Người châu Á cô đơn làm bạn với rô bốt

19/04/2019 14:00 GMT+7

Từ Nhật Bản, Trung Quốc đến Hàn Quốc, nhu cầu về rô bốt dự kiến sẽ tăng mạnh trong bối cảnh xã hội châu Á ngày càng có nhiều người cô đơn hơn trước.

Sự kiện hãng công nghệ Mỹ iRobot trình làng Roomba, một trong những rô bốt hút bụi đầu tiên trên thế giới, đã gần 20 năm. Không ngạc nhiên khi dân Nhật thuộc nhóm người tiêu dùng đầu tiên mua Roomba sau khi nó được giới thiệu vào năm 2002, nhưng nhà sản xuất hoàn toàn bất ngờ về công dụng khác của dòng rô bốt bên cạnh chức năng dọn dẹp nhà cửa này. Roomba chẳng hiểu sao lại trở thành “vật cưng” của nhiều người Nhật. Họ lên mạng chia sẻ mẹo đặt tên rô bốt sao cho thật dễ thương, chụp ảnh chúng và thậm chí còn lập ra những nhóm chat để chào mừng những thành viên mới của cộng đồng.
Một mẫu rô bốt hút bụi Roomba Reuters

Những rô bốt được ưa chuộng

Rô bốt đồng hành thực sự không quá phức tạp như nhiều người vẫn nghĩ. Chẳng hạn, Qoobo trông giống như một cái gối lông xù, mềm mại, với cái đuôi biết phe phẩy như mèo nếu được vuốt ve. Còn Bocco, với kích thước không nhỉnh hơn ly cà phê, có hình dạng đơn giản. Paro có bề ngoài như một con hải cẩu nhồi bông, còn Lovot được thiết kế theo hình chim cánh cụt. Nổi tiếng nhất trong số này là Aibo dưới hình dạng chú cún đáng yêu.
Một số doanh nhân Nhật, bao gồm nhà sáng lập Công ty rô bốt Yukai Engineering là ông Shunsuke Aoki, đã nhanh chóng bắt được xu hướng trên. “Cô đơn đang trở thành vấn đề lớn tại xứ sở hoa anh đào, thậm chí thế hệ trẻ cũng không thoát được nỗi ám ảnh của sự cô độc”, theo tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn nhận định của ông Aoki về tiềm năng to lớn của rô bốt đồng hành và làm bạn với con người. Tình trạng càng thêm báo động khi giờ đây làn sóng cô độc đang lan sang nhiều nước châu Á khác, bởi ngày càng nhiều người không lập gia đình và dân số già hóa.
Vì thế công nghệ rô bốt đang khởi sắc khắp châu Á. Vào năm 2016, các công ty Hàn Quốc bán được khoảng 41.000 rô bốt, chỉ đứng sau Trung Quốc với hơn 65.000 sản phẩm, theo trang The Robot Report dẫn báo cáo của Liên đoàn Rô bốt học quốc tế (IFR). Ông Andy Liu của Hãng tư vấn công nghệ Future Form (trụ sở tại Bắc Kinh) dự đoán trong vòng 5 - 10 năm tới, người tiêu dùng cao tuổi của Trung Quốc sẽ đặc biệt chuộng các dòng rô bốt giúp họ khuây khỏa trong những ngày tháng cuối đời. Ở Nhật, dự kiến đến năm 2040, cứ 5 hộ gia đình sẽ có 2 gia đình có người sống cô độc, theo Kyodo dẫn ước tính của Viện Nghiên cứu an sinh xã hội và dân số quốc gia.
Không chỉ người già, trẻ con cũng được cha mẹ giới thiệu tiếp xúc với rô bốt. Doanh thu ở lĩnh vực khách hàng tiêu dùng nhỏ tuổi cũng dự kiến tăng.
Người châu Á cô đơn làm bạn với rô bốt
Rô bốt Lovot thế hệ mới, tích hợp công nghệ AI Ảnh: AFP
“Vào năm 2017, chúng tôi bán được khoảng 1 triệu sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ cho nhu cầu rô bốt giáo dục ở trẻ em, và con số này tăng lên 3 triệu trong năm 2018”, theo ông Kang Heng, đồng sáng lập Công ty khởi nghiệp Unisound ở Bắc Kinh.
Trong lúc xu hướng rô bốt đồng hành đang trở nên thắng thế tại các thị trường tiêu dùng, thì giới chuyên gia lại cảnh báo nguy cơ phát sinh nếu cho rằng có thể sử dụng rô bốt để giải tỏa nỗi cô độc.
[VIDEO] Người già Nhật Bản dùng robot làm bầu bạn
“Cứ thử tưởng tượng thay vì đến thăm ông bà, tôi lại mua một con rô bốt và gửi đến nhà”, SCMP dẫn lời Giáo sư Gael Bonnin của Trường Thương mại Neoma ở Paris (Pháp). Ông cho rằng rô bốt không thể thay thế được người thật, thậm chí còn có thể làm trầm trọng hơn cảm giác bị cô lập ở những con người đang phải sống một mình.
Về phần mình, ông Aoki của Hãng Yukai Engineering cho rằng không nên cố gắng biến rô bốt thành con người, đặc biệt trong môi trường gia đình nhằm tránh tình cảnh phụ thuộc tình cảm quá mức vào một đồ vật, vì cũng giống mọi thứ khác chúng đều có tuổi thọ sử dụng.
[VIDEO] Khó ngủ? Đến thời lên giường cùng... robot
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.