Người cộng sản ở tận cùng Tây Bắc: Sinh viên đầu tiên lên đất Mường Tè

14/01/2021 08:15 GMT+7

Tháng 4.2011, ngay sau khi xảy ra 'sự kiện Mường Nhé', chúng tôi ngược lên Leng Su Sìn, A Pa Chải và thường nghe người già nhắc đến 'sinh viên người Kinh đầu tiên lên ở với dân'.

Gần 10 năm sau, tôi mới tìm được ông hiện đang sống ở TP.Hải Dương. Ông là Vũ La, nguyên Chính trị viên Đồn biên phòng A Pa Chải.

Binh nhì đại học

Tháng 1.1972, khi vừa tròn 24 tuổi, đang học năm thứ 5 Khoa tiếng Trung - Trường đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, ông Vũ La (quê Kim Bảng, Hà Nam) được đặc cách tốt nghiệp sớm để nhập ngũ vào công an nhân dân vũ trang (CANDVT; nay là bộ đội biên phòng). Đầu tháng 5.1972, ông Vũ La lên TX.Mường Lay nhận công tác ở CANDVT Lai Châu và được dẫn đi bộ gần 1 tuần lên Đồn biên phòng Leng Su Sìn, Mường Tè (nay là H.Mường Nhé, Điện Biên).
“Cấp trên nói đi thực tế một thời gian, nên ngoài quân tư trang, súng đạn, tôi mang nhiều sách vở, từ điển. Tới đồn, lính cũ nhìn như người ngoài hành tinh”, ông Vũ La nhớ lại.
Đồn biên phòng Leng Su Sìn thành lập tháng 2.1958 với tên gọi “đồn 5”, đóng ở bản Leng Su Sìn (xã Chung Chải, châu Mường Tè). Ngày 3.3.1959, Thủ tướng Phạm Văn Đồng yêu cầu: “Thống nhất các đơn vị đang làm công tác bảo vệ biên giới thành lực lượng chuyên trách công tác biên phòng, lấy tên là CANDVT”. Đồn 5 Bộ đội biên phòng được đổi tên thành đồn 5 thuộc CANDVT khu Tây Bắc, làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới ở khu vực tuyến biên giới Việt - Trung và Việt - Lào, từ ngã ba biên giới đến Nậm Là (Mường Nhé) và quản lý 2 xã: Sín Thầu và Chung Chải.
Người cộng sản ở tận cùng Tây Bắc: Sinh viên đầu tiên lên đất Mường Tè1

Đại úy Vũ La kể lại thời kỳ công tác tại Mường Tè

ẢNH: MAI THANH HẢI

Thời điểm “binh nhì sinh viên” Vũ La lên Mường Tè nhận công tác, Đồn biên phòng Leng Su Sìn đã tồn tại 14 năm và trạm kiểm soát A Pa Chải trực thuộc đồn nhưng nằm ở ngã ba biên giới xa xôi, heo hút nhất nước, cũng hơn 10 năm tuổi. Là người đầu tiên học đại học, lại là đại học tiếng Trung nên đồn trưởng Hoàng Quốc Lộ ưu tiên cho Vũ La ở đồn... “vỗ béo” 2 tháng, xong mới đưa lên trạm làm phiên dịch kiêm nhân viên kiểm soát hành chính, dặn “có việc gì, phải nói chuyện với Trung Quốc”.
Liên lạc giữa đồn và trạm bằng chạy bộ và đi ngựa. Ăn uống thì tự cung tự cấp. Gạo tẻ không có, toàn phải ăn ngô sắn, nếp nương. Thức ăn là muối ớt, thi thoảng đồn mổ lợn, sấy thịt khô làm thức ăn lâu dài... Thế nhưng, những khó khăn ấy không sá gì so nguy hiểm thú dữ. Suốt mấy năm ở trạm kiểm soát A Pa Chải, bộ đội phải luôn đào hào, cắm chông quanh nhà để ngăn hổ vào tấn công.
“Vừa trông chừng hổ trong rừng vừa cảnh giác với hổ bên kia biên giới”, ông Vũ La nói và trầm ngâm: “Năm 1976, phía Trung Quốc tăng cường quân số cho các đơn vị biên phòng của họ gấp đôi năm 1975. Họ tăng cường các hoạt động lấn chiếm, tranh chấp biên giới. Ở Lai Châu, từ cuối 1975 đến cuối 1976, họ vi phạm 148 vụ với 1.229 lượt người, tăng 5 lần về số vụ và 4 lần về số người so với cùng thời gian năm trước. Từ tháng 11.1978, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã từ biên giới mở, thăm dò và căng thẳng qua đóng kín cắt đứt. Nhân dân hai bên biên giới không qua lại thăm nhau”...

