Người dân lo ngại về tiêm chủng

09/03/2019 07:45 GMT+7

Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia (miễn phí) phòng các bệnh nguy hiểm cho trẻ là chương trình lớn, rất quan trọng, nhưng có những “trục trặc” chưa được thông tin rõ ràng, khiến người dân lo ngại, chần chừ tiêm chủng.

Thực trạng này ẩn chứa nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Vắc xin ComBE Five ngừa 5 bệnh cho trẻ nhỏ (gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib) được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia (miễn phí) hồi cuối năm 2018.
GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư - Trưởng ban Điều hành dự án TCMR quốc gia, cho biết đến nay đã có trên 360.000 liều vắc xin ComBE Five được sử dụng trên cả nước. Trong tháng 3 này, Thanh Hóa sẽ là tỉnh thứ 63 có tiêm ComBE Five tại các trạm y tế xã, phường.
Cũng giống như thuốc, không có một loại vắc xin nào sau khi tiêm chủng lại không có phản ứng nào
GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư
Theo Chương tình TCMR, có một số ca phản ứng sau tiêm vắc xin mới trên: Có 3 ca tử vong sau tiêm được hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân do phản ứng của vắc xin do cơ địa quá mẫn, và trường hợp ngẫu nhiên trùng lặp với bệnh bẩm sinh. Ngoài ra, ghi nhận một số ca phản ứng sau tiêm phải nhập viện, trong đó có các trẻ: tím tái, sốt cao, khó thở.
TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.Hà Nội, cho biết Hà Nội bắt đầu tiêm vắc xin ComBE Five từ tháng 1.2019 tại 30/30 quận, huyện, thị xã với 584 xã, phường, thị trấn. Tính đến ngày 5.3, toàn TP.Hà Nội đã tiêm được 30.719 ca, trong đó có 1.215 ca phản ứng mức độ nhẹ sau tiêm như sốt nhẹ, sưng đau vị trí tiêm... (chiếm 3,96%); 4 ca phản ứng mức độ vừa như sốt cao, đáp ứng kém với thuốc hạ sốt, sốt xuất hiện muộn sau 12 giờ tiêm, co giật, phản ứng dị ứng... (chiếm 0,01%) và 9 ca phản ứng mức độ nặng (chiếm 0,03%) như sốc, phản ứng phản vệ..., trong đó có 1 ca tử vong tại xã Cần Kiệm, H.Thạch Thất (đã họp hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân và kết luận đây là trường hợp tử vong ngoại viện sau tiêm vắc xin ComBE Five, hiện đang chờ kết luận của cơ quan pháp y (mổ tử thi) mới có kết luận cuối cùng.

Vắc xin TCMR được kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt

Theo GS Đặng Đức Anh, qua theo dõi và báo cáo của các địa phương, tỷ lệ phản ứng sau tiêm vắc xin ComBE Five cũng tương tự vắc xin Quinvaxem đã sử dụng trước đây và nằm trong tỷ lệ đã được khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đối với vắc xin có thành phần ho gà toàn tế bào.
Theo GS Đức Anh: “Các trường hợp tai biến nặng cũng đã được hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân, những nguyên nhân này cũng giống như khuyến cáo của WHO bao gồm: trùng hợp ngẫu nhiên, phản ứng của vắc xin và cũng có trường hợp không rõ nguyên nhân, đã được báo cáo theo quy định”.
Rất đông phụ huynh đưa trẻ đến tiêm vắc xin tại một điểm tiêm dịch vụ ở TP.HCM ẢNH: DUY TÍNH
Rất đông phụ huynh đưa trẻ đến tiêm vắc xin tại một điểm tiêm dịch vụ ở TP.HCM ẢNH: DUY TÍNH
Về việc tiếp tục tiêm vắc xin ComBE Five dù đã có các trẻ bị phản ứng nặng sau tiêm như ghi nhận tại Hà Nội và một số địa phương khác, GS Đức Anh lý giải: “ComBE Five đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của WHO, được sử dụng ở nhiều quốc gia. Vắc xin này đã đạt các tiêu chuẩn về an toàn và được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, từng lô vắc xin khi nhập vào VN đều được kiểm định”.
Với hàng chục năm gắn bó với nghiên cứu vắc xin và tiêm chủng, GS Đức Anh lưu ý: “Cũng giống như thuốc, không có một loại vắc xin nào sau khi tiêm chủng lại không có phản ứng nào”.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết chỉ riêng với vắc xin “5 trong 1”, số lượng trẻ tiêm vắc xin dịch vụ chiếm tỷ lệ nhỏ so với khoảng 5 triệu liều vắc xin này được tiêm trong Chương trình TCMR. Các thống kê cho thấy tỷ lệ phản ứng nặng (co giật, tím tái, khó thở) sau tiêm vắc xin dịch vụ và sau tiêm vắc xin TCMR là như nhau.
Về tỷ lệ phản ứng nhẹ, phản ứng thông thường (sốt, sưng đau tại vết tiêm) thì vắc xin “5 trong 1” dịch vụ thấp hơn do vắc xin dịch vụ có thành phần ho gà vô bào, phản ứng nhẹ hơn; trong khi vắc xin “5 trong 1” TCMR có thành phần ho gà toàn tế bào nên dễ gây phản ứng mạnh hơn. “Tuy nhiên, thành phần ho gà toàn tế bào lại cho hiệu quả miễn dịch, bảo vệ trẻ tốt hơn”, ông Trần Đắc Phu thông tin thêm.

