Người đàn bà xứ xa và những mùa cây trút lá - Truyện ngắn của Nguyễn Hữu Tài

06/09/2015 03:00 GMT+7

1Tuệ thức dậy lần thứ hai thì đã gần trưa. Sáng nào cũng vậy, sau khi nấu ăn, tưới cây, dọn dẹp nhà cửa, hôn tiễn James lên văn phòng, cô lại cuộn mình ngủ thêm chút nữa rồi mới chịu ra bếp rót ly nước ấm, nặn nửa trái chanh, uống một hơi để detox cơ thể.

1Tuệ thức dậy lần thứ hai thì đã gần trưa. Sáng nào cũng vậy, sau khi nấu ăn, tưới cây, dọn dẹp nhà cửa, hôn tiễn James lên văn phòng, cô lại cuộn mình ngủ thêm chút nữa rồi mới chịu ra bếp rót ly nước ấm, nặn nửa trái chanh, uống một hơi để detox cơ thể.

Minh họa: Tuấn Anh
Minh họa: Tuấn Anh
Tuệ tới sofa, bật iPad, gọi facetime về cho má. Hôm nay chắc vui, nên má khoe, tao ăn được hai chén cơm với canh khổ qua nhồi thịt. Ngon quá trời. Chứ bữa nào buồn, má hay thở than, tao sắp chết tới nơi, tranh thủ về sớm thăm nhen chứ sợ không kịp. Cô cười to, ăn vậy là nhiều hơn con rồi. Má nhớ uống thuốc và tập thể dục đều đặn, tết con về thăm. Tuệ tắt facetime, chuyển qua đọc vài tin tức trên mạng. Chẳng có gì mới. Chán òm. Cô tới piano, đàn được nửa bản thì quay lại sofa ngồi im tư lự tiếp.
Tám năm nay, gần những ba ngàn ngày, tất cả đã trở thành thói quen khó bỏ trong cuộc đời viễn xứ của cô.
Ở cái tuổi bạn bè đã có chỗ, yên nơi, con cái đủ đầy, Tuệ lúc nào cũng chạy đua với công việc, chẳng có thời gian ngồi bên song cửa vẩn vơ nhớ về những cuộc tình đi qua cuộc đời mình như gió thoảng. Cô làm trợ lý giám đốc cho công ty gốm sứ vốn nước ngoài.
Vào mùa, hầu như chẳng lúc nào Tuệ ở Sài Gòn. Cô đi khắp Việt Nam và nhiều nước khác để tìm đơn hàng, giao dịch với khách. Vậy mà chưa đủ, những lúc rảnh rỗi, Tuệ lại vác ba lô, leo xe, book vé đi khắp nơi đúng chất xê dịch của mình. Ba mươi lăm tuổi, khi đã bắt đầu chấp nhận số phận của cô gái ế chồng, làm bà cô già khó tính, má cũng chẳng thèm hỏi han, nhắc nhở đến duyên tình đứa con gái út bà cưng như ngọc như ngà. Bất thình lình, trong chuyến đi công tác ở Mỹ, tại bữa ăn tối nhà bạn, Tuệ gặp James. Và như định mệnh, đôi mắt, nụ cười, giọng nói và sự hài hước của gã đàn ông gốc Ý ngoài năm mươi đã bắt con ngựa chứng trong cô dừng chân phiêu lãng.
Tuệ dắt James về trong tiếng xì xào của bạn bè lẫn bà con lối xóm. Con đó tinh ranh có tiếng, chịu lấy ông già hơn hai mươi tuổi vì mớ tài sản khổng lồ và tấm hộ chiếu xanh đen huyền thoại, chứ yêu thương nỗi gì. Tao ráng chống mắt coi, lúc nó đủ lông đủ cánh, có chịu yên phận thủ thường hay ôm gia sản bỏ đi không lời từ biệt. Tuệ nghe hết, biết hết, nhưng chẳng rảnh đôi co với miệng lưỡi người đời. Má tỉ tê, bây không còn trẻ nữa. Đàn bà dù có giàu sang tột bực thì cũng không bỏ qua thiên chức làm vợ, làm mẹ trời đã sắp dành. Tao thấy nó cũng hiền. Được thì tiến tới, không thì đừng có ép mình chi cho cực nhen con.
