Người bị oan sai 40 năm kiện Viện KSND Tây Ninh yêu cầu bồi thường

Đỗ Trường
Đỗ Trường
13/05/2021 14:30 GMT+7

Ngày 13.5, TAND tỉnh Bình Dương mở phiên toà xét xử vụ tranh chấp yêu cầu bồi thường giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Dũng (61 tuổi, ngụ Bình Dương, người bị oan sai) với bị đơn là Viện KSND tỉnh Tây Ninh.

Tham gia phiên tòa có đại diện Viện KSND tỉnh Tây Ninh với tư cách là bị đơn và ông Dũng người bị oan sai hơn 40 năm cùng với người đại diện pháp luật của ông và luật sư bào chữa.

Bí mật vụ án oan 40 năm ở Tây Ninh

Hơn 40 năm oan khuất, bồi thường hơn 1 tỉ

Theo trình bày của ông Dũng tại phiên tòa, ngày 27.7.1979 ông Dũng cùng với 7 người trong gia đình bị Công an H.Trảng Bàng (Tây Ninh) bắt tạm giam để điều tra làm rõ vụ án “cướp tài sản riêng của công dân”.
Sau trên 3 năm tạm giam, cơ quan điều tra không điều tra thập được chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của ông Dũng và những người trong gia đình nên đến ngày 11.5.1983 ông Dũng được trả tự do sau 1.386 ngày bị giam giữ.
Từ khi được trả tự do đến tháng 10.2019, ông Dũng vẫn không nhận được quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ bị can… khiến ông Dũng phải mang trong mình nỗi oan khuất là bị can trong vụ án cướp tài sản suốt hơn 40 năm.
Ngày 31.10.2019, sau khi Báo Thanh Niên đăng tải loạt bài điều tra “Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất”, ông Dũng và những người trong gia đình mới được minh oan và được Viện KSND tỉnh Tây Ninh công khai xin lỗi.

Ông Dũng buồn bã rời phiên tòa

Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Ngày 12.3.2020, Viện KSND tỉnh Tây Ninh ra quyết định bồi thường oan sai cho ông Dũng số tiền 1,059 tỉ đồng. Những người trong gia đình ông Dũng đều đã đồng ý với các mức bồi thường khác nhau.
Tuy nhiên, riêng ông Dũng không chấp nhận số tiền bồi thường nêu trên nên ngày 25.3.2020, ông Dũng làm đơn khởi kiện Viện KSND tỉnh Tây Ninh ra TAND tỉnh Bình Dương đòi bồi thường số tiền 10,952 tỉ đồng.
Sau 2 lần hoãn phiên tòa, sáng 13.5, TAND tỉnh Bình Dương đã mở lại phiên tòa trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 phức tạp và công tác phòng chống dịch tại phiên tòa được kiểm soát hết sức nghiêm ngặt.

Những chữ ký khép lại hơn 40 năm mỏi mòn trong vụ án oan

Chưa xác minh tài sản thiệt hại, giám định sức khoẻ và tâm thần

Trình bày trước HĐXX ngày 13.5, ông Dũng cho rằng trước khi bị bắt giam, ông Dũng đang làm du kích xã Đôn Thuận (H.Trảng Bàng, nay là TX.Trảng Bàng) được hưởng trợ cấp, phụ cấp hàng tháng.
Sau khi được trả tự do (năm 1983) ông Dũng phải bỏ quê từ Tây Ninh sang Bình Dương (xã Minh Tân, H.Dầu Tiếng, Bình Dương) để làm thuê làm mướn kiếm sống và xây dựng gia đình.

Vợ chồng ông Dũng có mặt tại tòa từ sáng sớm nhưng chưa được vào trong do phòng chống dịch Covid-19.

Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Theo ông Dũng, trong thời gian này ruộng vườn của gia đình ông bị người khác xâm chiếm không còn đất đai để canh tác, nhà cửa, ghe xuồng cũng bị mất hết.
Do bị người ở quê nghi ngờ liên quan đến vụ cướp nên ông Dũng không dám ở quê (H.Trảng Bàng) mà sang Bình Dương làm thợ hồ, phụ hồ cho đến năm ông 58 tuổi, sức khoẻ giảm sút, bị bệnh nên ông Dũng phải nghỉ làm.
Đáng chú ý, khai nhận trước HĐXX và trong đơn khởi kiện, ông Dũng cho rằng trong quá trình bị bắt giam ông đã bị công an đánh đập, ép cung, bị ho ra máu, đau tức lồng ngực…
Ông Dũng cho biết đến nay ông vẫn còn bị ho ra máu và đau tức lồng ngực. Đã nhiều lần ông Dũng đến bệnh viện để khám, điều trị nhưng do bệnh viện thông báo viện phí quá cao, ông Dũng lại không có tiền chữa trị nên cứ để bệnh đau triền miên như vậy cho đến nay.
Tại phiên tòa, luật sư bảo vệ quyền lợi và người đại diện pháp luật cho ông Dũng đã đặt ra nhiều câu hỏi đối với đại diện Viện KSND tỉnh Tây Ninh, đồng thời cho rằng khi áp đặt mức bồi thường 1,052 tỉ đồng cho ông Dũng, Viện KSND tỉnh Tây Ninh chưa đưa ông Dũng đi giám định sức khỏe, tâm thần và chưa xác minh tài sản, thu nhập của ông Dũng bị mất trong quá trình tạm giam và chưa được minh oan… là chưa làm hết trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Đại diện Viện KSND Tây Ninh cho rằng ông Dũng không cung cấp những thông tin về thu nhập, bị đánh đập, nhục hình… nên việc xác định mức bồi thường được tính theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, hầu hết các câu hỏi của luật sư đưa ra, đại diện Viện KSND tỉnh Tây Ninh đều cho rằng “không cần thiết phải trả lời”.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX yêu cầu ông Dũng cung cấp các chứng cứ, chứng từ chứng minh tài sản, thu nhập… của ông bị mất trong quá trình bị oan và cung cấp danh tính, địa chỉ của những người đã ép cung, đánh đập ông Dũng trong thời gian bị tạm giam, để có cơ sở mở lại phiên xét xử sau 30 ngày tiếp theo.
Theo vị luật sư tham gia phiên tòa, sau 1 tháng nữa ông Dũng khó có thể cung cấp được các chứng cứ về thu nhập, tài sản của mình từ trước năm 1979 do thời gian quá lâu.
Tuy nhiên, vị luật sư khẳng định trong phiên tòa tới sẽ HĐXX sẽ triệu tập những tổ chức, cá nhân có liên quan đến oan sai của ông Dũng đến phiên tòa để làm rõ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.