Người đàn ông có vợ ngoại tình với người khác tại sao bị gọi là 'quy' (rùa)?

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
08/02/2022 13:49 GMT+7

Trong tiếng Việt, thuật ngữ cắm sừng chỉ sự bị ngoại tình, tương ứng với tiếng Anh cuckold – một từ có nguồn gốc từ những điển tích Hy Lạp - La Mã thời cổ đại, còn người Trung Hoa là "lục mạo tử" (đội khăn màu xanh lá).

Theo Wikipedia, "lục mạo tử" (绿帽子) là dấu hiệu cho thấy một người đàn bà ngoại tình, quan hệ bất chính với người đàn ông không phải là chồng mình. Theo Thất tu loại cảo (七修类稿) của Lang Anh thời nhà Minh, vào thời Xuân Thu, những người đàn ông ép vợ và con gái làm gái điếm để kiếm tiền bị gọi là đội khăn màu xanh lá . Đây là màu thấp hèn thời Trung Hoa cổ đại.

Vào thời cổ đại, ở Trung Quốc khăn (hoặc nón) trùm đầu màu xanh lá ám chỉ người đàn ông có vợ ngoại tình

cdn.imgcn.top

Trong Hán Thư có đề cập đến việc người tình của Quán Đào công chúa (馆陶公主) đội khăn màu xanh lá; còn ghi chép của học giả Nhan Sư Cổ (顏師古) thời nhà Đường thì cho biết “khăn đội đầu màu xanh lá là trang phục của người hèn mọn” (lục trách, tiện nhân chi phục dã). Nhà thơ Lý Bạch đời Đường cũng nhắc về “lục trách” (khăn đội màu xanh lá), trong bài thơ Cổ phong (古風) của ông, cho thấy rằng màu xanh lá là màu mà những người hạ tiện thường sử dụng thời bấy giờ.

Tại sao người ta ám chỉ màu xanh lá là màu của sự thấp hèn? Điều này có liên quan đến… loài rùa. Màu xanh lá là màu của rùa, người xưa lầm tưởng rằng rùa cái phải giao phối với rắn mới sinh sản được, thậm chí còn cho rằng không có rùa đực.

Tác phẩm Ngũ tạp trở ( 五雜俎, 1592) cho biết rùa không thể giao phối, vì chúng chỉ toàn là giống cái, do đó rùa giao phối với rắn để sinh con. Nhiều cuốn sách cổ như Liệt Tử ( 列子) của Liệt Ngữ Khấu, Thuyết văn giải tự (說文解字) của Hứa Thận hay trong Bác vật chí (博物志)… đều ghi nhận những điều tương tự. Vì vậy, người đàn ông có vợ ngoại tình với người khác bị gọi là “quy” (龜: rùa) là vậy.

Vật ám chỉ cho những người đàn ông có vợ ngoại tình

Ngày nay, người Mân Nam vẫn còn định kiến này, họ khinh thường gọi những người vợ ngoại tình là “ô quy” (rùa đen) và “lục mạo tử”. Cả trong Thất tu loại cảoPhong thị văn kiến ký (封氏聞見記) đều nhắc đến việc vào thời nhà Đường, khi người của tướng Lý Phong (李封) phạm tội, ông ta buộc họ phải đội khăn màu xanh lá, xem như một sự sỉ nhục; nhưng vào thời ấy, việc đội khăn màu xanh lá vẫn chưa đồng nghĩa với dấu hiệu cho thấy người vợ ngoại tình, nó chỉ là biểu tượng của địa vị thấp kém. Trong Thất tu loại cảo, Lang Anh cho rằng khăn xếp xanh chỉ là loại khăn đội đầu của gái điếm thời Xuân Thu.

Ở Trung Quốc cổ đại, màu xanh lá cây được coi là màu sắc dành cho tầng lớp thấp kém

m.aixiri.com

Tuy nhiên một bộ phận giới trẻ và ngôi sao Hàn Quốc, Trung Quốc ngày nay không ngại đội nón màu xanh lá

diaox2.com

Định nghĩa thế nào là người vợ ngoại tình xuất phát từ thời nhà Nguyên. Theo Nguyên điển chương (元典章), bộ sách về pháp luật của nhà Nguyên, cha mẹ của kỹ nữ (gái điếm) và những người nam trong gia đình phải trùm đầu màu xanh lá.

Lệ này được sử dụng cho đến thời nhà Minh, theo Dư phục chí (輿服志) trong Minh sử, Minh Thái Tổ đã ban hành một sắc lệnh vào năm Hồng Vũ thứ ba quy định rằng các nhạc sĩ và diễn viên phải đội “thanh cân”, tức khăn màu xanh, nếu bị phát hiện có quan hệ bất chính với hoàng gia và giới quý tộc. Quyển Quốc sơ sự tích (国初事迹) ghi chép rằng những người đàn ông hành nghề mại dâm ở Nam Kinh thời bấy giờ phải "đội khăn xanh lá” (đầu đái lục cân/头戴绿巾).

Về sau, các giả thuyết về rùa và rắn, khăn xếp màu xanh và thân nhân kỹ nữ được tập hợp lại, “lục mạo tử” trở thành thuật ngữ để chỉ những người đàn ông có vợ không chung thủy. Vào đời nhà Thanh, Triệu Dự từng viết lời giới thiệu về chiếc khăn màu xanh lá trong quyển Cai dư tùng khảo (陔餘叢考), chỉ ra rằng kỹ nữ dùng khăn xanh để quấn đầu, nên người Ngô gọi người đàn ông có vợ gian dâm là "lục mạo tử".

Thời gian gần đây, nón màu xanh lá trở thành mốt thời trang, rất được giới trẻ ở Quảng Đông, Sơn Đông và Chiết Giang ưa chuộng

bilibili.com

Thuật ngữ "lục mạo tử" (綠帽子) được sử dụng thời nhà Thanh. Trong tác phẩm Vương chi xuân phú (王之春賦) của Dịch Thuận Đỉnh có câu "chiếc khăn đội đã biến màu thành màu xanh lá, phần trên của khăn đã phai nhạt màu đỏ", đây là chi tiết mô tả hành vi ngoại tình chính thức vào thời điểm đó.

Thế rồi, “khăn xếp xanh” hay “mũ xanh, nón xanh” đã trở thành vật ám chỉ cho những người đàn ông có vợ ngoại tình. Thuật ngữ này vẫn được lưu truyền và sử dụng cho đến ngày nay tại Trung Quốc. Tuy nhiên, trong hai thập niên gần đây, một bộ phận giới trẻ và ngôi sao Hàn Quốc, Trung Quốc không ngại đội nón màu xanh lá cây, dù thừa biết ý nghĩa của… "lục mạo tử".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.