Người đàn ông miền Tây với biệt tài 'dụ' ong, ngậm cả trăm con ong trong miệng

06/02/2023 14:14 GMT+7

Hơn 40 năm làm nghề xây tổ nuôi ong lấy mật cho các nhà vườn, ông Trịnh Phước Trung được xem là người hiếm hoi ở miền Tây có biệt tài "dụ" ong.

"Săn" ong chúa thiên nhiên

Ông Trịnh Phước Trung (61 tuổi, ngụ P.Phước Thới, Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ) là người khá nổi tiếng ở miền Tây bởi biệt tài "dụ" ong về làm tổ để nuôi ong lấy mật. Khi được hỏi bí quyết, ông cười hề hà rồi huyên thuyên nói về nghề.

"Tôi đam mê nghề làm tổ ong từ năm 11 tuổi. Đến năm 20 tuổi, tôi chính thức vô nghề này và cho đến nay vẫn đam mê với con ong mật. Nghề này ra đời do nhu cầu của nông dân trồng cây ăn trái muốn tận dụng nguồn phấn hoa trong vườn để nuôi ong kiếm thêm thu nhập", ông Trung kể.

Người đàn ông miền Tây với biệt tài “dụ” ong về nuôi lấy mật - Ảnh 1.

Nhờ cấy ong chúa thiên nhiên vào thùng nuôi gây đàn nên tỷ lệ mật đạt cao và chất lượng

DUY TÂN

Kinh nghiệm nghề nghiệp được ông Trung tích lũy theo từng năm, từ việc đóng thùng làm tổ và bắt ong tự nhiên về gây đàn. Để "dụ" ong về làm tổ, gây đàn, ông thường đi săn ong chúa ngoài tự nhiên rồi bắt về cấy vào hộp gỗ. "Mỗi hộp gỗ nuôi ong có những vách ngăn, che giấy báo giữ nhiệt để ong làm tổ, cho mật đạt tỷ lệ cao nhất", ông Trung chia sẻ.

Người đàn ông miền Tây với biệt tài “dụ” ong về nuôi lấy mật - Ảnh 2.

Nhờ ông Trung “mát tay” xây tổ cho ong, nhà vườn có những bánh mật chất lượng

DUY TÂN

Để cấy ong chúa vào tổ, cần phân biệt rõ bởi có 3 loại: ong chúa cấp tạo, ong chúa nhân tạo và ong chúa chia đàn tự nhiên. "Mỗi con ong chúa có mùi tạo ra khác nhau để thu hút đàn ong nên phải nuôi riêng. Ong chúa bắt ngoài thiên nhiên có thể sống từ 8 tháng đến 1 năm. Với 1 thùng có ong chúa, chỉ có thể tách ra thêm được 1 thùng, không thể tách 2 - 3 thùng", ông Trung nói.

Các loại ong nhà vườn thường nuôi là ong khoái, ong rừng, ong ruồi, ong Ý…, trong đó ong Ý cho năng suất cao nhất. Mùa ong cho mật nhiều và ngon, ngọt nhất trong năm là từ tháng 4 đến tháng 5.

Người đàn ông miền Tây với biệt tài “dụ” ong về nuôi lấy mật - Ảnh 3.

Những đàn ong được gây đàn nhờ ong chúa do ông Trung bắt ngoài tự nhiên

DUY TÂN

Thu nhập khấm khá

Suốt hơn 40 năm qua, ông Trung đã xây tổ nuôi ong lấy mật cho gần 30 nhà vườn khắp các tỉnh, thành miền Tây, mỗi hộ từ 10 - 30 thùng nuôi. Với mỗi thùng, sau 4 - 5 tháng nuôi ong, có thể thu được 0,5 lít mật. Sau khi thu mật lần đầu thì các lần tiếp theo cách mỗi tháng thu một lần.

Mỗi thùng ong được đóng bằng gỗ, bắt ong chúa cấy vào và gây đàn có giá 1 triệu đồng. Nhờ đó, mỗi tháng, ông Trung có thu nhập trên 10 triệu đồng.

Người đàn ông miền Tây với biệt tài “dụ” ong về nuôi lấy mật - Ảnh 5.

Với mỗi thùng ong được đóng bằng gỗ, bắt ong chúa cấy vào và gây đàn, ông Trung được trả công 1 triệu đồng

DUY TÂN

Ông Trần Hoàng Anh (69 tuổi, ngụ P.Trường Lạc, Q.Ô Môn) cho biết, nhà có vườn nhãn và cam nên ông muốn nuôi ong mật kiếm thêm thu nhập. Biết được biệt tài xây tổ ong của ông Trung nên ông Hoàng Anh thuê làm 15 thùng với giá 1 triệu đồng/thùng để nuôi ong. Mỗi tháng, ông thu hoạch từ 3 - 4 lít mật ong, giá bán khoảng 600.000 đồng/lít.

Người đàn ông miền Tây với biệt tài “dụ” ong về nuôi lấy mật - Ảnh 6.

Ông Trung biểu diễn kỹ thuật “ăn” ong

DUY TÂN


Người đàn ông miền Tây với biệt tài “dụ” ong về nuôi lấy mật - Ảnh 7.

Ông Trung cho cả trăm con ong vào miệng mà không bị đốt

DUY TÂN

Ngoài biệt tài "dụ" ong có tiếng ở miền Tây, ông Trung còn có khả năng ngậm ong trong miệng như làm xiếc. Để chứng minh, ông dùng tay trần hốt cả trăm con ong cho vào miệng mà không bị một vết đốt nào. "Ong nó quen mùi chủ nên hoàn toàn không chích. Đặc biệt, phải hiểu ý và làm nhẹ nhàng để chúng không cảm thấy bị tấn công", ông Trung cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.