Lo lắng

Liên quan tiêm vắc xin ComBE Five, đại diện Trung tâm y tế Q.Bình Tân (TP.HCM) cho biết khi tiêm số lượng nhiều thì sẽ có xác suất phản ứng sau tiêm. Khi có phản ứng sau tiêm vắc xin, các trang mạng đưa thông tin, dẫn đến lo lắng thêm cho người dân.
Ngày 7.3, tại một trung tâm tiêm chủng dịch vụ ở TP.HCM, rất đông phụ huynh đưa con em đến đây tiêm vắc xin “6 trong 1”. Chị Nguyễn Thị Yến (ngụ H.Hóc Môn) đưa con 3 tháng tuổi đến đây tiêm vắc xin “6 trong 1” mũi đầu. Trước câu hỏi TP đã tiêm vắc xin “5 trong 1” ComBE Five, sao chị không đưa con ra trạm y tế tiêm, chị Yến bảo, nghe nhiều nơi tai biến nên... sợ.
Ở phòng tiêm bên cạnh, vợ chồng chị Phạm Thị Thúy Liễu (ngụ Q.7) cũng đưa con đến tiêm vắc xin “6 trong 1” dịch vụ. Chị Liễu bảo “sợ” khi PV hỏi vì sao không ra trạm y tế gần nhà tiêm ComBE Five cho con.
PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, phụ trách TCMR, cho biết đường dây nóng giải đáp về tiêm chủng vắc xin nhận được nhiều thắc mắc của các gia đình về diễn biến sức khỏe của trẻ sau tiêm vắc xin ComBE Five. “Để an toàn tối đa cho trẻ và được chỉ định tiêm phù hợp, các bà mẹ khi đưa con đi tiêm chủng cần chủ động thông báo đầy đủ về tình hình sức khỏe và tiền sử bệnh của con cho cán bộ y tế”, bà Hồng khuyến cáo.
Theo GS Đức Anh, với vắc xin ComBE Five, sau tiêm trẻ có thể sốt nhẹ (dưới 38,5 độ C), đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, đây là những phản ứng thông thường với tỷ lệ tới 50%. Cũng có thể gặp phản ứng nặng như sốt cao, co giật, phản ứng phản vệ với tỷ lệ 20/1 triệu liều tiêm, các trường hợp này cần được phát hiện sớm và xử trí kịp thời tại cơ sở y tế. Có trường hợp trẻ tiêm cùng một lô vắc xin, thậm chí tiêm cùng 1 lọ vắc xin, nhưng có trẻ có phản ứng sau tiêm rất nghiêm trọng, trong khi tất cả các trẻ khác hoàn toàn bình thường và đó là do phản ứng cá thể cơ địa của từng người, chứ không phải do chất lượng vắc xin.
Ngoài ra, có thể gặp những trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý khác trong thời điểm tiêm chủng, nên phụ huynh cần thông báo đầy đủ về bệnh trẻ đã gặp.

Nguy cơ bùng phát dịch

Ông Trần Đắc Phu lo ngại việc dịch sởi bùng phát tại một số nước hiện nay là do tỷ lệ tiêm vắc xin phòng sởi không đạt yêu cầu tại nhiều nước và sẽ để lại hậu quả lớn cho sức khỏe người dân cũng như tăng chi phí điều trị so với việc chỉ phải tiêm vắc xin sởi thông thường. Theo WHO, việc không tiêm vắc xin sởi là nguyên nhân chính làm tăng tới gần gấp đôi số trường hợp mắc sởi trên phạm vi toàn cầu trong năm 2018 (so với năm 2017).
Tại VN, trong số các trường hợp mắc sởi có đến 98,7% có tiền sử chưa tiêm vắc xin sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin sởi. Các trường hợp mắc tập trung chủ yếu tại vùng sâu, vùng xa - có tỷ lệ tiêm vắc xin sởi thấp và những đô thị có số trẻ di biến động lớn.
“Vắc xin dịch vụ hay TCMR đều phải qua kiểm định ngặt nghèo với từng lô. Các phản ứng sau tiêm ghi nhận vừa qua mang tính cá thể, yếu tố cơ địa và các bệnh lý bẩm sinh kèm theo không do chất lượng vắc xin. Mỗi lô vắc xin cùng lúc được tiêm cho hàng chục ngàn trẻ, nếu chất lượng vắc xin không đảm bảo thì sẽ có hàng chục ngàn trẻ bị phản ứng chứ không thể là phản ứng đơn lẻ”, ông Phu khẳng định.
 
56 tỉnh, thành phố có dịch sởi
Ngày 8.3, Bộ Y tế cho biết tại VN, bệnh sởi bắt đầu gia tăng từ tháng 10.2018, đến nay ghi nhận 18.078 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 2.924 trường hợp mắc sởi dương tính tại 56 tỉnh, TP và số mắc vẫn chưa có xu hướng giảm.
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh sởi. Theo đó, yêu cầu giám đốc sở y tế các tỉnh, TP tổ chức lực lượng y tế thống kê đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng để triển khai tiêm đủ mũi vắc xin phòng sởi cho trẻ đạt tỷ lệ ít nhất 95% theo quy mô xã, phường; đảm bảo kinh phí cho các hoạt động tiêm chủng... Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học rà soát tiền sử tiêm chủng của học sinh, vận động gia đình, học sinh tham gia tiêm đầy đủ.
Liên Châu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.