Ngôi trường dễ thương giữa đại ngàn

12/01/2016 07:44 GMT+7

Bông hoa được gắn trên cây bằng lăng kèm dòng chữ: Nếu sống trong tình thương, em biết yêu chính mình ; hay trên một gốc cây khác lại ghi câu: Nếu sống trong khích lệ, em có lòng tự tin...


Đặt chân đến Trường tiểu học Thượng Quảng nằm giữa những dãy núi của đại ngàn Trường Sơn thuộc huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế, tôi bắt gặp rất nhiều cây xanh, sân trường sạch sẽ, tinh tươm với những khóm hoa được chăm tỉa ngăn nắp và những "bông hoa giấy" đầy thông điệp.
Những khẩu hiệu nơi đây không hề sáo rỗng
Khi chúng tôi đến, các em nhỏ đang say sưa với trò chơi mô phỏng của chương trình Chiếc nón kỳ diệu. Những gương mặt trẻ em miền núi ánh lên niềm hưng phấn, tươi vui.
Ngôi trường hai tầng khang trang được xây dựng chưa lâu. Toàn bộ dãy phòng học khang trang đều dành để phục vụ giảng dạy và vui chơi cho học sinh, riêng dãy nhà giáo viên và phòng của thầy giáo hiệu trưởng vẫn là dãy nhà cấp 4 nằm khép nép bên trái. Ở những nơi khác như chúng tôi thường thấy, phòng hiệu trưởng bao giờ cũng nằm ở vị trí đặc biệt của ngôi trường và phải là nơi khang trang nhất.
Nhưng điểm khiến tôi chú ý nhất là những bông hoa đủ màu sắc được gắn trên những thân cây trong sân trường. Bên trong mỗi bông hoa đều có ghi mỗi câu châm ngôn ngắn.
Cũng là một cách thức giáo dục trực quan, nhưng nhiều nơi khi bắt gặp những câu châm ngôn, chúng ta đều có một cảm giác nhàn nhạt, sáo rỗng và mang tính khẩu hiệu. Nhưng những câu châm ngôn ở ngôi trường này thật sự gần gũi, dễ hiểu. Ví như, bông hoa được gắn trên cây bằng lăng kèm dòng chữ: Nếu sống trong tình thương, em biết yêu chính mình; hay trên một gốc cây khác lại ghi câu: Nếu sống trong khích lệ, em có lòng tự tin và ở một gốc cây khác nữa ghi: Nếu sống trong công bằng, em có lòng độ lượng.
Trên những bông hoa còn có những câu (cả tiếng Việt và tiếng Anh) như: Mắt thấy rác, tay nhặt liền; Hãy thân thiện; Mỗi ngày đến trường là một niềm vui
Những lời nhắc nhở nhẹ nhàng trên sân trường
Thầy hiệu trưởng Đặng Xuân Thu chia sẻ: “Với đồng bào dân tộc, việc học tập của con em chưa được quan tâm như các vùng khác. Vì vậy, để vận động các em đến trường là một công việc gian nan. Muốn các em đi học, chúng tôi phải suy nghĩ để làm sao các em đến trường phải vui hơn ở nhà. Chính vì vậy mà từ không gian, cảnh quan, sân chơi, lớp học chúng tôi đều phải cố gắng tạo nên sự mới lạ, vui tươi. Những câu châm ngôn gắn trên sân trường sẽ là thứ mà các em muốn khám phá nhất, bởi vậy chúng tôi sẽ phải thay thế thường xuyên, làm sao cho các em không thấy câu chữ trở nên nhàm chán. Và khi các em đã đọc, đã hiểu các em sẽ thấm vào trong cuộc sống sau này. Với chúng tôi, trước khi dạy chữ cho các em thì các em phải biết đến yêu thương, biết đến chia sẻ, biết tự tin vào bản thân mình, biết tha thứ cho người khác. Và muốn cho các em biết đến những điều đó, mỗi thầy cô giáo phải là một tấm gương.”
Những kiến giải và cách làm của người thầy ở một ngồi trường tiểu học vùng cao thực sự đã khiến tôi cảm phục. Giá như mọi trường học trên đất nước đều có những người thầy như vậy thì chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm để trao con em mình cho họ dẫn dắt mỗi ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.