Ngọn gió lành đất thép Củ Chi

18/08/2005 22:42 GMT+7

Những ngày này, khi cả nước đang kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập lực lượng Công an Nhân dân (19.8.1945 - 19.8.2005), một chiến sĩ công an trẻ đất thép Củ Chi đã vĩnh viễn ra đi trong lúc thực thi nhiệm vụ...

Đó là anh Nguyễn Hoài Phong (28 tuổi) - cảnh sát khu vực, đối tượng Đảng, đoàn viên ấp 3, xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM. Túc trực tại đám tang anh Phong là những đồng đội đã cùng anh truy bắt đối tượng phạm pháp hung hãn trong buổi chiều định mệnh 15.8. Kìm nén xúc động, các anh đã kể cho chúng tôi diễn biến cụ thể trong trận chiến cuối cùng của anh Phong. Sau khi nhận được tin báo Trần Văn Sơn - đối tượng nghiện ma túy trốn trường cai nghiện Phú Giáo và đang xuất hiện trên địa bàn, anh Phong được phân công cùng đồng đội truy bắt. Anh Phong đã cùng đồng đội đuổi theo tên Sơn (trên xe tên Sơn chở theo Đỗ Văn Thân - ngụ tại ấp Chợ xã Trung An, Củ Chi). Đến ấp 3A xã Tân Thạnh Tây thì anh Phong cùng đồng đội áp sát xe của Sơn và ra lệnh dừng xe, nhưng xe vẫn chạy. Anh Phong đã dũng cảm nhảy xuống xe, đứng giữa đường chặn Sơn và Thân. Tuy nhiên, tên Sơn ngoan cố ủi thẳng xe vào Phong; còn tên Thân thì cầm dao xếp đâm thẳng vào bụng anh rồi bọn chúng rồ ga tẩu thoát. Đồng đội anh Phong tiếp tục rượt đuổi tên Sơn và tên Thân đến đường cùng mới bắt được. Do vết thương quá nặng, anh Phong ngã quỵ, không nói được lời nào từ lúc ngã xuống cho đến khi tắt thở. Anh Hồ Phong Vinh, đồng nghiệp và là người bạn thân thiết của anh Phong còn nhớ rõ câu nói trước đó của anh Phong, rằng sau buổi chiều trực ban ấy sẽ về đưa con đi khám bệnh. Vậy mà...

Sáng 18.8, Ban Giám đốc Công an TP.HCM đã trao tặng 3 triệu đồng và gửi thư biểu dương tinh thần hy sinh dũng cảm của anh Nguyễn Hoài Phong và tinh thần dũng cảm truy bắt tội phạm của 6 cán bộ, Công an xã Tân Thạnh Tây trong vụ việc trên.

Người vợ trẻ của anh Phong, chị Mai Thị Thanh Loan (24 tuổi, công nhân thêu) câm lặng như bức tượng trước bàn thờ chồng. Chị khó nhọc nhớ lại giây phút kinh hoàng của đời mình: "Hai chân em cứng đờ. Từ nhà tới bệnh viện chỉ có một đoạn mà chạy hoài, chạy mãi vẫn không thấy tới! Em không tin là ảnh đã chết thật rồi...". Chị tâm sự, ở nhà anh Phong dành làm hết mọi việc cho chị, từ quét sân, cho gà ăn đến nấu cơm, giặt giũ. Chị chỉ  mỗi việc trông con. Hằng ngày, anh còn đưa đón chị đi làm. Giọng chị xót xa: “Hồi mới ra riêng, tụi em cực dữ lắm. Ảnh luôn an ủi em, bảo mình nghèo thì phải cố gắng nhiều mới có tương lai. Năm rồi tụi em mượn 15 triệu đồng xây nhà, mới trả được 2- 3 triệu. Lương ảnh trước đây 300 ngàn, giờ lên được 700 ngàn đồng/tháng, được bao nhiêu đưa hết cho vợ trả nợ. Mới cách đây một tuần, ảnh nói mới học được cách nấu món canh gì đó với hột vịt lộn và hứa sẽ nấu cho mẹ con em ăn... Đứa con trai 5 tuổi của anh chị cứ vô tư gọi: "Ba ơi, sao ba ngủ hoài vậy? Ba dậy nấu cơm cho con ăn với!"...

7 giờ ngày 20.8, đông đảo cán bộ, chiến sĩ ngành công an và đoàn viên thanh niên, nhân dân TP.HCM sẽ tiễn đưa anh Nguyễn Hoài Phong về nơi an nghỉ cuối cùng. Anh đã ra đi, nhưng bạn bè và người dân đã xem anh là "ngọn gió lành" thổi mãi ngọn lửa tuổi trẻ nhiệt tình, tiếp nối truyền thống vẻ vang của đất thép Củ Chi.

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.