Người chết cứu người sống - Kỳ 4: Những người thầy im lặng

13/09/2014 03:05 GMT+7

Các bác sĩ xem những người hiến thi hài cho khoa học là những "người thầy im lặng”. Nhờ có sự cống hiến của họ mà các sinh viên y khoa, bác sĩ mới có tư liệu học tập, nghiên cứu để trở thành thầy thuốc giỏi cứu người.

GS-TS Lê Văn Cường trao đổi với một bác sĩ đang nghiên cứu sau đại học trên thi hài - Ảnh: Thanh Tùng

GS-TS Lê Văn Cường, Trưởng bộ môn giải phẫu - Trường ĐH Y Dược TP.HCM, nói: “Trân trọng lắm, tôn vinh lắm những người hiến thi hài cho khoa học. Nhờ có sự cống hiến đó, đã giúp nâng cao chất lượng dạy và học trong ngành y. Những thi hài hiến tặng là kho tư liệu vô cùng quý để giảng dạy cho sinh viên y khoa năm nhất, các bác sĩ học nâng cao, chuyên ngành, làm nghiên cứu luận án tiến sĩ, và còn để bác sĩ ở các bệnh viện đến thực hành phẫu thuật cắt lấy, ghép mô tạng...”.

Dạy cho biết bao sinh viên...

 

Người đủ 18 tuổi có thể đăng ký hiến thi hài tại các trường: ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Huế, ĐH Y Thái Nguyên. Nếu đến trực tiếp thì đem theo CMND hoặc hộ khẩu; nếu đăng ký qua đường bưu điện thì gửi đơn nguyện hiến thi hài có xác nhận của địa phương (hoặc đơn nguyện hiến thi hài kèm bản sao y theo CMND).

Năm 2013, Trường ĐH Y Dược TP.HCM tổ chức được 22 lớp sau ĐH về tạo hình, nội soi khớp, nội soi mũi xoang, và làm các công trình nghiên cứu khoa học. Việc phẫu tích nghiên cứu trên các thi thể đã phục vụ cho hơn 20 đề tài nghiên cứu cấp trường, phục vụ 3 đề tài làm luận án tiến sĩ, 4 đề tài luận văn thạc sĩ, 3 đề tài luận văn bác sĩ nội trú...

Bệnh viện Bình Dân cũng đang cử một ê kíp bác sĩ thực hành ghép gan trên thi hài tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM, để chuẩn bị cho việc đưa vào ghép gan trên người tại bệnh viện này. “Những thi hài hiến cho khoa học luôn được tập thể sinh viên y khoa, thầy thuốc, cán bộ giảng dạy của trường kính trọng, yêu mến như một báu vật vô giá. Những thi hài đã dạy cho biết bao sinh viên nắm vững kiến thức giải phẫu, trở thành thầy thuốc vững tay nghề, giúp các thầy thuốc thực hiện nhiều công trình nghiên cứu có giá trị phục vụ cho y khoa. Vì vậy, chúng tôi luôn tôn vinh những thi hài hiến cho khoa học như những người thầy im lặng”, GS-TS Cường chia sẻ.

Hằng ngày tại hai trường ĐH Y Dược và ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) đều có bộ phận trực tiếp nhận, hướng dẫn cho những người đến đăng ký hoặc tìm hiểu về ý nguyện hiến thi hài. Hằng năm đều có tổ chức Lễ tri ân (vào dịp cuối năm âm lịch), và Lễ tiễn đưa, an táng (vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 dương lịch) đối với những người đã hiến thi hài.

Nghi lễ Tri ân được tổ chức ở giảng đường, sau đó làm lễ rước hương, nến đến phòng thực tập giải phẫu. Tại đây, các thi hài được xếp ngay ngắn, có quàng khăn trắng, vòng hoa kết chuỗi, bên cạnh những ngọn nến. Đông đảo các thầy, cô, bác sĩ, thân nhân thi hài và sinh viên đến dự lễ trong không khí trang nghiêm và xúc động, những người sống thể hiện sự biết ơn và kính trọng đến những người đã hiến thi hài cho khoa học.

Ngoài hai dịp lễ nói trên, trong năm các gia đình đều có thể vào trường để thăm viếng thi hài.

Hướng tới sự chia sẻ

Nhìn ở góc độ rộng hơn, chuyên gia ghép thận, GS-TS Trần Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Niệu - Thận học TP.HCM (nguyên Trưởng khoa Niệu Bệnh viện Chợ Rẫy) xác định, việc những người hiến thân xác, mô, tạng cho khoa học là rất quý, vì hiện nay rất nhiều người bệnh cần đến tạng để chữa bệnh. Chỉ riêng ở Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi năm có 100 bệnh nhân có chỉ định cần ghép thận, nhưng chỉ có 20 - 30 người có được thận cho, hiến để ghép, cao nhất là năm 2013 có 40 bệnh nhân có thận để ghép; số người bệnh còn lại phải chờ rất lâu. Phần lớn người cho thận cũng chỉ là những người thân trong gia đình.

“Ngoài hiến thi hài cho học tập, nghiên cứu y khoa, nếu chúng ta triển khai tốt được việc hiến mô, tạng cơ thể người thì sẽ cứu được nhiều bệnh nhân. Chẳng hạn, những trường hợp bị tai nạn giao thông chết não nhưng tim vẫn còn đập thì có thể hiến được nhiều mô tạng như gan, thận, tim, phổi...; hoặc những ca bị tai nạn, hay bệnh tật trong tình trạng quá nặng, khó qua khỏi đều có thể hiến mô, tạng. Chúng ta đã có luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, nhưng để có đông đảo người tham gia, rất cần có sự chia sẻ từ các gia đình người bệnh, cũng như công tác tổ chức từ phía các cơ quan chức năng phải thật tốt, chặt chẽ”, GS-TS Trần Ngọc Sinh nói.

TS-BS Trương Quang Định (Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2) cũng cho rằng: “Cần lắm những người hiến thân thể cho khoa học, bởi hằng năm có rất nhiều trẻ em cần ghép gan, ghép thận để duy trì sự sống. Lâu nay, chủ yếu nguồn gan, thận ghép cho trẻ là lấy từ người thân các cháu”.

Trên thực tế, theo PGS-TS Phạm Đăng Diệu, Phó hiệu trưởng kiêm Trưởng bộ môn giải phẫu Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), việc hiến mô, tạng ở các nước châu u đã phát triển rất mạnh, họ có cả một cơ quan hiến tạng, phôi, được điều phối chung. Khi có trường hợp hiến, họ sẽ thông báo ngay trong hệ thống để bệnh viện ở nước nào đang có người bệnh chờ ghép tạng gì thì liên lạc ngay để nhận về ghép cho bệnh nhân.

Thanh Tùng

>> Người chết cứu người sống - Kỳ 2: Vận động nhiều người cùng hiến thi hài
>> Người chết cứu người sống - Kỳ 3: 'Để bác sĩ muốn lấy gì cũng dễ
>> Người chết cứu người sống 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.