Tuệ giã từ Sài Gòn kỷ niệm, rời bỏ công việc ngàn đô, tạm xa những chuyến đi cùng trời cuối đất, lấy chồng, sang Mỹ, ở nhà, an lòng với cuộc đời nội trợ, làm bạn với lá hoa, rau củ cùng mảnh vườn rộng tại thị trấn vắng người ở ngoại ô thủ đô Hoa Thịnh Đốn. James không cho cô lái xe nên cô giống như què, chẳng tự đi đâu xa. Cô cũng chẳng có tài khoản ngân hàng hay bạn bè thân thích, ngoài mấy bà hàng xóm Mỹ trắng nghỉ hưu, thỉnh thoảng sang nhà tặng lọ mứt, miếng bánh táo thơm lừng tự nướng. James vẫn giữ chất đàn ông phương Tây cổ điển, lúc nào cũng tỏ ra mình là một hiệp sĩ lịch lãm, đủ sức bảo bọc, lo lắng đời sống vợ mình, mắc gì để cô đi làm, bon chen với những người khác chủng tộc, màu da, dù đó là văn phòng do anh làm chủ.
Chiều đi qua, mùa đi qua, mưa đi qua, năm tháng cũng đi qua, chỉ có nỗi buồn ở lại. Mọi thứ đều đều, chậm rãi trôi trên cuộc sống xa nhà. Càng ngày Tuệ càng thấy mình ù lì, hết sức bật, như con sâu nằm yên trong kén trắng, chẳng thấy bầu trời cao rộng ngoài kia. Niềm vui của Tuệ là mỗi năm về quê với má ít tuần. Sáng sáng ngồi lọt thỏm trong lòng để má chải đầu, thắt bím như thời con gái. Má mở cassette, nhẩm hát cải lương, xuống xề vọng cổ rồi khoe, hồi trẻ giọng tao y chang Phượng Liên, tính đi làm đào rồi đó chớ. Nhưng ông ngoại bây sợ khổ nên chẳng cho đi, chứ không tao đoạt giải Thanh Tâm cũng hổng chừng.
Có lần cô bạn từ Việt Nam qua chơi, ở tới ngày thứ hai, đã nắm lấy vai Tuệ, lắc lắc. Hồi xưa mày lanh như sóc, sao giờ lù đù như con gà bệnh vậy? Mắc gì phải chịu cảnh sống tẻ nhạt này? Lôi ổng về Việt Nam cho rồi. Còn lão không chịu thì bỏ về Sài Gòn làm việc với tao. Chứ nhìn mày ngày một héo hon tao chịu hổng nổi.
2 Tuệ khoác áo bước ra sân. Gió lướt nhẹ qua, thoang thoảng mùi bánh táo nhà ai đang nướng. Trời vào độ cuối thu. Rừng phong quanh nhà đã trút bỏ lớp lá nửa vàng nửa đỏ cuối cùng, chỉ còn cành trơ trọi. Hàng xóm đã dọn sạch mớ bí ngô và hình nộm quỷ ma Halloween để chuẩn bị cho Thanksgiving, lễ Tạ ơn, sắp đến. Ai mê mẩn mùa thu vàng lá, bảo đẹp xinh, lãng mạn chứ riêng cô thì không. Xác xơ và ám ảnh kinh hồn. Tuệ sợ nhìn lá vàng rơi đầy trên thảm cỏ. Thu qua nghĩa là đông sẽ đến ngay bên ngõ vắng. Rồi sáu tháng dài đằng đẵng giữa bão tuyết, gió lạnh buốt da, lòng cô nát tan như buổi chợ chiều héo úa. Tuệ sợ cả những buổi sáng sau cơn mưa, lá rụng đầy sân, ướt nhẹp. Chịu không nổi cảnh dơ hầy, cô mặc áo ấm, cầm chổi quét thành đống, hốt vô túi giấy, để trước nhà cho người ta tới lấy. Nói ra thì dễ, nhưng mỗi lần dọn mấy ngày chưa xong. James bảo thôi bỏ tiền ra mướn người ta làm cho rồi. Dọn chi cho cực. Nhưng đôi khi họ làm không đúng ý mình, đâm ra bực. Vả lại, tốn cả trăm đô. Mắc òm. Thôi ráng được lúc nào hay lúc đó, lấy tiền mua quà gửi về tặng má cho vui.
