Người bệnh ung thư cần tránh ăn gì?

13/10/2022 18:14 GMT+7

Chế độ ăn uống, dinh dưỡng khá quan trọng ở người bệnh ung thư, nhất là trong giai đoạn điều trị...

Ai có yếu tố nguy cơ mắc bệnh ung thư?

Những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh ung thư gồm: Người nghiện thuốc lá hoặc người thường xuyên bị hít khói thuốc lá; Trong gia đình có người mắc bệnh ung thư (ông bà, cha mẹ hoặc anh chị em); Người thường xuyên ăn thức ăn sống nhiễm ký sinh trùng hoặc chứa chất hóa học độc hại, lạm dụng rượu bia...

Đó là thông tin được nêu ra tại chương trình tập huấn về “Truyền thông, giáo dục sức khỏe về dinh dưỡng cho người bệnh..." tại TP.HCM trong 2 ngày (13-14.10). Chương trình do Câu lạc bộ Điều dưỡng trưởng Việt Nam phối hợp cùng Vinamilk và các bác sĩ chuyên gia về dinh dưỡng thực hiện, tham dự là các học viên, chuyên gia, bác sĩ, nhân viên y tế đến từ bệnh viện các tỉnh, thành, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của dinh dưỡng trong điều trị...

TS-BS Lưu Ngân Tâm trình bày tại chương trình tập huấn

kv

Theo tham luận TS-BS Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM): Tiên lượng điều trị cho người bệnh ung thư sẽ tốt hơn nếu phát hiện bệnh sớm, được điều trị tại các cơ sở chuyên sâu. Bên cạnh đó, biện pháp hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân, nâng đỡ cơ thể bằng dinh dưỡng, hoặc vận động hợp lý sẽ giúp tăng khả năng đáp ứng tốt với điều trị, khả năng "chống đỡ bệnh tật" và nâng cao chất lượng sống của người bệnh.

Người bệnh ung thư tránh ăn gì?

Theo TS-BS Lưu Ngân Tâm, bệnh ung thư khiến người bệnh biếng ăn (ăn không ngon, hoặc không muốn ăn) - là do khối u gây ra hoặc do tác dụng phụ của quá trình điều trị, do bệnh nhân chán nản, trầm cảm... Hậu quả khiến người bệnh sụt cân, suy dinh dưỡng, hoặc suy kiệt nặng, khiến họ có thể tử vong trước cái chết do bệnh ung thư gây ra (chiếm khoảng 20%).

Với người bệnh ung thư cần cung cấp cho cơ thể năng lượng, các chất dinh dưỡng để ngừa suy dinh dưỡng, đồng thời tăng cường miễn dịch. Năng lượng (Kcal) cần: từ 30-35 Kcal/kg/ngày. Chất đạm (protid) cần: 1,3-1,5 gr/kg/ngày (người bình thường chỉ cần 1,0-1,2 gr/kg/ngày). Chất béo (lipid) cần như thông thường (20-30% tổng năng lượng). Chất bột đường: dùng như thông thường, chỉ giảm bớt ở người có kèm đái tháo đường (cần thêm bác sĩ hướng dẫn). Dùng đầy đủ vitamin, khoáng chất, chất xơ theo nhu cầu của người bình thường. Lượng nước uống: tầm 2 lít/ngày hoặc có thể nhiều hơn nếu người bệnh nôn ói, tiêu chảy.

Cần dùng nhiều rau quả tươi để cung cấp vitamin, khoáng chất

kv

Vận động, tập luyện khi có thể đều đặn như đi bộ (có thể tập trong nhà)... để cải thiện miễn dịch, tinh thần.

Về chọn thực phẩm, món ăn, lưu ý: Người bệnh ung thư tránh các thức ăn còn sống như cá, hải sản sống, đặc biệt trong giai đoạn đang điều trị - vì dùng những món sống đó khiến người bệnh rất dễ nhiễm khuẩn, ký sinh trùng, trong lúc hệ thống miễn dịch của họ bị suy giảm.

Tránh dùng món bị khét, cháy

kv

Người bệnh ung thư cần ăn uống đa dạng. Dùng thức ăn giàu đạm động vật như trứng, thịt, cá, sữa.. thường xuyên hơn nếu bệnh nhân ung thư có thiếu máu và cần hồi phục sức khỏe sau mổ, đang điều trị. Có thể dùng đạm thực vật (với người ăn chay) như đậu hũ, đỗ... Với món ăn giàu béo nên dùng dầu thực vật, dùng thường xuyên cá giàu acid béo Omega 3. Tăng cường rau củ quả, trái cây và thay đổi thường xuyên để cung cấp đủ vitamin, khoáng chất...

Những thực phẩm người bệnh ung thư cần hạn chế, hoặc không nên dùng:

  • Tránh các thức ăn còn sống (như thịt, cá, hải sản còn sống), đặc biệt trong giai đoạn đang điều trị
  • Không dùng món ăn cháy, khét, hoặc bị ôi thiu, mốc
  • Không dùng dầu ăn cũ
  • Hạn chế rượu bia
  • Hạn chế thực phẩm chế biến công nghiệp, đóng gói sẵn (thịt xông khói, thịt nguội...)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.