Chiến đấu giữ đất

Giữa năm 1978, Đồn CANDVT A Pa Chải (phiên hiệu 247) được thành lập trên cơ sở trạm A Pa Chải. Nói là đồn, nhưng cơ sở vật chất vẫn còn rất tạm bợ, mọi công việc - họp hành vẫn tổ chức ở dưới Leng Su Sìn. Ngay cả thượng úy Tô Minh Điến, từ Đồn phó quân sự Leng Su Sìn được bổ nhiệm Đồn trưởng A Pa Chải, cũng vẫn đang đi học văn hóa dưới xuôi. Sáng 17.2.1979, quân Trung Quốc tấn công trên toàn tuyến biên giới phía bắc, nhưng chưa động đến khu vực Mường Tè. Hôm ấy, cả đại úy - chính trị viên Trần Thanh Phương và thiếu úy - chính trị viên phó Vũ La được gọi về đồn Leng Su Sìn họp với cán bộ dưới tỉnh lên.
Chiều 18.2.1979, bộ đội đồn chạm trán với thám báo Trung Quốc và 2 người bị thương, phải đưa về Leng Su Sìn cấp cứu. Lúc ấy, đại úy Trần Thanh Phương và thiếu úy Vũ La mới được lên A Pa Chải chỉ huy bộ đội chuẩn bị chiến đấu. 8 giờ sáng 20.2.1979, lính Trung Quốc ồ ạt tấn công 3 chốt của đồn A Pa Chải.
Sau vài giờ chiến đấu, bộ đội trên chốt 3 (đỉnh núi sau đồn A Pa Chải) hy sinh. Chính trị viên Trần Thanh Phương (chỉ huy chốt 1) bị dập cánh tay, rút về Leng Su Sìn, nên chỉ còn thiếu úy Vũ La chỉ huy số anh em còn lại đánh địch, sau đó đưa thương binh về bản Tả Kho Khừ. Trên chốt 2 giáp đường biên, thượng sĩ Trần Hữu Thiêm chỉ huy 14 chiến sĩ kiên cường đánh địch đến sáng 21.2.1979, khi hết đạn mới rút.
Người cộng sản ở tận cùng Tây Bắc: Sinh viên đầu tiên lên đất Mường Tè2

Bộ đội biên phòng A Pa Chải luyện tập phương án đánh địch, năm 1983

ẢNH: QUANG ĐỆ

“Mũi 2 của chúng chiếm được đồn, cướp khẩu đại liên của ta và ngông nghênh kéo về phía Trung Quốc. Bộ đội ta lừa địch, bắn xối xả về phía mũi 1 đang bao vây chốt anh Thiêm, khiến chúng tưởng lực lượng ta tiếp viện, bắn nhau mù trời, khiến số lính chết, bị thương lên đến cả trăm”, ông La kể và nhớ: Chiều 21.2.1979, ông cùng Trưởng công an xã Pờ Xì Tài đưa bộ đội, dân quân lên chiếm lại trận địa, nhưng bị pháo bắn chặn dữ dội; sáng 22.2.1979, lệnh trên yêu cầu “giữ Tả Kho Khừ bằng mọi cách”; ngày 23.2.1979, phía Trung Quốc rút về bên kia biên giới; ngày 24.2.1979, bộ đội lên chiếm lại các vị trí và tìm kiếm thi hài chiến sĩ ta hy sinh...
Trong trận chiến đấu ngày 20.2.1979, đã có 13 cán bộ, chiến sĩ của Đồn A Pa Chải hy sinh. Lớn tuổi nhất là thượng sĩ Vàng Lò Xá (đội phó cơ sở, quê ở xã Pa Vệ Sủ, Mường Tè, Lai Châu) hy sinh lúc 27 tuổi, kế đến là hạ sĩ Phạm Văn Bay, 22 tuổi. Số còn lại toàn 18 - 19 tuổi, chủ yếu quê tỉnh Phú Thọ. Ngày 20.2.1979, dân quân Sào Chế Lòng (32 tuổi) và anh Pờ Quang Tự (18 tuổi, học sinh Trường trung học y tế Lai Châu) cũng hy sinh khi cùng bộ đội biên phòng đánh trả quân Trung Quốc xâm lược.

Xa xôi mấy cũng là tổ quốc

Cuối tháng 8.1979, chính trị viên đồn A Pa Chải Vũ La được phong hàm trung úy. Tháng 4.1980, sau 8 năm bám trụ A Pa Chải - Mường Tè, ông Vũ La được điều về tỉnh Lai Châu. Cuối tháng 4.1986, đại úy Vũ La được chuyển công tác về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hải Dương làm trợ lý. Đầu tháng 5.1987, ông nhận quyết định nghỉ hưởng trợ cấp bệnh binh hạng 2 do mất sức lao động tỷ lệ 71%.
15 năm quân ngũ thì 14 năm ông Vũ La bám trụ với vùng biên viễn Lai Châu. Cứ tưởng trình độ cử nhân tiếng Trung cũng bị bỏ quên, nhưng không! Về nghỉ ở tuổi 40 ở Hải Dương, ông làm mọi nghề để nuôi bố mẹ già, vợ và 3 con nhỏ. Nhiều người khuyên đến các lễ hội, đình chùa viết sớ. Ông lắc đầu: “Chữ tôi học là để phục vụ Tổ quốc, không để bán”. Mãi thời gian gần đây, khi rộ lên việc xuất khẩu lao động và nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang đầu tư, cuộc sống của ông mới tạm ổn định trong vai trò thầy giáo dạy tiếng Trung ở mấy trung tâm ngoại ngữ.
Tháng 3.2019, nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Bộ đội biên phòng, cựu đại úy - chính trị viên Vũ La lên thăm lại vùng đất A Pa Chải và tặng đồn biên phòng nơi đây chữ “Nhẫn” do chính tay mình viết. Ông bảo: “Nhẫn đây không phải là nhẫn nhịn mà là kiên nhẫn bảo vệ từng nắm đất bờ cõi. Xưa gian khổ mà chúng tôi vẫn gắng mọi cách, kiên trì bảo vệ biên giới, bảo vệ nhân dân. Chẳng lý gì, thế hệ trẻ bây giờ không làm được. Dẫu xa xôi cách trở nghìn trùng thì đó cũng là Tổ quốc mình”. (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.