Nhưng hôm kia quét chưa được nửa sân, cô trúng gió, tí nữa té xỉu trên nền gạch. Già rồi. Không đánh đổi sức khỏe của mình vì mấy đồng tiền lẻ nữa.
Tuệ giở White Page (1), hy vọng có người làm vườn chuyên nghiệp gần đây thay vì phải ra trước 7Eleven (2), mướn vài cậu Mễ không rõ nguồn gốc. Một thân một mình, lỡ có chuyện gì thì khổ.
Nguyen’s Lawn & Landscape Services (3) 301-773-xxxx
Cái tên Việt Nam đập ngay vào mắt. Như bắt được vàng, Tuệ lấy máy gọi ngay.
- Xin lỗi hôm nay anh có rảnh để dọn lá không?
- Sau 12 giờ tôi rảnh tới chiều chị ạ.
Giọng nói ấm như dòng suối nhỏ giữa mùa thu ôn đới, len lỏi qua những triền cao, dốc hẹp, chảy tràn ra sông rộng bao la, rồi đi về phía biển. Lâu lắm rồi, Tuệ mới nghe được tiếng Sài Gòn ấm áp. Hồi xưa, nhà cô ở gần Thị Nghè, mới năm giờ sáng đã bị đánh thức bởi tiếng người ồn ào, hét la ỏm tỏi. Cô cằn nhằn, đóng kín cửa, tìm vật liệu cách âm để giảm bớt tiếng ồn. Ai dè trời trả báo. Sang đây nhiều lúc bói một tiếng Sài Gòn cũng chẳng có mà nghe.
- Đây là địa chỉ nhà. Khi nào đến anh nhớ gọi báo tôi biết nhé.
- Tôi tên Khang. Hẹn gặp chị chiều nay.
3Tuệ hết vô nhà rồi ra thềm. Chạy ra sân trước tới sân sau. Hết ngó đám cây rồi nhìn qua đống lá. Thỉnh thoảng đưa mắt ra ngã tư nôn nao, vu vơ đợi cái gì không rõ rệt. Cô thay váy màu xanh nước biển, đi qua đi lại trước gương tám chục lần. Cởi ra, thay qua màu vàng, được một lúc lại mặc quần short, áo thun. Nhìn tới nhìn lui thấy có gì sai sai, Tuệ đổi về bộ váy cũ.
Tiếng xe ngừng lại trước nhà. Cô ùa ra như bão. Khang cao ráo, trẻ trung, khác với giọng nói già dặn của mình, mỉm cười: “Chào chị”.
- Xin lỗi tôi tới hơi trễ tí.
- Không sao đâu. Tôi chờ được mà. Anh coi dọn hết đống lá này bao nhiêu tiền?
Khang đi lòng vòng một hồi, quay qua nhỏ nhẹ: “Hai trăm chị nhé”. Cô nhún vai, không sao. Nhiều hơn tôi cũng ok mà.
