Người bảo vệ dân phố ra đi mãi khi đang chống dịch: Lời đoàn tụ dở dang

11/09/2021 11:08 GMT+7

Anh Nguyễn Phú Hiếu, Ban bảo vệ dân phố P.Tân Thới Nhất, Q.12 (TP.HCM) căng mình chống dịch suốt mấy tháng qua. Đến khi qua đời, anh vẫn dang dở việc đoàn tụ với gia đình.

Tối 4.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định truy tặng bằng khen cho 18 cá nhân có đóng góp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM. Một trong số đó là anh Nguyễn Phú Hiếu, Ban bảo vệ dân phố P.Tân Thới Nhất, Q.12, người luôn căng mình ở các chốt trực, tận tâm với người dân. 

TP.HCM: Thêm 3.700 ca Covid-19 xuất viện, tổng cộng 144.024 bệnh nhân hồi phục

Gia đình chưa kịp đoàn tụ

Trưa 9.9, chúng tôi tìm đến nhà anh Hiếu nằm trong con hẻm thuộc P.Tân Thới Nhất, Q.12. Nghe tiếng gõ cửa, chị Võ Thị Ngọc Hà (vợ anh Hiếu), gương mặt tiều tụy, cặp mắt đỏ hoe tiếp chuyện chúng tôi.
Theo lời chị Hà, vợ chồng chị kết hôn năm 2003 và có 2 con nhỏ. Đến năm 2018, để các con tiện việc học, chị Hà đưa hai con về quê ngoại ở Tây Ninh rồi ở lại quê để chăm sóc, đưa đón các con đi học. Suốt 4 năm qua, vợ chồng chị không mấy khi được gặp nhau, 2 con thì lúc về thăm cha, lúc ở với mẹ.
Đợt dịch thứ 4 bùng phát, anh Hiếu làm trưởng ban bảo vệ dân phố nên bận đủ thứ việc. “Thời gian đó, anh Hiếu bận đến mức gọi điện thoại, nhắn tin cũng không kịp trả lời. Mỗi lần gọi được cho chồng, không phải anh đang đi trực ở các điểm phong tỏa thì cũng đi phát quà cho người dân khó khăn trong khu phong tỏa. Anh Hiếu chỉ nói anh còn sức khỏe thì cứ cố gắng lo cho người dân rồi vội gác máy để làm tiếp công việc. Trực ở các điểm phong tỏa sáng đêm, nên anh ấy mang theo cái võng để tối lấy ra mắc lên mà ngủ”, chị Hà nói.

Anh Nguyễn Phú Hiếu, Ban bảo vệ dân phố P.Tân Thới Nhất, Q.12 trao quà cho các hộ khó khăn trên địa bàn phường

GIA ĐÌNH CUNG CẤP

Chị Hà kể, trước đây, gia đình chị ở trong căn nhà cấp 4, chật chội. Sau khi vợ con về quê, anh Hiếu ngoài làm ở ban bảo vệ dân phố, còn đi làm thêm đủ nghề như sửa điện, chạy xe ôm tích cóp tiền để sửa sang lại nhà cửa, đón vợ con lên ở cùng, gia đình đoàn tụ. Đến đầu tháng 7 khi căn nhà sửa gần xong, anh Hiếu nhắn tin, gọi điện giục 3 mẹ con dọn về nhà mới ở.
Thời gian đó dịch vẫn còn, nên anh Hiếu vẫn đi làm suốt từ 6 giờ đến 8 giờ tối. Về thì điện thoại anh cứ reo liên tục, người dân hỏi hồ sơ nhận tiền hỗ trợ, rồi việc bên phường nhờ đi hỗ trợ công việc, anh Hiếu lại phải chạy đi. “Anh về nhà, nhận được điện thoại thì lại đi, bỏ cả cơm tối mà chạy đi làm. Cả nhà sống xa cách nhau 4 năm trời, gặp lại cũng chưa ăn được một bữa cơm gia đình với nhau…”, chị Hà ngậm ngùi.
Đến đầu tháng 8, lúc đó anh Hiếu vẫn đi trực chốt nhưng anh nói cảm thấy trong người mệt, không trực nổi ca đêm. Anh Hiếu ho nhiều nên xin nghỉ rồi đi test Covid-19, cả nhà 4 người thì anh Hiếu và chị Hà dương tính. Chị Hà và chồng ở phòng khách, còn hai con cách ly ở phòng khác. "Lúc phát bệnh, anh Hiếu mệt lắm, nhưng anh vẫn nói là ráng khỏe để còn tiếp tục công việc ở phường, rồi lo cho 3 mẹ con. Nhưng đến 5 giờ 30 sáng 13.8, anh ấy mất… Anh mất, tôi phải đi cách ly điều trị, 2 con gửi ông bà nội chăm sóc. Đến ngày đưa tro cốt anh về nhà, tôi vẫn còn đang ở khu cách ly không về được”, chị Hà kể.
Từ lúc anh Hiếu mất, chị Hà lo toan, gánh vác luôn chuyện nhà cửa, nuôi dạy 2 con. Chị Hà dự định sẽ thu xếp mọi chuyện, sửa nhà cho xong, đi tìm việc làm ổn định để nuôi dạy con, cho anh Hiếu được yên lòng. 

