Người chọn nghề... vớt xác

30/07/2022 06:34 GMT+7

Đang là giám đốc công ty vận tải ăn nên làm ra, anh Nhâm Quang Văn (40 tuổi, xã Đông Á, H.Đông Hưng, tỉnh Thái Bình ) đã “đổi nghề”, chọn một công việc mới - không lương, chẳng thưởng mà còn thấp thỏm hằng đêm, đó là cứu hộ cứu nạn trên các con sông ở Thái Bình và các tỉnh lân cận.

Đội cứu hộ 116 của anh Nhâm Quang Văn dưới sự hướng dẫn của bộ đội biên phòng, phối hợp tìm kiếm hai anh em đuối nước ở biển Thanh Hóa, sáng 18.5

NVCC

Chọn việc vì nỗi day dứt trong lòng

Khi trò chuyện với anh Văn về các vụ tìm kiếm, vớt xác nạn nhân, cảm xúc trong tôi rất nghẹn ngào khi đưa ra câu hỏi, và tôi biết với người trực tiếp làm công việc này sẽ cảm thấy xúc động, đau xót đến mức độ nào mỗi khi kể lại.

Giọng anh Văn trầm xuống, đôi mắt căng mọng như trực trào nước mắt khi nhắc về vụ cứu nạn diễn ra gần đây nhất ngày 3.7.2022. “Chúng tôi nhận được thông tin về vụ đuối nước, nạn nhân là cháu P.N.H mới 13 tuổi. Ngay lập tức, anh em lên đường. Thật đau lòng. Cháu bé đi mò cáy cùng bà ở sông Hồng, chẳng may đuối nước. Vớt cháu lên mà chúng tôi không cầm được nước mắt, hoàn cảnh gia đình nhà cháu còn rất khó khăn”, anh Văn kể.

Đó là một trong hàng trăm vụ tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn và vớt xác của Đội Cứu hộ cứu nạn đường thủy 116 trong 2 năm qua do anh Nhâm Quang Văn làm đội trưởng. Điều đặc biệt, đội thực hiện cứu hộ miễn phí - nhận việc 24/7, không quản ngại nguy hiểm, xa xôi. Bởi, cá nhân anh Văn và đội làm công việc này từ cái tâm và sự day dứt khi từng phải trải qua nguy hiểm tương tự.

May mắn “xin” anh được chút thời gian trò chuyện, tôi mới biết rằng, không phải anh Văn “rỗi hơi” mà đi “vác tù và hàng tổng”. Anh Văn vốn đang là giám đốc công ty vận tải chuyên cung cấp xe cần cẩu hàng hóa, ngồi phòng máy lạnh điều hành công ty. Công việc vẫn phát triển tốt thì anh Văn bỗng nhiên “đổi nghề”.

Tâm sự với giọng nói rất ấm và có phần nghẹn ngào, anh nói: Vào năm 2015, tôi đi công tác ra biển Cồn Vành (Thái Bình) trên chiếc sà lan chở rất nhiều thiết bị và 7 kỹ sư, bỗng dưng sà lan bị chìm cách bờ 5 km. May mắn, vị trí đó là chỗ cát bồi, cần cẩu nhô lên mặt nước và nhóm kỹ sư bám vào. Sau đó, chúng tôi được tàu cá cứu giúp. Từ đó, tôi luôn đau đáu và ám ảnh khi những người dân gặp nạn trên sông nước và rất mong muốn sẽ giúp đỡ được cho họ.

Anh Văn chia sẻ thêm: Đến tháng 10.2020, trận lũ lịch sử đã nhấn chìm nhiều ngôi nhà tại miền Trung, tôi đã đi từ thiện 28 ngày và chứng kiến sự mất mát, đau thương của đồng bào miền Trung. Điều day dứt nhất chính là hình ảnh bà con bị mắc kẹt giữa dòng lũ chảy xiết, không có cách nào ra được. Ánh mắt họ cầu cứu trong vô vọng. Vì vậy, sau chuyến đi, tôi đã mua một ca nô, hai xuồng nhỏ và kêu gọi một số bạn bè thành lập Đội Cứu hộ cứu nạn đường thủy 116 để cứu hộ người bị nạn trên sông ở khu vực tỉnh Thái Bình và các tỉnh lân cận.

Từ đó, anh Văn giao việc ở công ty cho người khác tạm quản lý và tập trung cho công việc cứu hộ - công việc mà anh chẳng mong “đắt” việc chút nào. “Hơn 2 năm làm cứu hộ, tôi vui vì có nhiều hoàn cảnh khó khăn được đội cứu hộ tìm thấy thi thể người nhà nhưng cũng buồn vì số lượng vụ việc thương tâm tăng, nhiều người tự vẫn là người trẻ”, anh Văn tâm sự.