Anh cởi áo khoác vắt lên cây, cầm máy, chậm rãi thổi lá dồn thành đống. Phút chốc bên hông nhà sạch bong. Tuệ ngồi trên thềm vu vơ đọc sách. Thỉnh thoảng liếc Khang một cái không quá năm giây. Những búi cơ săn chắc trên đôi tay vạm vỡ, cộng với vòm ngực vuông rộng lớn, theo nhịp thở thấp thoáng dưới áo thun ba lỗ. Thiệt tình Tuệ chẳng dám nhìn thẳng vào cơ thể căng đầy năng lượng ấy, nhưng không thể quay đi trước sự quyến rũ đến ngộp thở của gã đàn ông hoàn hảo đến từng centimet đó. Giá mà James cũng vạm vỡ và đầy cơ bắp như vầy. Giá mà ổng cũng xung phong phụ mình dọn lá, cắt cỏ, làm vườn thay vì phủi tay bảo dị ứng này nọ thì hay biết mấy. Mình sẽ ngồi y chang vầy, ngắm thời gian chầm chậm trôi bên góc phố vắng không người qua lại, chẳng có còi xe tin tít phá vỡ sự bình lặng thân thương. Chỉ có tiếng máy thổi lá dồn thành đống, bước chân giẫm trên lá vàng khô khốc và tiếng thở dồn dập từ lồng ngực rộng của Khang.
- Khát quá! Chị cho tôi ly nước.
Tuệ giật mình thoát khỏi giấc mộng mùa thu ban sáng. Lật đật lấy nước, mang ra mời tận tay.
Chiều rơi nhẹ như buông. Nắng nhạt dần ở phía cao mái ngói. Gió từ bờ sông xa nhè nhẹ thổi vào mang theo chút giá buốt của cuối ngày bảng lảng. Lũ chim sẻ cũng bay về tổ ấm, ngay mái hiên bên cạnh phòng, gù gù đùa vui thân thiết. Đám lá bên hông và sân sau đã được anh gom lại thành đống khổng lồ, cao ngang ngực. Để cô làm chắc cả tuần cũng chưa xong.
- Anh làm việc này lâu chưa?
- Hơn sáu năm rồi chị ạ.
- Tiếc quá. Biết anh sớm chắc sẽ gọi tới dọn cỏ, hốt lá giùm chứ chẳng thèm tự làm nữa.
- Chị tự làm? Siêu thật. Vườn nhà chị rộng và đẹp quá. Mấy tuần trước lúc lá chuyển vàng, chắc nó y chang tòa lâu đài trong cổ tích.
Và ý nghĩ về nàng công chúa ngủ trong rừng được đánh thức bằng nụ hôn của chàng hoàng tử đẹp xinh, thoáng chốc trở về. Tuệ nhoẻn miệng cười, tự nhiên thấy lòng vui như pháo nổ.
- Anh sang Mỹ bao lâu rồi?
- Dạ cũng gần mười lăm năm.
- Hồi xưa tại Sài Gòn anh sống ở đâu?
Khang ngớ người, định hỏi sao biết tôi là người Sài Gòn. Chợt nhớ ra giọng mình bao năm chẳng đổi nên không khó để người khác nhận ra chốn xuất thân.
- Nhà tôi gần chợ Bàn Cờ.
- Trời ơi. Ngày xưa công ty tôi gần đấy. Trưa nào tôi cũng vô đó ăn hàng, từ gỏi đu đủ tôm thịt, tới bánh đúc nước dừa, bột chiên, chả giò, rồi canh bún ngon nhất trần đời. Đi sâu vô chợ là gánh đồ Huế và chè thập cẩm, thêm yoghurt và quầy ăn vặt đủ món. Nhắc lại thèm ghê. À, mà có thể hồi đó, tôi với anh từng chạm mặt với nhau cũng không chừng.
Nhìn Tuệ vừa nói, vừa khua tay múa chân, thỉnh thoảng lại tắc lưỡi thèm thuồng, Khang thấy vui vui, nhưng không giấu được nét buồn sau nụ cười hiu hắt.