Đi làm thâu đêm, không có ngày nghỉ

Anh Hiếu không chỉ làm ở ban bảo vệ dân phố, mà còn kiêm luôn công việc Chi Hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ, P.Tân Thới Nhất, Q.12. Theo bà Nguyễn Thị Lâm Hoa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ P.Tân Thới nhất, anh Hiếu chỉ mới nhận nhiệm vụ từ đầu năm 2021, nhưng là người tận tâm với công việc, không nề hà khó nhọc. 
“Cơ quan phân công anh Hiếu đến hỗ trợ chỗ nào là anh ấy đi ngay. Vừa trực chốt phong tỏa, vừa xoay tua để chăm lo, người nghèo, người bán vé số, tàn tật… hỗ trợ công tác tặng quà, phân phối thực phẩm vô các khu phong tỏa. Những trường hợp phản ánh qua đường dây nóng 1022, anh Hiếu đều nhận danh sách rồi đi xác minh, gửi lại cho phường hỗ trợ”, bà Hoa nói.
Là người gắn bó với anh Hiếu suốt 8 năm ở Ban bảo vệ dân phố P.Tân Thới Nhất, Q.12, anh Hồ Ngọc Thanh, phó ban bảo vệ dân phố cho biết anh Hiếu là người nhiệt tình, xông xáo. “Tôi và Hiếu thường đi trực chung, vào đợt dịch thì đi trực cùng nhau ngày đêm ở chốt, nên gắn bó với nhau như anh em trong gia đình. Đội bảo vệ dân phố của phường chỉ có 5 người, giờ Hiếu mất rồi thì chỉ còn 4 người. Tôi làm luôn phần việc của Hiếu”, anh Thanh nói.

Ngoài làm công việc ở ban bảo vệ dân phố, anh Hiếu còn kiêm luôn việc ở Hội chữ thập đỏ của phường, hỗ trợ phát nhu yếu phẩm các khu trọ khó khăn

GIA ĐÌNH CUNG CẤP

Đợt dịch thứ 4, P.Tân Thới Nhất, Q.12 là một trong những điểm nóng của quận, các anh em trong ban bảo vệ dân phố phải căng mình ngày đêm cắm trực chốt phong tỏa, rồi phụ giúp khu phố phát quà, vận chuyển rau, củ cho hộ dân khó khăn. “Ở mấy khu phong tỏa có F0, nguy cơ lây nhiễm cao, mọi người đôi lúc không dám vào, còn Hiếu mặc đồ bảo hộ vào bên trong phát luôn. Hiếu nói, nếu mình sợ thì người dân trong đó đói, ai lo”, anh Thanh nhớ lại.
Dịch giã kéo dài, ban bảo vệ dân phố chỉ có 5 người, thu nhập ít ỏi nhưng việc thì nhiều. Anh Thanh kể, mỗi lần ngơi bớt công việc, anh em ngồi nghĩ lại công việc đang làm lúc dịch, lại thấy lo. Hiếu còn động viên, dặn dò đi làm trong lúc dịch phải kỹ, đừng tiếp xúc gần, giữ khoảng cách an toàn cho mình.
Nhưng đến đầu tháng 8, Hiếu nhiễm bệnh và cách ly tại nhà. Anh Thanh mua thuốc men, đồ ăn gửi tới đến nhà, ngày nào cũng gọi điện thoại dặn dò, có gì báo liền nha anh em còn chạy tới chạy lui giúp. Hiếu cứ nói mình ổn, nhưng tầm 10 ngày sau, anh Thanh nhận được tin nhắn báo Hiếu qua đời.  
"Hôm đưa tro cốt của Hiếu về nhà, tôi là người ôm di ảnh của Hiếu, người từng gắn bó với mình suốt mấy năm qua, đi đâu làm công tác gì cũng có nhau, như anh em ruột rà. Đau xót hơn, Hiếu mất, bỏ lại vợ và 2 con thơ đang tuổi ăn, tuổi học…”, anh Thanh chia sẻ về người đồng nghiệp bảo vệ dân phố tận tâm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.