Ngổn ngang di tích Hải Vân quan

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
16/05/2018 06:19 GMT+7

Sau hơn 1 năm được công nhận di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia, Hải Vân quan vẫn chỉ là một điểm tham quan du lịch tự phát, khung cảnh lộn xộn, bát nháo...

Du khách vô tư xâm hại
Di tích Hải Vân quan nằm ngay đỉnh đèo, phía bắc là Thừa Thiên-Huế, phía nam là biển Đà Nẵng, mỗi ngày thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan. Do không được quản lý vì chồng lấn địa giới hành chính nên tình trạng tham quan bát nháo đã diễn ra suốt một thời gian dài.
Trong khi cổng Thiên hạ đệ nhất hùng quan được khoanh vùng để khai quật thì cổng Hải Vân quan vẫn bị du khách vô tư xâm hại. Có thể dễ dàng nhận thấy nhiều phần gạch bị mục ruỗng, mòn nhẵn do du khách giẫm đạp. Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh hàng chục người leo trèo lên lô cốt nằm trong khu di tích để chụp ảnh mà không có bất kỳ sự ngăn cản nào từ cơ quan chức năng.
Ông Lê Văn Nghĩa, Phó chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu kiêm Trưởng ban Quản lý Khu di tích và du lịch Hải Vân quan, cho biết trước đây quận đã chỉ đạo P.Hòa Hiệp Bắc và Phòng VH-TT quận thành lập tổ quản lý gồm công an, dân phòng, bộ đội biên phòng trực tại khu di tích.
“Sau khi được công nhận là di tích cấp quốc gia, Hải Vân quan đón lượng khách rất đông. UBND quận đã thành lập ban quản lý và thuê 2 người bảo vệ trực 24/24 giờ tại di tích. Mới đây, báo chí phản ánh về tình trạng mất vệ sinh tại di tích, quận đã chỉ đạo Phòng TN-MT tăng cường thùng rác cho khu di tích. Nhân viên bảo vệ cũng hướng dẫn và ngăn cản việc du khách leo trèo lên di tích để chụp hình nhưng không xuể…”, ông Nghĩa nói.
Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế Phan Thanh Hải nhìn nhận: “Hiện việc tham quan, du lịch tại Hải Vân quan là hoàn toàn tự phát. Hàng quán lung tung, bãi đỗ xe tạm bợ… nên cần phải có quy hoạch tổng thể để làm dịch vụ phù hợp, như có bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, đường thoát hiểm…”.
Có nên đập bỏ các lô cốt ?
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng, cho biết không riêng người dân mà ngành văn hóa TP cũng “rất sốt ruột” vì công tác trùng tu, bảo vệ di tích quá chậm. Ngoài việc thành lập ban quản lý di tích thì hiện nay bước đầu tiên sau khi công nhận di tích là khai quật khảo cổ chỉ mới vừa được triển khai vài ngày. Ông Hùng cũng cho rằng, do chưa có tiền lệ về việc 2 địa phương cùng sở hữu một di sản vật thể nên công tác phối hợp còn nhiều lúng túng, chậm trễ. Cùng với đó, tình trạng khai thác du lịch một cách tự phát vẫn chưa được chấn chỉnh do 2 địa phương chưa thống nhất được quy chế.
“Ngày 4.5 vừa qua, các bên liên quan đã tiến hành khởi công, mở hố thám sát khai quật khảo cổ tại cổng chính hướng về phía Thừa Thiên-Huế với kinh phí 2 tỉ đồng. Song song đó, chúng tôi cũng đã thuê tư vấn thiết kế lập dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích sau khi có kết quả khai quật”, ông Hùng nói.
Sau nhiều năm hoang phế, lần đầu tiên Hải Vân quan được đào thám sát với quy mô cấp Bộ chủ trì, diện tích khai quật 600 m2. Ông Phan Thanh Hải cũng cho hay, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ phối hợp Bảo tàng Lịch sử quốc gia hoàn thành khai quật trước ngày 3.9.2018. Theo thông tin ban đầu, hiện di tích này đang bị vùi lấp khá sâu so với hiện trạng ban đầu với độ lấp phủ đến 3 m. Liên quan đến những lô cốt được xây dựng thêm trong chiến tranh được cho là “không cấu thành yếu tố gốc” di tích đang xuống cấp nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm cho du khách, ông Hải cho biết đã có ý kiến nên đập bỏ những công trình này. Theo ông Hải, bản chất của Hải Vân quan là một cứ điểm phòng thủ triều Nguyễn, là lá chắn để bảo vệ kinh đô Huế. Do tính chất đã nói trong lịch sử, Pháp và Mỹ xây dựng các lô cốt để làm thành cứ điểm. “Các lô cốt này do Bộ Quốc phòng quản lý. Tại Huế, khi chúng tôi trùng tu có những lô cốt được đắp thì đều phải xin phép và được đồng ý của Bộ Quốc phòng. Kinh phí di dời đến 200 triệu đồng/lô cốt”, ông Hải thông tin thêm.
Cũng theo ông Hải, sau khi khảo cổ học và xây dựng phương án tổng thể, vấn đề về các lô cốt sẽ được đưa ra để trao đổi với những nhà khoa học. Qua đó sẽ xem xét hiện trạng để ra phương án có nên đập bỏ hoàn toàn hay nên giữ lại một phần, đập bỏ một phần.
Xuất lộ chân móng Hải Vân quan và dấu tích con đường thiên lý
Dấu tích chân móng Ảnh: P.T.H
Ngày 15.5, ông Phan Thanh Hải cho biết sau 2 tuần đào thám sát khảo cổ học di tích Hải Vân quan, các nhà khảo cổ đã tìm thấy chân móng cổng phía nam, hướng Đà Nẵng (hướng cổng khắc 6 chữ Thiên hạ đệ nhất hùng quan). Cụ thể, hố đào thám sát chân móng di tích Hải Vân quan (phía nam) đã xuất lộ bậc cấp bằng đá, móng cổng và lối đi lên di tích. Ở hố đào phía bắc (phía Thừa Thiên-Huế) cũng xuất lộ dấu tích của con đường thiên lý bắc nam. Ông Hải cho biết: "Đợt khai quật nhằm mục đích làm phát lộ các dấu vết của tường thành, bậc cấp, đồn phòng thủ của Hải Vân quan, phục vụ việc nghiên cứu và xây dựng dự án quy hoạch trùng tu tổng thể công trình". Bùi Ngọc Long
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.