- Lâu lắm rồi tôi chưa về thăm nhà. Chẳng biết họ còn bán nữa không?
- Tôi thì năm nào cũng về nhưng chỉ lòng vòng ở nhà với má. Bỏ luôn thói quen đi ăn vặt mỗi trưa.
- Tôi hứa với má sẽ dẫn cháu về thăm bà nội. Nhưng cứ hẹn lần hẹn lữa, hẹn hoài hẹn mãi, thoáng đã mười năm. Má tôi mòn mỏi đợi chờ, giận hờn, nhỏ to trách móc. Tôi nói thôi để con bảo lãnh má qua đây sống cho gần con cháu nhưng bà không chịu vì mồ mả cha ông còn bên đó, với lại sợ mùa đông lạnh lẽo xứ này. Tôi lực bất tòng tâm, đành mang tiếng làm con bất hiếu.
Tuệ cắn nhẹ môi. Hổng biết nói gì để an ủi Khang lúc này, vì chính bản thân cô cũng đang nghẹn ngào nhớ má. “Phụ mẫu tồn tử bất khả viễn du”. Mình có khá gì hơn.
- Chị có mấy cháu rồi?
- À, ông xã tôi không thích có con nên hai vợ chồng thui thủi với nhau thôi.
- Vậy cũng hay, khỏi vướng bận.
- Anh khác với những người Việt tôi từng gặp. Sau khi nghe tôi nói, họ sẽ hỏi tại sao hai người không có con? Bệnh tật gì chăng mà lại thế? Do ảnh hay do chị? Ráng tìm mọi cách kiếm một đứa cho vui cửa vui nhà, mai sau có người lo lắng. Mà thôi, kiếm hai đứa, một trai một gái chứ sanh con một mai sau lại tội nó...
Khang cười khi nghe Tuệ nói. Thiệt tình là anh chẳng lạ gì cái tính nhiều chuyện và hay soi mói của nhiều người Việt.
- Tôi thấy bình thường. Có con mà lại bỏ rơi, không lo cho nó nên người cũng thành công cốc.
- Có vẻ hơi chua chát. Mà thôi, mặc kệ chuyện người đời anh ơi.
- Tôi đâu rảnh nói chuyện người khác. Tôi nói chuyện mình đó chứ.
- Nghĩa là…
- Tôi với vợ chia tay sáu năm rồi. Thằng bé sống với tôi.
- Xin lỗi đã gợi lại chuyện buồn trong anh.
- Không có gì đâu. Tôi cũng quên gần hết rồi còn gì.
- Sao anh không đi bước nữa cho con có người chăm sóc.
- Tôi thấy mình lo cho con cũng đủ. Vả lại tôi không muốn con chịu cảnh san sẻ tình thương với người khác. Tôi giờ như con chim trúng ná, nhìn đâu cũng thấy toàn lọc lừa, phản bội mà thôi.
Tánh tò mò trong Tuệ trỗi dậy. Cô mấp máy môi, tính hỏi cho ra lẽ. Mà thôi, lần đầu tiên gặp, có thân thiết gì đâu. Lôi chuyện cá nhân ra bàn, anh ta đánh giá mình không hay thì khổ.
- Đẹp trai và hiền lành như anh mà cũng bị người ta phản bội?
- Chắc hết duyên chị ạ.
Khang nhún vai, nhìn ra khoảng sân phía trước. Ký ức, như màn sương mờ phủ trùm lên thành phố sau đêm mưa, giờ như đốm than hồng bao năm ẩn sâu dưới lớp tro tàn, thổi bùng thành lửa.
- Một chiều cuối thu thế này, cô ấy nhắn tin bảo đi Cali có việc. Và đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp mặt.
- Anh có đi tìm cô ấy không?
