Ngổn ngang do sạt lở, lũ quét

30/09/2022 06:22 GMT+7

Hôm qua 29.9, người dân và chính quyền các huyện vùng cao Quảng Nam vẫn khẩn trương khắc phục tình trạng sạt lở nghiêm trọng nhiều tuyến đường, lũ tràn vào nhà dân, hư hỏng đường dây điện và các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt…

Sáng qua, tuyến đường ĐT606 từ trung tâm H.Tây Giang (Quảng Nam) lên các xã vùng biên giới Việt - Lào tiếp tục sạt lở nhiều vị trí, đất đá tràn xuống đường gây chia cắt hoàn toàn. Các tuyến đường ĐH cũng xuất hiện hàng loạt điểm sạt lở. Mưa lũ lớn khiến tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã A Vương ngập sâu 1 m, giao thông lên trung tâm huyện bị chia cắt. Tại các vị trí sạt lở, ngập sâu, cầu cống bị cuốn trôi, chính quyền địa phương tạm thời cắm biển cảnh báo nguy hiểm.

Tuyến QL14D ở Quảng Nam sạt lở nghiêm trọng

NAM THỊNH

Tại địa bàn H.Nam Giang, giao thông tiếp tục ách tắc do tuyến đường QL14D đoạn từ Bến Giằng lên cửa khẩu quốc tế Nam Giang và 8 xã vùng cao sạt lở nghiêm trọng. Tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn từ Bến Giằng đến thôn xã Cà Dy) bị sạt lở tại 11 điểm, trong đó có 4 điểm sạt lở nặng, hàng nghìn khối đất đá tràn xuống lòng đường... Ông Nguyễn Đăng Chương, Phó chủ tịch UBND H.Nam Giang, cho biết địa phương đã huy động các phương tiện cơ giới để khắc phục tạm thời. "Các điểm sạt lở khá nhiều, có đoạn đứt gãy với khối lượng đất đá lớn nên việc thông tuyến còn nhiều khó khăn”, ông Chương nói.

Lý Sơn đã có điện trở lại

Hôm qua, trao đổi với Thanh Niên, bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), cho biết 2 ngày qua địa phương đã huy động mọi phương tiện và lực lượng giúp người dân sửa chữa nhà cửa để ổn định cuộc sống; sửa chữa khắc phục đường giao thông, đường dây điện và các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt… “Điện đã có lại (ngày 29.9), nhưng còn quá nhiều ngổn ngang sau bão, mất rất nhiều thời gian để khôi phục”, bà Hương nói.

Trong cơn bão số 4 vừa qua, huyện đảo Lý Sơn bị thiệt hại ước tính tổng cộng khoảng 62 tỉ đồng. Trong đó, có 250 nhà dân bị tốc mái; 70 ha hành vụ hè thu bị hư hại hoàn toàn; 16 tàu, thuyền bị chìm; hệ thống kênh mương thoát nước nội đồng và một số tuyến mương bị phá vỡ, bồi lấp và hệ thống giao thông phía đông nam đảo bị hỏng một số cống thoát nước...

Để chủ động ứng phó các đợt mưa lũ sắp tới, hôm qua UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các chủ hồ chứa thủy điện Sông Bung 4, A Vương, Đak Mi 4 hạ dần mực nước trong hồ, đến trước 19 giờ ngày 6.10 các hồ phải về “cao trình mực nước cao nhất trước lũ” để đảm bảo dung tích đón lũ. Tuy nhiên, việc vận hành phải đảm bảo yêu cầu không gây dòng chảy đột biến, bất thường. Giải thích nguyên nhân buộc các hồ chứa xả lũ sớm, ông Trương Xuân Tý, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho biết đợt mưa vừa rồi các hồ thủy điện giữ lại nước hồ để giảm ngập lụt cho hạ du; hiện vùng hạ du đang ổn định (dưới báo động 1) nên phải hạ mực nước hồ xuống để đúng quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.