơn 30 năm gắn bó với công việc này.

Từng đoạt 3 HCV ASEAN Para Games

Vừa chăm chút với công việc sửa đồng hồ, cựu vận động viên khuyết tật trò chuyện với PV Thanh Niên về cuộc đời cũng như khoảng thời gian gắn bó với môn điền kinh xe lăn.

Người đàn ông ngồi xe lăn sửa đồng hồ hơn 30 năm: 'Thời gian rất quan trọng!' - Ảnh 1.

Ông Quyền mãi khắc ghi câu châm ngôn về nghề

DƯƠNG LAN

Ông Quyền bị sốt bại liệt từ nhỏ. Lúc 7 – 8 tuổi, ông được ba mẹ đưa vào trung tâm trẻ em khuyết tật. Vào trung tâm, ông "gia nhập" thế giới của những người khuyết tật, không hình dung được bản thân kém may mắn, không thể đi lại được nên sống vô tư.

Năm 12 tuổi, ông rời trung tâm về sống với gia đình. Vài năm sau, khi ra ngoài tiếp xúc với bạn bè, ông mới nhận thức được việc không thể đi lại như người bình thường, sống khá cô lập.

Cựu vận động viên khuyết tật 30 năm sửa đồng hồ trên xe lăn

Người đàn ông ngồi xe lăn sửa đồng hồ hơn 30 năm: 'Thời gian rất quan trọng!' - Ảnh 2.

Ông miệt mài sửa đồng hồ hơn 30 năm nay

DƯƠNG LAN

"Khi đi học tôi quậy dữ lắm vì người ta cũng kỳ thị nên tôi không hòa nhập được với mọi người. Thấy họ đụng tới mình là tôi "chơi ngay và chơi luôn", không ngại ngần ai hết. Về sau gia đình bảo ban lại, dặn tôi đi học nghề kim hoàn. Tôi cũng học và ra đi làm nhưng bị người ta quỵt tiền nên nghỉ công việc đó", ông chia sẻ.

Ông sửa đồng hồ từ 8 giờ đến khoảng 17 giờ mỗi ngày

Buồn chán vì bị quỵt tiền, ông tìm đến những cuộc nhậu để giải sầu. Không kiểm soát những cơn say, ông quậy phá khiến gia đình phiền lòng. Thời điểm đó, có một người em cũng khuyết tật làm nghề sửa đồng hồ, ông ra ngồi chơi và phụ làm. Một thời gian sau, ông thấy bản thân phù hợp với công việc đó nên ra chợ mua cả rổ đồng hồ hư cũ về mày mò, nghiên cứu.

Người đàn ông ngồi xe lăn sửa đồng hồ hơn 30 năm: 'Thời gian rất quan trọng!' - Ảnh 4.

Ông từng là vận động viên khuyết tật nổi tiếng

DƯƠNG LAN

Tình cờ trong một lần đi mua linh kiện, ông gặp và tham gia cùng nhóm người khuyết tật chơi thể thao. Họ quyết định thành lập CLB với các môn như điền kinh xe lăn, bơi lội, bóng bàn…

"Hồi đó mấy anh em tìm kiếm kinh phí từ nhà tài trợ rất khó, mỗi lần đi xin là buồn thiu như mèo bị cắt đuôi. Sau đó, TP.HCM tổ chức cuộc thi, chúng tôi được biết đến nhiều hơn, CLB mới lớn mạnh còn có nhà tài trợ tặng cho 20 chiếc xe lăn. Hồi đó tôi vừa tập, vừa sửa đồng hồ nên không thể quên nghề", ông nhớ lại.

Người đàn ông ngồi xe lăn sửa đồng hồ hơn 30 năm: 'Thời gian rất quan trọng!' - Ảnh 5.

Ông tỉ mỉ với công việc của mình

DƯƠNG LAN

Ông đã từng đi xe lăn từ TP.HCM xuống Vũng Tàu để tập luyện. Năm 1993 ông có giải thưởng đầu tiên cho bộ môn đua xe lăn của người khuyết tật được tổ chức ở TP.HCM. Kiên trì tập luyện, ông cùng đồng đội trở thành đại diện của Việt Nam tham dự đấu trường quốc tế. Tại ASEAN Para Games lần thứ nhất tổ chức ở Malaysia, ông xuất sắc đoạt 3 huy chương vàng cá nhân.

Người đàn ông ngồi xe lăn sửa đồng hồ hơn 30 năm: 'Thời gian rất quan trọng!' - Ảnh 6.

Ông Quyền thời còn trẻ

DƯƠNG LAN

"Mấy anh ở trong CLB có động viên tôi cố gắng, đem chuông đi đánh xứ người sao cho vang dội khắp Việt Nam. Lúc thi đấu, tôi đeo bám đối thủ người Malaysia đến cuối trận tăng tốc hết cỡ, thắng được đối thủ và lập luôn cú hattrick", ông nhớ lại.

"Thời gian là miễn phí nhưng nó vô giá!"

Dành được những thành tích vang dội ở đấu trường quốc tế nhưng trở về cuộc sống thường nhật ông vẫn gắn bó với việc sửa đồng hồ. Cùng nhờ nghề ông nên duyên vợ chồng với một người khách quen, thường xuyên lui tới sửa đồng hồ. Thời đó, bà nhận xét ông là người có khuôn mặt phúc hậu, chăm chỉ làm ăn nên gật đầu đồng ý. Họ có với nhau một người con trai, năm nay 20 tuổi.

Người đàn ông ngồi xe lăn sửa đồng hồ hơn 30 năm: 'Thời gian rất quan trọng!' - Ảnh 7.

Nghề sửa đồng hồ giúp ông có tiền trang trải cuộc sống

DƯƠNG LAN

"Tôi rất yêu nghề vì tất cả mọi người đều cần thời gian dù những người trẻ hay những người lớn tuổi đều cần có thời gian. Thời gian rất quan trọng lắm nên tôi viết câu châm ngôn đặt ở tiệm: "Thời gian là miễn phí nhưng nó vô giá", ông chia sẻ.

Ông tâm sự, sửa đồng hồ cho khách dù quen hay lạ cũng cần có sự tận tâm. Nếu khách không hiểu phải cố gắng tư vấn cho khách biết để họ mến người sửa. Ông luôn mong bản thân có sức khỏe để tiếp tục gắn bó với nghề kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Chiếc xe máy và "cửa hàng" sửa đồng hồ của ông Quyền

DƯƠNG LAN

Ông Phạm Văn Anh (43 tuổi, ở Q.10) cho biết bản thân là "khách ruột" của người sửa đồng hồ đặc biệt này. Ông cũng biết ông Quyền là cựu vận động viên khuyết tật thời trẻ từng giành nhiều giải thưởng danh giá.

"Sau này tôi thường xuyên lui tới sửa đồng hồ cho bản thân và mọi người trong gia đình và rất ngưỡng mộ tinh thần của ông. Dù không đi lại được bình thường nhưng ông vẫn tự kiếm tiền bằng sức lao động của mình. Ông sửa đồng hồ rất giỏi, mỗi khi nhận lại đồng hồ tôi cũng trả thêm tiền động viên ông", vị khách nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.