- Tôi nghĩ không cần thiết. Vài hôm sau cô ấy nhắn tin bảo quay về với người tình cũ của mình. Chị rành phụ nữ hơn tôi mà. Một khi họ đã muốn là không gì cản nổi.
Khang đang nói dối. Thật ra bao nhiêu năm qua anh chẳng thể nào quên Minh được. Cái khát vọng được ở lại xứ này cho tròn giấc mơ Mỹ khiến cô chấp nhận làm vợ gã đàn ông mà cô không có tình yêu thật sự. Nhiều người cảnh báo anh về chuyện về Việt Nam cưới vợ hay dính vào những cô du học sinh cần hôn thú để ở lại, rồi khi có thẻ xanh hay quốc tịch, họ hóa thành con sáo sổ lồng bay sang bờ sông vắng xảy ra hằng ngày như cơm bữa.
Anh cười không đáp và cũng chẳng tin Minh sẽ làm điều ấy với mình. Nào ngờ cô biến anh thành một trong những nạn nhân tội nghiệp đó. Quang ra đời cũng là điều không mong đợi. Cứ tưởng đứa bé sẽ níu hai người gần nhau, mà lại như lực cản vô hình đẩy cả hai về hai phía đoạn đường. Phải đối diện và chung giường mỗi đêm với người không yêu, với Minh, là điều tồi tệ. Và kinh khủng hơn khi cô phải chăm sóc đứa trẻ mang khuôn mặt giống y chang anh ấy, dẫu do mình dứt ruột đẻ ra.
Để rồi ngày kia, Minh rời chồng, bỏ lại đứa con mới bốn tuổi đầu, trở về với người yêu năm cũ cùng sang đây du học.
Minh không về trong đêm hôm ấy. Minh không về trong đêm kế tiếp. Và Minh không về trong nhiều đêm đằng đẵng sau này. Anh không nhớ nổi bao đêm Minh không về, chỉ biết là nhiều lắm. Đêm đầu tiên hai cha con có chờ. Đêm thứ hai hai cha con có chờ. Đêm thứ ba hai cha con có chờ.
Chờ hoài chờ mãi không thấy Minh về và hai cha con không chờ thêm được nữa. Giá mà những buổi chiều đi làm về anh có thể ngồi thu lu khóc như đứa trẻ. Giá như anh có thể uống thật nhiều rượu mạnh để quên hết sự thật tàn nhẫn trước mặt mình. Nhưng khóc than, buồn chán không đẻ ra cơm áo gạo tiền. Quang cần một người cha tỉnh táo, để mỗi sáng đưa tới trường, chiều đón về, và khi đêm tĩnh mịch rơi xuống trên nền trời cao rộng, anh ôm con vào lòng vỗ về từng giấc ngủ, để giữa cơn mơ mộng mị, Quang không còn lạc giọng gọi tiếng mẹ thân quen.
Sáu năm qua, hai cha con vẫn lủi thủi ở trong căn nhà cũ ấy. Và cũng ngần ấy năm Minh không về thăm lại chốn xưa để lấy mớ áo quần anh để yên trong tủ. Cô cũng không bảo với anh là hai người cần làm thủ tục ly dị để đường ai nấy bước. Khang không biết Minh đang ở phương nào, còn sống, đã chết, hay yên vui với cuộc sống gia đình hạnh phúc. Tận sâu trong tâm tưởng, Khang vẫn lặng lẽ đợi chờ người đàn bà trắc nết quay về sau bao ngày ruổi dong với gã đàn ông tội lỗi. Anh sợ lỡ ngày nào đó sa chân lỡ bước, Minh quay về chốn cũ, tìm lại chồng con, cô sẽ sống ra sao khi cảnh còn đây mà người xưa không còn bóng dạng?
- Và dù có tệ bạc thế nào đi chăng nữa thì tôi cũng không có quyền gieo vào lòng con sự khinh khi người đàn bà bội bạc ấy. Đơn giản, cô ấy đã dứt ruột đẻ ra Quang.
