Thái Bình: Ngư dân làng chài Diêm Điền 'nín thở' sau 7 lần xăng tăng giá

09/04/2022 09:26 GMT+7

Rất nhiều ngư dân ở làng chài Diêm Điền (H.Thái Thụy, Thái Bình) không thể nhổ neo xa khơi đánh bắt thủy, hải sản sau 7 lần xăng tăng giá . Cuộc sống của người dân nghèo ven biển đang dần lâm vào cảnh khốn khó trước cơn bão giá nhiên liệu.

Gần 1 tháng nay, nhiều buổi sáng, ngư dân Trần Văn Cường (50 tuổi, khu 9, TT.Diêm Điền, H.Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) lại lặng lẽ ra đường bao biển trước nhà nhìn ngắm con tàu công suất 200 CV của gia đình đang nằm im gối bãi.

Con tàu của ông Cường cùng hàng trăm tàu khác đang gối bãi vì giá xăng, dầu tăng cao

C.H

Tàu thuyền "chết lâm sàng" vì giá nhiên liệu tăng chóng mặt

Sinh ra ở vùng quê làm nghề đi biển nên từ lúc thanh niên, ông Cường đã theo cha và các anh em ra khơi xa, đánh cá kiếm sống. Đến giờ, ông và gia đình vẫn chỉ biết trông vào nghề này.

Trước đây, khi giá dầu ổn định, việc đánh bắt cũng túc tắc. Mỗi chuyến xa khơi, ông Cường chi các khoản hết khoảng 20 triệu đồng, trong đó khoảng 16 triệu đồng tiền dầu. Sau khi trả công cho mọi người, ông còn lận lưng được 2 - 3 triệu đồng. Trung bình mỗi tháng đi biển 10 - 12 chuyến, ông Cường tích cóp được 20 - 30 triệu đồng.

Nhưng đó là câu chuyện của năm cũ. Suốt từ đầu năm đến nay, 7 lần xăng tăng giá liên tiếp, giá dầu đạt đỉnh hơn 25.000 đồng/lít (gấp đôi so với năm 2021) khiến gia đình ông lao đao. Chưa kể, năm nay tôm cá rất ít, nhiều người đánh bắt bằng hình thức giã cào, cộng thêm nhiều dân chài ở Đồ Sơn (Hải Phòng) dạt qua Thái Bình dùng rọ bắt cá khiến lượng hải sản giảm rất nhiều.

“Từ tết Nguyên đán đến giờ, gia đình tôi mới 3 lần ra khơi đánh bắt, nhưng sau mỗi chuyến, tiền hải sản thu về không bù được tiền dầu. Chuyến đầu tôi lỗ 5 triệu, chuyến thứ 2 lỗ 6 triệu, chuyến thứ 3 lỗ 9 triệu. Bây giờ tôi không dám đi nữa”, ông Cường buồn bã. Không thể “gồng lỗ” được nữa, ông đành phải để tàu gối bãi chờ xăng dầu hạ nhiệt.

Hoàn cảnh của ông Cường hiện cũng là tình trạng chung của cả trăm hộ gia đình dân chài của TT.Diêm Điền.

cảng cá Tân Sơn (xã Thụy Hải, H.Thái Thụy) giờ không còn cảnh tấp nập "trên bến dưới thuyền" như trước đây. Những ngày này, hàng chục con tàu im lìm nằm gối bãi. Giá nhiên liệu tăng cao làm tàu thuyền ở đây, đặc biệt là những con tàu lớn, "chết lâm sàng".

Trong khi đó, những con tàu công suất nhỏ hơn vẫn cố gắng vươn khơi, ngư dân mong thu lượm được chút hải sản để bươn chải qua ngày.

Chồng và con của bà Hồi vẫn cố gắng ra khơi mỗi ngày với hy vọng "lượm lặt" được ít tiền để trang trải trả lãi ngân hàng

C.H

Bà Nguyễn Thị Hồi (51 tuổi, khu 9, TT.Diêm Điền, H.Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) rầu rĩ khi nghĩ đến việc làm ngư suốt thời gian qua. Bà cho biết, tàu của gia đình bà có công suất 300 CV, tuy máy lớn nhưng vỏ tàu lại nhỏ. Do đó, năm 2021 gia đình bà tích cóp, vay thêm ngân hàng được 800 triệu đồng mua lại chiếc tàu cũ có vỏ tàu lớn hơn để làm ăn.

Nhưng dịch Covid-19 chưa dứt thì đến xăng, dầu tăng giá liên tiếp, gia đình bà ngày càng khó khăn. Mấy tháng nay, gia đình bà Hồi phải chạy vạy khắp nơi vay, mượn tiền mỗi đợt đến kỳ hạn lãi ngân hàng.

