Người dân góp tiền tỉ, hiến đất xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc

21/10/2023 16:41 GMT+7

Nghị quyết xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc đang lan tỏa, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ từ người dân. Sau 9 tháng triển khai, người dân đóng góp khoảng 35 tỉ đồng, hiến hơn 10.000 m2 đất cho các dự án xây dựng hạ tầng, công trình thiết chế văn hóa.

Kỳ vọng làng văn hóa kiểu mẫu sẽ thành thương hiệu quốc gia

Ngày 21.10, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn Vĩnh Phúc - lý luận và thực tiễn.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, chủ trì hội nghị.

Người dân góp tiền tỉ, hiến đất xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại hội thảo

TRÀ HƯƠNG

Theo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, sau 9 tháng triển khai nghị quyết xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu, đến nay đã có 12 làng khánh thành khu thiết chế văn hóa, thể thao. Người dân ở các làng này đăng ký, triển khai nhiều mô hình kinh doanh dịch vụ du lịch, phát triển sản xuất... Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân hơn 100 tỉ đồng cho hơn 500 hộ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ông Phạm Hoàng Anh, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, cho biết qua theo dõi trong 9 tháng vừa qua, người dân rất đồng tình, ủng hộ xây dựng các làng văn hóa kiểu mẫu. Những công trình, thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng đều hướng đến nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Qua thống kê từ các địa phương, người dân đóng góp khoảng 35 tỉ đồng, hiến trên 10.000 m2 đất, đóng góp hàng vạn ngày công lao động tham gia xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu...

Ông Nguyễn Xuân Thắng ghi nhận xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu là tư duy đổi mới, đột phá ở Vĩnh Phúc. Các công trình đã triển khai đều hoàn thành đúng tiến độ, góp phần truyền cảm hứng, tạo ra những giá trị thiết thực, thu hút người dân ủng hộ, tích cực tham gia.

Dẫn chứng Nhật Bản rất thành công trong xây dựng, phát triển nông thôn mô hình "làng thần kỳ", Hàn Quốc có "làng mới", ông Nguyễn Xuân Thắng bày tỏ kỳ vọng: "Làng văn hóa kiểu mẫu của Vĩnh Phúc sẽ trở thành thương hiệu quốc gia, để có thể nhân rộng trong thời gian tới". 

Phải thu hút doanh nghiệp đồng hành đầu tư

Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết địa phương này dự trù, có kế hoạch đầu tư hơn 2.600 tỉ đồng xây dựng 60 làng văn hóa kiểu mẫu từ nay đến năm 2030. Đây là khoản chi rất lớn, nhưng với 16 chính sách có đầy đủ tiêu chí rõ ràng thì việc giải ngân sẽ được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chi hỗ trợ đúng, đủ và hiệu quả.

"Các chính sách chi hỗ trợ cho các mô hình sản xuất, kinh doanh của người dân chỉ thực hiện khi có sản phẩm cụ thể, đã đi vào hoạt động; có những mô hình chỉ được chi hỗ trợ khi có từ 30 - 60 tháng đi vào hoạt động, đảm bảo hiệu quả. Đây là những điều kiện rất chặt chẽ. Ngoài ra, việc chi hỗ trợ đều có cơ chế giám sát của cộng đồng, người dân cùng tham gia thì rất yên tâm", ông Thành nói.

Người dân góp tiền tỉ, hiến đất xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc - Ảnh 2.

Các chuyên gia kinh tế, văn hóa tham gia tọa đàm, góp ý về xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc

TRÀ HƯƠNG

PGS - TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng làng văn hóa kiểu mẫu là cách làm mới của Vĩnh Phúc và vẫn đang trong thời gian thử nghiệm. Nhà nước phải có hỗ trợ ban đầu, đầu tư nguồn "vốn mồi" đóng vai trò rất quan trọng. Nhưng sau đó, để cho các làng này tự vận hành, tự tồn tại được, không tụt hậu thì vai trò chủ thể kinh tế tư nhân, sinh kế, việc làm, thu nhập của người dân là yếu tố cốt lõi.

Trong xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu, Nhà nước có vai trò định hướng, nông dân nông thôn là nền tảng nhưng doanh nghiệp phải đóng vai trò dẫn dắt để tạo ra nguồn việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân. 

"Các làng văn hóa kiểu mẫu phải thu hút được doanh nghiệp đồng hành đầu tư về nông thôn. Đây là nhân tố chủ đạo để mở mang tư duy sản xuất, kinh doanh cho người dân, từ đó giúp sản xuất, kinh doanh phát triển, đảm bảo phát triển đời sống kinh tế ở nông thôn", ông Thiên góp ý.

Người dân góp tiền tỉ, hiến đất xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc - Ảnh 3.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan khẳng định, các ý kiến từ hội thảo sẽ giúp Vĩnh Phúc hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu

TRÀ HƯƠNG

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, các ý kiến trao đổi của chuyên gia, nhà khoa học cho thấy việc xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu là một xu thế tất yếu, khách quan dựa trên những thành tựu đạt được từ quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao nhưng đồng thời phải đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống. 

"Góc nhìn mới, đa chiều về những vấn đề lý luận và thực tiễn được phân tích, gợi mở từ hội thảo là thông tin hữu ích để Vĩnh Phúc tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện nhằm hoàn thành mục tiêu trong nghị quyết xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu", bà Lan nói.

Tại hội nghị, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức lễ ký kết với 20 doanh nghiệp tham gia đồng hành, đầu tư nguồn lực, hỗ trợ ứng dụng KH-CN xây dựng, phát triển các mô hình, sản xuất kinh doanh tại các làng văn hóa kiểu mẫu. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.