Tuệ cúi đầu, lơ đễnh. Những ngày cùng quẫn trong nỗi nhớ má với Sài Gòn và khoảng thời gian quay cuồng với các hợp đồng triệu đô, trăm tỉ, Tuệ muốn bỏ chồng, thoát khỏi cái “comfort zone” (4), quăng hết những buổi sáng bình yên giữa tiếng chim ca hay giọng đàn piano dìu dặt, để chạy về với gia đình và bè bạn, tìm một góc cà phê bình dị, lặng im ngóng phố, nghe tiếng người cười nói rộn ràng. Cô sẽ tìm một việc nho nhỏ, đủ nuôi mình với má và làm lại từ đầu. Nhiêu đó là quá đủ chứ chẳng cần những thứ xa hoa. Nhưng nói thì dễ chứ làm sao thoát khỏi miệng đời dị nghị. Dẫu thương cô hết mực nhưng má sẽ không chịu nổi cú sốc này. Vả lại James hoàn toàn không có lỗi. Tuệ vẫn yêu chồng, dẫu không mãnh liệt như hồi mới gặp, khi tình yêu đủ sức lôi cô ra khỏi quê hương và bén rễ ở thị trấn u ám này.
Nước Mỹ đã thành một thói quen vốn dĩ và James như từng mạch máu nhỏ to, chằng chịt, len lỏi vào hàng tỉ tế bào da thịt cô.
Tuệ chợt nhớ tới Francesca, người phụ nữ gốc Ý trong bộ phim Những cây cầu ở quận Madison, cô xem không biết bao nhiêu lần khi ở nhà một mình cô quạnh. Cô ấy cũng như Tuệ, phải sống cuộc đời quạnh hiu ở vùng nông thôn Iowa yên bình, thuộc miền Trung Tây nước Mỹ. Cho đến ngày kia, một sáng mùa hè, Robert, gã nhiếp ảnh gia miệt mài với chủ nghĩa xê dịch, đã đến cổng nhà cô hỏi thăm đường đến những cây cầu có mái che của quận Madison nổi tiếng. Và cuộc gặp gỡ đã bắt đầu cho những ngày định mệnh...
- Anh có nghĩ Minh đang hạnh phúc với người tình cũ?
- Tôi không biết và cũng chẳng quan tâm. Bao năm nay cô ấy không về lấy một lần để thăm con, có nghĩa là cô ta đang bằng lòng với cuộc đời hiện tại.
- Ít ra cô ấy đủ bản lĩnh để sống cuộc đời riêng cho mình. Hơn tôi, ở mãi cái xứ lạnh lẽo này trong mòn mỏi, xót xa.
Tuệ bỏ lửng câu nói, cố giấu nước mắt chực trào. Bất chợt cô gặp ánh mắt của Khang cũng đang lơ đãng nhìn mình. Lạ lắm. Nó pha trộn chút bàng hoàng, ngạc nhiên lẫn sự cảm thông và thương cảm. Ánh mắt nâu biết nói, thẫm buồn của gã đàn ông trẻ tuổi nhưng đã băng qua cơn lốc xoáy cuộc đời, khác xa ánh mắt màu xanh da trời êm ấm, trong văn vắt của James.
4Tia nắng cuối cùng len lỏi qua cành cây khô khốc, chiếu lên mảnh tường gạch, hắt xuống mặt hai người một màu đỏ, lẫn vàng, dàu dàu khó tả. Tuệ không nói gì. Khang chẳng thốt được một lời êm ái. Mỗi người, lúc này, đang đuổi theo những nghĩ suy riêng biệt, chỉ chính họ mới hiểu được mà thôi.
- Mải nói chuyện nên tôi chưa kịp dọn sân trước. Ngày mai tôi quay lại nhen.
- Không sao đâu. Nếu không bận mời anh ở lại ăn tối với gia đình tôi?
