Người bỏ Sài Gòn về miền Tây lập nghiệp: Hạn mặn cũng không đáng lo lắm!

22/06/2020 12:12 GMT+7

Tôi rất thích câu nói: “Đừng hy vọng cuộc sống bớt khó khăn, hãy mong ước mình đủ bản lĩnh để vượt qua tất cả”. Và tôi tin người dân miền Tây có thể hàn gắn lại những rạn nứt của đất trồng do hạn mặn gây nên .

Lời tòa soạn: Sách Bình tĩnh mà sống (Lambooks và NXB Hội Nhà Văn phát hành tháng 6.2020) là tập sách do 28 tác giả viết, kể về những biến cố lớn trong chính cuộc đời họ. Ở đó họ đã dũng cảm đối mặt, chọn lựa và hành động để vượt qua khó khăn. Thanh Niên xin trích đăng 5 trong số 28 câu chuyện đó. Mỗi câu chuyện như chút trấn an và đối thoại với người đọc: Bất trắc không phải điều ta trông đợi, nhưng nó có thể giúp ta nhận ra điều quý giá và trân trọng cuộc sống hơn.

Kỳ 2: Thanh Niên giới thiệu câu chuyện của anh Lương Văn Tính, người từ bỏ Sài Gòn về làm nông trại trái cây ở Bến Tre đúng những năm hạn mặn gay gắt. Thay cho nỗi bi quan khốn khó, anh hồ hởi chào đón những quả sầu riêng thơm ngọt trong vườn nhà.

Tôi biết quê mình nghèo

Tôi sinh ra và lớn lên ở Cái Mơn, Chợ Lách, Bến Tre. Hồi nhỏ đọc báo lúc nào tôi cũng biết xứ mình tiềm năng nông nghiệp lớn lắm. Học hành rồi, tôi quyết định về quê lập nghiệp và chọn trồng rau làm vườn. Mọi thứ hồi xưa dễ dàng, cây trồng lên là có trái, cá vớt dưới sông lên là có ăn. Miền Tây như cái bao tử của cả nước, đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia.
Nghe thì thuận lợi như thế nhưng tôi đọc mới biết tỷ lệ hộ nghèo ở miền Tây lại khá cao, trên dưới 10% ở vùng đất giàu có này. Dần dần tôi mới hiểu đa số sản phẩm nông nghiệp vùng này làm ra dưới dạng thô và chưa qua chế biến để gia tăng giá trị thặng dư. Hàng tấn gạo bà con mới đổi được một chiếc iPhone. Mùa tới thì trái cây đổ đống, rẻ bèo hoặc phải đổ bỏ và kêu gọi “giải cứu”.
Ở quê tôi, người nông dân phải bán lưng cho đất, bán mặt cho trời. Gần 30 năm sống ở đây, tôi trải nghiệm và cảm nhận được những đổi thay và ngày càng rõ rệt ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Tụi tôi lớn lên nghe miết câu nói quen thuộc “người tính không bằng trời tính”. Nhưng tôi thấy, nếu tại vì mình không chịu thay đổi, vẫn mù mờ không biết nguyên nhân tại sao hay phải làm sao cho bớt khổ thì cái khổ cứ ở đó hoài.

Sầu riêng hiện là một trong những sản phẩm chủ lực theo mùa của nông trại gia đình anh Tính

Hạn mặn 2016 đi qua để lại nhiều bỡ ngỡ vì mọi người chưa từng chứng kiến đợt hạn mặn nào khắc nghiệt và kinh khủng như vậy. Nhưng hạn mặn năm nay kéo dài từ cuối năm 2019 đến giữa năm nay thậm chí còn nặng hơn, khắc nghiệt hơn, thì người dân mới chợt ngộ ra rằng đây chính là dấu hiệu trực quan nhất cho những khó khăn sắp tới mà người miền Tây phải gánh chịu bởi tác động của biến đổi khí hậu do những hành động khai thác quá mức của con người gây ra.
Những thuận lợi ở quê tôi rồi sẽ không còn nữa. Nếu mọi người không thay đổi cách làm ăn và tiếp cận đúng đắn với thay đổi này thì sẽ khó thích nghi, sẽ nghèo khổ khốn khó, sẽ chịu phận “trời tính”.

Xoay trở mùa hạn

Nhà tôi không khác cảnh xung quanh là mấy, vườn nhà trồng rau màu và cây ăn trái lâu năm. Cố nhiên, năm nay vườn sẽ bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, nên ở nhà tôi không chủ động dẫn nước mặn vào đồng. Tình hình sẽ như vậy kéo dài, mọi người không thể bị động ngồi chờ hạn mặn đi qua như xưa nữa. Trong nhà giờ tôi đã có thiết bị đo độ mặn thường xuyên, cùng với cập nhật tình hình hạn mặn trên group Zalo chung của huyện để biết đường tưới tiêu.
Vườn nhà cũng làm thêm mương, rãnh để trữ nước ngọt đủ tưới từ 7-10 ngày và có khoan để lấy nước ngầm khi thật cần thiết. Trước đây người ta hay tiết kiệm tiền thì giờ tụi tôi tập thói quen tiết kiệm nước chứ không phung phí được.
Hoàn cảnh bà con miền Tây vất vả vậy, nhưng nhìn lại thì tôi tin đây là “một chút” khó khăn để đánh thức những sáng tạo, cần cù, đoàn kết của bà con làng xóm và cả ở miền quê này.

