Người dân còn e ngại xăng E5

08/01/2018 07:03 GMT+7

Sau hơn 1 tuần thay thế xăng A92 bằng xăng sinh học E5, người dân vẫn chưa mấy mặn mà với xăng E5 mà đang có xu hướng chuyển sang mua xăng A95 nhiều hơn.

Sáng chủ nhật 7.1, tại cửa hàng xăng dầu 270 trên đường Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình, TP.HCM), theo quan sát của chúng tôi, trong 20 người vào đổ xăng tại đây thì chỉ 6 người đổ xăng E5 RON 92 (E5), còn lại 13 người đổ xăng A95. Cũng trên địa bàn Q.Tân Bình tiếp giáp Q.11, tại cây xăng gần ngã tư đường Âu Cơ - Lạc Long Quân, quan sát của PV cho thấy 3 xe hơi vào đổ xăng có 2 xe chọn A95, 1 xe Matiz đổ loại E5. Nếu tính tỷ lệ, chỉ khoảng 30% người tiêu dùng đang sử dụng E5. Đáng nói là giá xăng A95 hiện cao hơn xăng E5 hơn 2.000 đồng/lít sau lần tăng giá của liên bộ Tài chính - Công thương vào ngày 4.1 vừa qua. Trên thị trường, ngày 7.1, xăng E5 có giá 18.243 đồng/lít, xăng A95 là 20.690 đồng/lít.
Không quan tâm vì... lo ngại độ an toàn


Với người tiêu dùng hiện nay, tôi thấy họ vẫn còn rất “tù mù” về thông tin xăng E5

PGS-TS Nguyễn Lê Ninh

Tại cửa hàng xăng Comeco (Lý Thường Kiệt, Q.11), anh Trương Phúc Lộc đang đổ xăng A95 cho chiếc xe Air Blade cho rằng xăng A95 “chắc là” tốt hơn nên từ lâu anh chọn loại xăng này cho xe. Nếu lỡ vào cây xăng không có A95, anh chỉ đổ tạm vài chục ngàn xăng E5. “Không biết chất lượng xăng sinh học thế nào nên tôi không đổ. Vả lại, xe tay ga là loại cao cấp hơn so với xe số, tôi nghĩ nên dùng loại xăng đắt nhất cho an toàn. Thông tin về xăng E5 tôi có nghe nhưng không rõ thế nào nên cũng không quan tâm”, anh Lộc cho biết. Đồng quan điểm, chị Thu Hồng đi chiếc xe máy SH đang đổ xăng A95 tại cây xăng 100C Hùng Vương (Q.5, TP.HCM) cũng cho biết chị dùng xăng A95 xưa nay nên không quan tâm đến việc thay đổi xăng E5 từ đầu năm nay. “Vả lại cũng chưa nghe thông tin về xăng sinh học cụ thể thế nào nên tôi không quan tâm lắm”, chị Hồng nói.
Anh Nguyễn Tuyển, nhiếp ảnh gia tại TP.HCM, thì khá thoải mái cho biết: “Tôi đi loại mô tô đời cũ nên dùng xăng nào cũng được. Và tôi nghĩ nếu đã cho phép đưa ra thị trường tiêu thụ đại trà, chắc chắn nhà quản lý phải bảo đảm độ an toàn nhất định cho người tiêu dùng, đặc biệt hàng hóa liên quan đến năng lượng và môi trường”. Tuy nhiên, anh Tuyển cũng cho rằng, thông tin phổ biến rộng rãi cho người tiêu dùng ủng hộ xăng E5 hầu như rất ít. “Chủ yếu là thông tin thể hiện quyết tâm, mục đích phải làm cho được; xăng E5 không thiếu như lo lắng..., chứ không thấy đề cập tính an toàn của nó”, anh Tuyển nói.
Cần có danh sách xe không dùng được xăng E5
Phòng Thương mại ô tô Úc (FCAI) từng có khuyến cáo cho một số dòng xe quá cũ không thích hợp sử dụng xăng E5. Về ô tô, các dòng xe Audi sản xuất trước năm 2000 hay xe Ford năm 2002, Suzuki sản xuất trước năm 2008, một số dòng xe của Toyota trước năm 1997, hay toàn bộ xe của Mazda, GM Daewoo... đều không nên dùng xăng E5. Trên trang chủ của Petrolimex cũng có khuyến cáo, các xe sử dụng động cơ trước năm 1993 không nên sử dụng xăng sinh học. Tuy nhiên, các thông tin này cụ thể thế nào lại không được tìm thấy trên các trang tuyên truyền của các bộ quản lý kỹ thuật.
Theo PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, chuyên gia năng lượng, thực tế khi pha 5% ethanol vào xăng A92 để có E5 RON 92 như hiện thời, chỉ số octan tương đương của xăng E5 tăng lên 3 đơn vị, tương đương với xăng A98. Như vậy, xăng E5 có khả năng chống kích nổ tốt hơn xăng A95 thuần chủng. “Điều đó cho phép xăng E5 có thể sử dụng cho những động cơ vốn có tỷ số nén cao trong các dòng xe chạy xăng hiện đại mà lâu nay người tiêu dùng vẫn phải đổ xăng A95. Bản chất của xăng sinh học E5 là hỗn hợp 95% xăng A92 và 5% cồn khan (tức ethanol C2H5OH không ngậm nước). Hỗn hợp nhiên liệu này khi được đem sử dụng trong các loại động cơ xăng truyền thống sẽ không gây ra bất cứ trục trặc nào về mặt kỹ thuật sử dụng, không gây ảnh hưởng gì lớn đến các chi tiết bằng cao su hoặc chất dẻo trong kết cấu động cơ. Điều này đã được thế giới khẳng định từ nhiều năm trước đây”, PGS-TS Ninh cho biết.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, thực tế từ sau khi triển khai thí điểm xăng E5 tại 7 tỉnh đến nay, không có bất cứ khiếu kiện gì của người tiêu dùng về độ an toàn của xăng. “Chứng tỏ xăng E5 rất an toàn cho động cơ. Về điều này, Bộ KH-CN đã có kiểm định, xác nhận”, thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nêu quan điểm trên trang tin của Bộ Công thương.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, là một đơn vị triển khai dự án, Bộ Công thương phải có công tác tuyên truyền về mặt kiến thức chuyên môn, thông tin thị trường nhiều hơn nữa cho người dân nắm bắt. Phải “lệnh” cho các doanh nghiệp sản xuất xe gắn máy, xe hơi rà soát lại các loại xe đang lưu hành trên thị trường, công bố rõ loại nào dùng được xăng E5, loại nào không phù hợp... “Thông tin này rất quan trọng và phải được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Chứ với người tiêu dùng hiện nay, tôi thấy họ vẫn còn rất “tù mù” về thông tin xăng E5”, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh nhấn mạnh.
Ngày 5.1, Văn phòng Chính phủ phát đi văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng liên quan đến lộ trình đưa xăng sinh học E5 thay thế A92 từ đầu năm nay. Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ Công thương phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông tiếp tục triển khai chương trình truyền thông quốc gia nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng nhiên liệu sinh học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.