Những ngày qua, dù mấy chục con tàu gối bãi nhưng chồng bà Hồi hơn 70 tuổi vẫn cùng các con trai quyết nhổ neo ra khơi đánh bắt.

“Lần trước đi, lỗ mấy triệu tiền dầu, nhưng tôi bảo các con vẫn phải cố gắng, biết đâu lần này ăn may, gặp luồng cá thì gỡ lại được. Sáng nay tàu về, bán hải sản đi thu lại 16 triệu đồng, trừ 15 triệu chi phí tiền dầu, chưa trừ tiền đá ướp cá (500.000 đồng - PV), 4 người lênh đênh trên tàu hơn 1 ngày thu về được 1 triệu bạc. Lấy công làm lãi thôi”, bà Hồi tâm sự.

Ngư dân Nguyễn Văn Dưỡng (47 tuổi, khu 9, TT.Diêm Điền, H.Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) cho biết, đầu năm 2021, gia đình ông đầu tư tàu lớn hơn 1 tỉ đồng, công suất trên 200 CV, đánh bắt tại vùng biển Thái Bình cách bờ 8 - 15 hải lý.

Ngư dân Nguyễn Văn Dưỡng đầu tư đóng tàu lớn, hy vọng đánh bắt xa bờ, thu về nhiều hải sản, nhưng vướng dịch Covid-19, sau đó đến giá xăng dầu tăng vọt

C.H

Ông Dưỡng đóng tàu lớn hơn với hy vọng có thể ra khơi xa đánh bắt được nhiều cá. Tuy nhiên, trước tình trạng xăng dầu tăng như hiện nay, ông cũng không dám liều đi đánh bắt.

Theo ông Dưỡng, giá nhiên liệu, vật tư tăng cao khiến tổng chi phí cho mỗi chuyến đi biển tăng khoảng 20%, ngư dân lại khó khăn thêm: “Tôi hy vọng nhà nước có phương án hỗ trợ người dân hoặc sớm giảm giá xăng, dầu để chúng tôi có thể tiếp tục quay trở lại công việc của mình, để cuộc sống của ngư dân sớm trở lại ổn định”.

Xăng giảm nhưng dầu lại tăng "phi mã"

Từ 0 giờ ngày 1.4, Liên bộ Công thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu theo hướng giảm giá tất cả mặt hàng xăng, trong khi tăng mạnh giá dầu. Cụ thể, xăng E5RON92 giảm 1.021 đồng/lít về 27.309 đồng/lít, xăng RON95 giảm 1.039 đồng/lít còn 28.153 đồng/lít. Trong khi đó, dầu hỏa tăng 1.519 đồng, lên 23.764 đồng/lít, dầu diesel lên 25.080 đồng/lít, tăng 1.447 đồng.

Mòn mỏi chờ phương án hỗ trợ

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Văn Quy, Chủ tịch UBND TT.Diêm Điền, cho biết từ tết Nguyên đán đến nay, xăng dầu tăng cao khiến cuộc sống của ngư dân địa phương liên tục gặp khó khăn. Trong tết Nguyên đán, ngư dân gặp khó do giá sản phẩm đánh bắt về thiếu ổn định bởi tác động của dịch Covid-19. Khi vướng mắc này chưa được giải quyết thì giá xăng dầu tăng cao, nhiều ngư dân chấp nhận cho tàu nằm bờ để tránh thua lỗ.

Theo thống kê, TT.Diêm Điền có hơn 100 tàu thuyền có chiều dài 15 m trở lên; hơn 20 tàu có chiều dài từ 12 - 15 m. Ước tính mỗi chuyến đi biển, ngoài các khoản chi phí như nhân công, thực phẩm…, thì nhiên liệu chiếm từ 60 - 70% chi phí.

“Nơi đây có khoảng hơn 10% ngư dân tham gia đánh bắt trực tiếp ngoài biển khơi, số còn lại làm nghề dịch vụ và chế biến. Tuy nhiên, nếu tàu thuyền không thể xa khơi thì ngành nghề dịch vụ khác cũng bị ảnh hưởng”, ông Quy nói.

Ông Quy chia sẻ thêm, trước tình hình người dân gặp khó khăn, là lãnh đạo cấp địa phương, ông không tránh khỏi những lo lắng: "Tôi hy vọng các cơ quan ban ngành có thẩm quyền sớm đưa ra phương án hỗ trợ ngư dân để họ ổn định cuộc sống”, ông Quy nói.

Tỉnh Thái Bình có trên 50 km bờ biển với 2 huyện ven biển là Thái Thụy, Tiền Hải. Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 1.100 tàu thuyền của ngư dân khai thác thủy sản với trên 3.500 lao động làm ăn trên biển. Trong đó, chủ yếu các tàu thuyền chỉ khai thác phạm vi gần, thời gian mỗi chuyến đi ngắn từ 1- 3 ngày.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.