Anh Văn (trái) trên ca nô tìm kiếm cứu nạn

THÚY VÂN

“Vớt xác về có lúc ăn cơm nôn ói, nhưng dặn lòng phải cố gắng”

Cứu hộ cứu nạn đường thủy chủ yếu là tìm và vớt xác, nghe thôi đã thấy sợ hãi. Nhưng nếu ai cũng sợ thì thi thể nạn nhân sẽ khó có thể được tìm thấy. Vậy nên theo anh Văn, để cứu vớt người, yêu cầu phải có kinh nghiệm, phương tiện tốt và điều quan trọng nhất là tinh thần vững vàng và trách nhiệm với công việc mình đã chọn. “Thời gian đầu đi vớt xác, gặp một số trường hợp đã chết lâu ngày, thi thể trương phình, bị cá rỉa biến dạng và bốc mùi, anh em chúng tôi tay chân khá run rẩy và dặn lòng phải cố gắng. Bởi, người nhà nạn nhân đang rất khủng hoảng, gào khóc. Xong việc. Về nhà, anh em chúng tôi bưng cơm lên mà nhiều lúc nôn ói, đêm ngủ còn ám ảnh bởi tiếng gào khóc”.

Có những vụ tìm kiếm trong ngày là thấy nhưng cũng có những vụ tới bốn năm ngày mới tìm được thi thể nạn nhân, kèm theo điều kiện thời tiết xấu lại càng khó. Những lần đó, cả đội lênh đênh hàng trăm ki lô mét trên sông, cả ngày lẫn đêm, cơm gặp đâu ăn đó còn không thì nhịn, ưu tiên số một là tìm thi thể sớm nhất có thể.

Vụ tìm kiếm, cứu nạn mà anh Văn cảm thấy ám ảnh nhất là vụ cháu H. ở P.Trần Lãm, TP.Thái Bình ngày 19.5.2021. Cháu H. lúc đó đang là sinh viên đại học, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bố cháu mới mất. Cháu H. bị trượt chân ngã xuống sông Trà Lý và phải mất vài ngày mới tìm thấy thi thể cháu. Sau đó, Đội cứu hộ 116 đã đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ cho gia đình cháu 130 triệu đồng, giúp gia đình vơi bớt nỗi đau mất mát.

Anh Văn cho biết, đây là trường hợp duy nhất từ trước đến nay đội kêu gọi ủng hộ cho gia đình nạn nhân. Còn kinh phí duy trì hoạt động của đội do gia đình anh Văn tự cấp.

Trò chuyện với anh, mỗi lúc anh nhắc lại một vụ việc, tôi lại thấy nỗi buồn lại thêm chồng lấn trên khóe mắt. Anh bảo, ngoài tìm kiếm thi thể nạn nhân, các anh còn có nhiệm vụ xoa dịu nỗi đau cho người nhà, mong họ sớm vơi đi nỗi buồn mất mát.

Hơn hai năm làm công việc “cướp cơm của hà bá” nhưng anh Văn chưa bao giờ nhận tiền công, tiền biếu của ai hay kêu gọi ủng hộ cho đội. Anh tâm niệm, đã làm vì cái tâm, cái nỗi day dứt trong lòng thì đó chính là tự trả công cho bản thân rồi.

Vợ anh Văn, chị Hoàng Thị Oanh tâm sự về cái nghề “lạ” của chồng: “Ban đầu, tôi cũng hơi ái ngại khi chồng nói sẽ thành lập đội cứu nạn và đi vớt xác trên sông, nhưng tôi thấy anh ấy hạnh phúc với công việc này nên không ngăn cản. Hơn hai năm làm công việc cứu nạn, chẳng mấy khi anh ấy dám ngủ sâu và điện thoại luôn để sát người. Tâm thế lúc nào cũng sẵn sàng. Đêm hôm, có người gọi cần giúp đỡ là anh lập tức bật dậy và lên đường ngay. Tôi chỉ mong chồng giữ gìn sức khỏe, trở về bình an sau mỗi lần làm nhiệm vụ.

Công việc cứu hộ cứu nạn vất vả, dài ngày lấy đi không ít sức khỏe của anh Văn cũng như đồng đội. Mỗi lần cứu hộ về trông anh gầy gò và xanh xao đi hẳn. Có lần được nghỉ ngơi dăm hôm nhưng cũng có lần vừa về đến nhà lại có điện thoại cầu cứu, anh Văn lại lên đường. Hơn ai hết, anh hiểu rằng họ đang rất cần anh.

Chia sẻ kế hoạch trong tương lai, anh Văn cho biết sẽ thành lập thêm một tổ nữa để phối hợp công việc được tốt hơn. “Nhiều lúc, có vài vụ đuối nước xảy ra cách xa nhau, người nhà liên tục gọi giúp đỡ, chúng tôi không biết nhận lời ai và từ chối ai nên tôi nghĩ cần thêm tổ, nâng cấp phương tiện và kêu gọi thêm thành viên. Ngoài ra, tôi sẽ mở những lớp dạy bơi miễn phí cho các cháu nhỏ để đề phòng đuối nước, bên cạnh đó sẽ đặt phao cứu sinh trên tất cả các cây cầu trong tỉnh Thái Bình và các cây cầu giáp ranh với tỉnh. Đội sẽ nâng cấp mua thêm ca nô, camera tìm kiếm dưới nước để phục vụ công việc tìm kiếm được nhanh chóng hơn. Hiện tại, đội có 8 người, đều là những người rất nhiệt huyết, không ngại khó, ngại khổ với công việc mình đã chọn - mong sao, công việc của chúng tôi càng ít việc càng tốt...”, anh Văn bộc bạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.