- Tôi có việc phải đi. Xin lỗi chị.
Khang bước ra xe, nổ máy, không ngoái đầu nhìn lại.
Ngoài kia, nắng đã tắt tự bao giờ.
Tuệ vô bếp chuẩn bị bữa tối. Đêm nay hai vợ chồng ăn lasagna (5) theo kế hoạch. Cô lôi cà chua ra làm nước sốt. Quậy quậy một hồi nhưng chẳng có chút cảm hứng nào. James từng bảo, nấu món Ý mà không thích thì nên ngừng lại, bởi cái cần nhất của ẩm thực Ý là tình yêu mãnh liệt của người đầu bếp, dẫu nghiệp dư.
Tự nhiên Tuệ thèm ăn đồ Việt. Giờ này mà có tô canh bún hay đĩa gỏi bò ở chợ Bàn Cờ thì hay biết mấy. Chắc ăn cả gánh cũng chưa thấy no. Cô dừng tay, mở tủ lạnh. Thấy bịch ớt hái ngoài vườn tuần rồi vẫn còn tươi rói. Tuệ rót nước mắm, dầm ớt, nhúng bánh tráng vừa nhai vừa hít hà ngon lành. Tuệ cất xoong sốt cà vào tủ lạnh. Lục tủ đá một hồi, cô lôi thịt ba rọi với tôm xanh, đem ngâm nước. Mở kệ lấy nấm mèo, bún tàu, hành tây xắt nhỏ để làm nhân chả giò. James thích món này, nên mình sẽ cuốn một mâm thiệt to tối nay chiên cho anh ăn. Sẵn dịp mai Khang tới, mình mời cậu ta ăn lấy thảo và luôn tiện gói một bọc gửi cho Quang.
Đôi mắt buồn hiu hắt, vòm ngực rộng và giọng nói ấm áp của Khang lại chập chờn trong tâm trí. Tuệ để tay lên ngực, quay lưng dựa cạnh bàn. Đừng nghĩ về anh ta nữa được không?
Tuệ nhắm mắt, lắc đầu. Mình có đủ dũng cảm bỏ lại những thói quen ăn sâu vào tim óc để lên xe giữa chiều cuối thu băng qua rừng cây vàng lá, chạy theo mối tình vô định dù chỉ một đôi ngày? Liệu mình có thảnh thơi với những ngày tươi đẹp hay phải dằn vặt suốt đời trong niềm hạnh phúc mong manh? Mà không, mình đang ở Maryland nhỏ bé chứ không phải Iowa xa cách. Những cây cầu Montgomery nơi này không có mái che như ở Madison lặng lẽ. Và mình chỉ là con Tuệ yếu đuối, bao năm qua được giữ gìn cẩn thận trong màu mắt xanh biêng biếc của James.
Tuệ quay vô góc nhà, ngậm ngùi nhìn cái va li bụi bặm bám đầy rồi ngước mặt ra cửa sổ. Chiếc lá phong cuối cùng lìa cành, đảo chao trong gió dưới ánh đèn hiu hắt rồi lẳng lặng rơi xuống nền cỏ nõn xanh.
Có giọt nước mắt ứa trên má cô bỏng rát. Rồi từ từ rơi xuống, vỡ òa, thấm vào thau chả giò thoảng thơm mùi ký ức xa xăm.
(1) Danh bạ điện thoại cho các doanh nghiệp trong vùng. Còn Yellow Page dành cho cư dân.
(2) Tên của hệ thống cửa hàng tiện lợi. Có rất nhiều người gốc Nam Mỹ tập trung ở đây mỗi sáng để tìm việc làm
(3) Dịch vụ cắt cỏ và làm vườn
(4) Vùng an toàn hay yên lành
(5) Loại mì ống nướng bằng cách xếp chồng các lớp mì lên nhau xen kẽ với nước xốt cà, phô mai, rau quả và thịt
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.