Người đàn ông bị điện giật ngưng tim, ngưng thở

Đình Tuyển
Đình Tuyển
15/05/2021 15:41 GMT+7

Chiều 15.5, tin từ Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ , vừa cấp cứu một ca điện giật nguy kịch , biến chứng ngưng tim, ngưng thở.

Nạn nhân là ông T.P. H (36 tuổi, ngụ Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) bị điện giật ngã bất tỉnh được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, ngưng tim, ngưng thở.
Ngay sau đó, bệnh nhân được hồi sức cấp cứu tích cực, ép tim ngoài lồng ngực, tiêm adrenalin, bóp bóng ô xy, đặt nội khí quản. Tuy nhiên, phải mất 45 phút hồi sức liên tục, bệnh nhân mới có mạch và huyết áp trở lại.
Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy bệnh nhân bị suy thận cấp, tăng kali máu, toan chuyển hóa và hội chứng hủy cơ vân. Bệnh nhân được tiếp tục thở máy, lọc máu liên tục, hạ thân nhiệt, kiềm hóa nước tiểu, vận mạch liều cao, kháng sinh...
Sau quá trình điều trị tích cực, huyết áp bệnh nhân ổn định trở lại, ngừng vận mạch, mở mắt không tiếp xúc... Hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh táo, rút ống nội khí quản, sinh tồn ổn định và tiếp tục được điều trị theo dõi tại Khoa Nội tổng hợp.
BS.CK2. Phan Thị Phụng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ, cho biết ca tai nạn điện giật trên được cứu sống là nhờ khâu cấp cứu ban đầu rất kịp thời và chính xác.
BS Phụng cũng đưa ra những lưu ý khi cấp cứu nạn nhân bị điện giật, đầu tiên cần khẩn trương ngắt cầu dao điện hoặc lấy thanh tre, thanh gỗ kéo dây điện ra khỏi người nạn nhân. Khi ngắt điện, cần đề phòng nạn nhân bị ngã gây chấn thương khiến tai nạn nặng thêm. Sau đó, đặt nạn nhân nằm trên nền cứng, để cổ ngửa tối đa (trừ khi nạn nhân bị chấn thương cột sống).
Riêng việc cấp cứu ngừng tim cần thực hiện khẩn trương trong 3 phút, đúng cách ngay tại nơi xảy ra điện giật. Trước tiên là đấm vào vùng trước tim nạn nhân 5 cái, nếu tim không đập lại, phải khẩn trương hà hơi thổi ngạt và bóp tim ngoài lồng ngực. Cụ thể là để hai bàn tay chồng lên nhau, đặt vào 1/3 dưới xương ức rồi ấn mạnh vào lồng ngực.
Nếu có 2 người tham gia cấp cứu, cứ ép tim ngoài lồng ngực 5 lần lại thổi ngạt 1 lần. Nếu chỉ có một người, cứ 15 lần ép tim lại thổi ngạt 2 lần. Thực hiện đều đặn như thế cho đến khi nạn nhân tỉnh, thở lại được, môi hồng trở lại, bắt được mạch ở cổ tay và chuyển nạn nhân đến bệnh viện. Trên đường đến bệnh viện, vẫn phải tiếp tục công việc cấp cứu, theo dõi sát để phát hiện và xử lý kịp thời các biến chứng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.