VIDEO: 20 triệu lít nước ngọt về cứu dân Bến Tre, Tiền Giang đang ngột ngạt vì hạn mặn

Thay vì sản xuất thừa mứa với những phương cách kém an toàn, phun xịt vô tội vạ, thì dần dà những người làm nông nghiệp sẽ chú trọng vào nông nghiệp sạch, trồng trọt có kiểm soát, đảm bảo an toàn để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tôi về quê để lập nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn vậy, dù biết nếu chỉ có mình mình thì chẳng làm được gì lớn lao. Nhưng rồi những bạn trí thức trẻ cũng sẽ về quê, sẽ làm ra những món hàng nông nghiệp ngon, khỏe, giá hợp lý, ngay trên mảnh đất quê hương, lúc đó sẽ tạo ra ảnh hưởng thực sự.
Chẳng hạn, khi bắt đầu tập tành bán bán sầu riêng sạch, tôi mới nhận ra giá sầu riêng Việt Nam thấp hơn từ 8-10 lần sầu riêng Malaysia hay thua kém vài lần sầu riêng Thái. Ở Sài Gòn, đi kiếm một trái sầu riêng sạch, không nhúng thuốc quả thật khó khăn, dù khách hàng chấp nhận mua giá cao cũng không tìm chỗ để mua, hoặc lúc nào mua cũng phải ăn trong ngờ vực.
Tôi trồng sầu riêng ở quê, đợi quả chín cây đem lên Sài Gòn, mới thấm thía quả “đỏng đảnh”, khó chiều, biết mình phải kiên nhẫn quả sầu chín rồi có thể gửi gắm tình cảm từ cây trái đến những người thân thương của mình. Sầu riêng thôi thúc tôi trao gửi lại phẩm vật quê nhà cho người nở nơi khác. Quả ngon chín trên cây, rồi tươi sạch đến tận tay người.
Vườn nhà tôi chỉ khoảng 2.000m2, trồng mướp và rau củ quả, cây ăn trái theo hướng đa canh và thuận tự nhiên, không dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ. Mỗi mớ rau nhà trồng ra, cây trái đơm bông đều bắt đầu từ nhu cầu ăn uống hằng ngày của gia đình. Mẹ tôi đang điều trị ung thư buồng trứng giai đoạn hai, vì vậy vườn nhà là nơi cho rau trái để mẹ ăn uống lành và sạch để hồi phục sức khỏe, tránh bệnh tái phát.
Từ nhỏ tới lớn, tôi yêu làm nông nghiệp lắm. Tôi lớn lên và theo dõi bao biến cố lẫn sự phát triển của nước mình, rồi nghĩ vấn đề an toàn thực phẩm và bệnh ung thư sẽ rất đáng lo. Thế là tôi bắt tay làm nông nghiệp sạch từ giờ, cho gia đình, cho người thân quen, rồi làm farmstay để có nơi cho bệnh nhân ung thư đến nghỉ ngơi lưu trú, phục hồi sức khỏe, ăn uống sản phẩm nông nghiệp chất lượng và an toàn.

Từ mặn đất thành “mặn” tình người

Vậy đó, hạn mặn thì có khó khăn. Nhưng nhìn đi nghĩ lại thì cũng không đáng lo lắm và miền Tây cũng không bị nhiễm mặn quanh năm như một số quốc gia thậm chí còn không có nước ngọt để sử dụng, phải nhập khẩu nước ngọt hay lọc nước biển thành nước ngọt để sử dụng.
Một chút khó khăn cũng có mặt tích cực của nó. Mọi người sẽ biết lo lắng và thay đổi để thích nghi. Người nông dân sẽ trở nên linh hoạt và sáng tạo hơn, sẽ tìm cách tưới tiêu tiết kiệm và hợp lý hơn, biết chọn giống cây chịu hạn tốt, cần ít nước hơn, hay chuyển qua nuôi trồng thủy hải sản nước lợ để “tận dụng” được hạn mặn. Mọi người sẽ bận bịu chú tâm nâng cao tay nghề, sẽ không có nhiều thời gian rảnh rỗi mà sa đà vào những cuộc vui vô bổ, rượu chè say khướt như kiểu “văn hoá” mà người ngoài nghe vào đã lắc đầu.
Từ khó khăn, người ta cũng sẽ biết đùm bọc, hợp tác, cùng nắm tay nhau để tạo nên những giá trị to lớn mà trước đây chỉ làm nhỏ lẻ, manh mún. Hơn nữa, với sự chất phát, thật thà, sống nghĩa tình vốn có của dân miền Tây thì con người còn là một viên ngọc quý chưa được mài dũa. Chẳng phải ông cha ta từng nói “trong cái khó mới ló cái khôn” đó sao?
Tôi rất thích câu nói: “Đừng hy vọng cuộc sống bớt khó khăn, hãy mong ước mình đủ bản lĩnh để vượt qua tất cả”. Và tôi tin người dân miền Tây sẽ dùng chất liệu là sự sáng tạo, ham học hỏi, cùng với những phẩm chất đáng quý để có thể hàn gắn lại những rạn nứt của đất trồng do hạn mặn gây nên. Từ đó họ có thể tạo nên kiệt tác là những hoa thơm, trái ngọt, hay sản phẩm chất lượng giống như nghệ thuật Kintsugi của người Nhật Bản, hàn gắn những mảnh gốm vỡ bằng kim loại quý để tôn vinh vẻ đẹp của những rạn nứt.
Lương Văn Tính là doanh nhân trẻ khởi nghiệp từ quê nhà ở miền Tây, với farmstay và chuỗi nước ép trái cây, sinh tố tên NKN và cung cấp trái cây chín cây từ Bến Tre về TP.HCM.
(Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.