Người dân khổ sở vì bụi

Lê Lâm
Lê Lâm
11/01/2023 10:53 GMT+7

Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản gửi Bộ TN-MT báo cáo về tình trạng ô nhiễm bụi tại dự án sân bay Long Thành, trong đó ghi nhận khu vực thi công phát tán nhiều bụi ra môi trường ảnh hưởng tới các khu dân cư xung quanh.

Khốn đốn

Những tháng vừa qua, cuộc sống của rất nhiều hộ dân ở xung quanh khu vực dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành, Đồng Nai) bị ảnh hưởng do tình trạng ô nhiễm bụi đất từ đại dự án này phát tán.

Theo phản ánh của người dân, từ khi dự án sân bay Long Thành khởi công thì bụi đất bắt đầu xuất hiện, nhất là khi trời nắng, gió lớn, cuốn bụi bay len lỏi vào khắp nhà dân. Gia đình ông Dương Văn Quân (55 tuổi, ngụ xã Long An, H.Long Thành) nằm ngay bìa dự án sân bay Long Thành nên mọi vật dụng trong nhà đều bị bụi đất bám dày, mọi thứ gần như chuyển sang màu máu đỏ, dù được che đậy và quét dọn thường xuyên. “Bữa nào gió nhiều thì bụi bay đến dữ dội, bụi từ hướng sân bay ra, ít gió thì đỡ hơn. Người lớn chịu khó thích nghi, nhưng tôi lại lo cho mấy đứa cháu nhỏ hít vào nhiều sợ ảnh hưởng đến phổi, sức khỏe”, ông Quân lo lắng.

Bụi do thi công tại đại công trường sân bay Long Thành

Lê Lâm

Tương tự, ông Trần Thanh Phong (65 tuổi, ngụ gần đó) cho hay vừa rồi có cơn mưa mà nước mưa rơi xuống kèm theo bụi đất đỏ ngầu. Ông Phong tâm tư: “Không biết công trình thi công có tưới nước không, chứ bụi bay nhiều vậy hít 1 - 2 lần không sao, chứ bụi phát tán thường xuyên như thế này thì rất ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Công trình xây dựng nhiều năm chứ đâu phải 1 - 2 ngày, nếu không khắc phục người dân còn chịu khổ dài dài”.

Bụi vượt chuẩn hơn 18 lần

Mới đây, Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi Bộ TN-MT báo cáo về tình trạng ô nhiễm bụi tại dự án sân bay Long Thành. Văn bản cho biết hiện tại khu vực thi công xây dựng sân bay Long Thành phát tán nhiều bụi ra môi trường ảnh hưởng tới các khu dân cư xung quanh.

Cụ thể, thông qua kết quả thực hiện quan trắc môi trường không khí định kỳ, Sở TN-MT đã phát hiện ô nhiễm bụi khu vực này vượt quy chuẩn quy định từ 1,02 - 18,32 lần (tháng 4.2022 - 10.2022). “Hoạt động giải phóng mặt bằng, thi công và xây dựng dự án đã làm phát tán bụi ra môi trường xung quanh dẫn đến phản ánh của người dân trong khu vực, nhất là tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri trong thời gian qua”, Sở

TN-MT Đồng Nai nhấn mạnh. Văn bản cũng cho hay Đồng Nai đã cảnh báo, nhắc nhở Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV, chủ đầu tư) nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình thi công, nhưng đến nay chất lượng không khí vẫn không cải thiện.

Dự án sân bay Long Thành rộng 5.000 ha. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án sẽ xây dựng một đường cất hạ cánh (số 1) dài 4.000 m, rộng 75 m và hệ thống đường lăn, sân đỗ đảm bảo cho các loại tàu bay hoạt động, đáp ứng công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 trên 109.111 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025.

Lãnh đạo Sở TN-MT Đồng Nai cũng cho biết thêm, dự án xây dựng sân bay Long Thành (giai đoạn 1) do ACV làm chủ dự án đã được Bộ TN-MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 2144/QĐ-BTNMT ngày 21.8.2019. Tại báo cáo đánh giá này, chủ dự án đề xuất các biện pháp giảm thiểu bụi từ hoạt động giải phóng mặt bằng, thi công đào, đắp xây dựng công trình như: xây dựng rào chắn khu vực thi công; che phủ, làm ẩm khu vực lưu chứa vật liệu, bãi thải tạm; phương tiện vận chuyển chạy vào ban đêm (nhưng phải kết thúc trước 22 giờ), hạn chế di chuyển nhiều lần qua khu vực dân cư, che phủ bạt kín thùng xe; các phương tiện vận chuyển phải được đăng kiểm, hạn chế tốc độ vận chuyển, rửa sạch bánh xe và thân xe trước khi ra khỏi công trường.

Xe tưới nước để hạn chế bụi

Ngày 5.1, trả lời PV Thanh Niên, ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc ACV, thừa nhận có tình trạng trên, đồng thời giải thích: “Vừa qua, khi vào mùa nắng, các nhà thầu đã đẩy nhanh thi công và đã bóc toàn bộ đất tầng phủ nên phát sinh bụi. Hơn nữa, với số lượng xe cộ lưu thông quá lớn, gặp thời tiết khô gây phát sinh bụi nhiều hơn. Đối với đất đỏ khi bóc lớp tầng phủ đi rồi, không cần xe chạy cũng sinh ra bụi”. Theo ông Bình, hiện tại công trường đang có khoảng 1.800 phương tiện cùng 2.000 nhân công đang làm việc. Để giảm thiểu tình trạng bụi, ông Bình nói rằng giải pháp tốt nhất là tăng cường tưới nước nhưng cũng hạn chế phần nào thôi chứ không thể hết hoàn toàn được.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.