Ngôi trường 110 năm tuổi kỷ niệm 'hành trình xuyên thế kỷ'

18/11/2023 18:31 GMT+7

Một ngôi trường tại TP.HCM vừa kỷ niệm 110 năm hình thành và phát triển, với nhiều dấu mốc đáng nhớ xuyên suốt hành trình qua 2 thế kỷ, 3 thế hệ khác nhau.

Sáng 18.11, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm thành lập. Đây là một trong những ngôi trường có lịch sử lâu đời và danh tiếng tại TP.HCM, từng trải qua 3 thời kỳ Áo Tím - Gia Long - Minh Khai. Hiện, trường luôn có điểm chuẩn cao tốp đầu trong mỗi mùa tuyển sinh lớp 10 và có tỷ lệ 100% học sinh lớp 12 trúng tuyển vào các trường ĐH trong nước và thế giới.

Ngôi trường 110 năm tuổi kỷ niệm 'hành trình xuyên thế kỷ' - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, nhận định ngôi trường 110 năm tuổi giàu truyền thống dạy giỏi, học giỏi, kỷ luật nghiêm, đồng thời có bề dày lịch sử với nhiều thế hệ học sinh yêu nước. "Nhà trường hiện đẩy mạnh chuyển đổi số trong chuyên môn và quản lý, trang bị cho giáo viên lẫn học sinh nhiều kỹ năng mềm cần thiết trong việc phát triển năng lực để trở thành công dân toàn cầu. Chúng tôi cũng vận động xã hội hóa giáo dục để các em được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật", bà Chương chia sẻ

NHẬT THỊNH

Ngôi trường 110 năm tuổi kỷ niệm 'hành trình xuyên thế kỷ' - Ảnh 2.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM (thứ 3 từ phải qua), trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Dịp này, trường cũng được nhận cờ truyền thống 110 năm xây dựng và phát triển từ UBND TP.HCM.

NHẬT THỊNH

Ngôi trường 110 năm tuổi kỷ niệm 'hành trình xuyên thế kỷ' - Ảnh 3.

Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai được khởi công xây dựng vào ngày 6.11.1913. Khi thành lập, trường có tên "Collège des Jeunes filles Indigènes", tức Trường trung học cho nữ sinh bản xứ. Hai năm sau, ngày 19.10.1915, trong buổi lễ khánh thành, trường đã chọn màu tím làm màu áo dài đồng phục cho nữ sinh. Tên "Trường Áo Tím" cũng ra đời từ đó

NHẬT THỊNH

Ngôi trường 110 năm tuổi kỷ niệm 'hành trình xuyên thế kỷ' - Ảnh 4.

Năm 1940, Nha Học chính đổi tên trường thành Collège Gia Long. Năm 1946, bãi bỏ bậc tiểu học chỉ còn các lớp trung học đệ nhị cấp, trường tiếp tục đổi tên, gọi là Lycée Gia Long, tức Trường nữ trung học Gia Long. Từ năm 1951, chương trình giáo dục bằng tiếng Việt thay thế chương trình bằng tiếng Pháp. Kể từ đây, ban giám hiệu và giáo viên, giám học, tổng giám thị của trường đều là người Việt. Đến năm 1953, đồng phục áo tím được thay bằng màu trắng với phù hiệu hoa mai vàng năm cánh

NHẬT THỊNH

Ngôi trường 110 năm tuổi kỷ niệm 'hành trình xuyên thế kỷ' - Ảnh 5.

Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, trường đổi theo tên nữ liệt sĩ anh hùng cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai và được gọi là Trường phổ thông cấp 2, 3 Nguyễn Thị Minh Khai. Đến năm học 1978-1979, cấp 2 được giải thể, chỉ còn cấp 3 và tuyển thêm cả nam sinh. Từ đây trường chính thức mang tên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai

NHẬT THỊNH

Ngôi trường 110 năm tuổi kỷ niệm 'hành trình xuyên thế kỷ' - Ảnh 6.

Một dấu ấn đặc biệt là nhiều gia đình có 3 thế hệ đều học tại trường, như trường hợp của em Lưu An Nhiên, lớp 11A6. Nhiên có bà ngoại, bà nội và ba mẹ đều là cựu học sinh Gia Long - Minh Khai. "Minh Khai trong lời kể của ba mẹ không khác mấy với Minh Khai hiện tại. Trường vẫn cổ kính, rất 'tình' và đầy chất thơ", Nhiên đánh giá. Trong khi đó, sau hàng chục năm, ông Lưu Anh Tuấn và bà Trần Ngọc Liên, phụ huynh của Nhiên, vẫn đong đầy tự hào vì được học tập dưới mái trường có điều kiện đầu vào khắt khe hàng đầu TP.HCM

BẢO NGỌC

Ngôi trường 110 năm tuổi kỷ niệm 'hành trình xuyên thế kỷ' - Ảnh 7.

Về thăm trường trong dịp lễ kỷ niệm, tiến sĩ Nhan Cẩm Trí, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, không khỏi xúc động khi nhớ về những giờ giảng văn, những giờ học ngoại khóa và cả những buổi dã ngoại với lửa trại bập bùng ấm áp tình thầy trò và bạn bè tại ngôi trường 110 năm tuổi. "Những bài giảng của thầy cô chính là chất liệu, hành trang để tôi vững tin tiến lên và trở thành một công dân với thái độ sống tích cực trong xã hội hôm nay", cựu học sinh niên khóa 1991-1994 nhận định

NHẬT THỊNH

Ngôi trường 110 năm tuổi kỷ niệm 'hành trình xuyên thế kỷ' - Ảnh 8.

Tập thể học sinh và giáo viên cùng nhau hòa giọng trong bài hát "Hành trình xuyên thế kỷ", một sáng tác chào mừng 110 năm thành lập trường được chấp bút bởi nhạc sĩ Sỹ Luân, cựu học sinh niên khóa 1997-2000

NHẬT THỊNH

Ngôi trường 110 năm tuổi kỷ niệm 'hành trình xuyên thế kỷ' - Ảnh 9.

Buổi lễ kỷ niệm cũng đón chào và vinh danh nhiều thế hệ thầy cô là cựu giáo viên, nguyên ban giám hiệu các thời kỳ của ngôi trường 3 thế hệ Áo Tím - Gia Long - Minh Khai

NHẬT THỊNH

Ngôi trường 110 năm tuổi kỷ niệm 'hành trình xuyên thế kỷ' - Ảnh 10.

Sự kiện cũng diễn ra nhiều hoạt động giới thiệu về lịch sử trường và tạo điều kiện để các thế hệ học sinh ghi lại dấu ấn như triển lãm ảnh 110 năm Áo Tím - Gia Long - Minh Khai, dãy tường kỷ niệm...

NHẬT THỊNH

Ngôi trường 110 năm tuổi kỷ niệm 'hành trình xuyên thế kỷ' - Ảnh 11.

Kết thúc buổi lễ, học sinh và các khách mời tiếp tục bước vào phần hội với nhiều hoạt động như bày bán gian hàng, trò chơi có thưởng... thu hút hàng trăm người tham gia trong không khí sôi động của những tiết mục văn nghệ "cây nhà lá vườn"

NGỌC LONG

Ngôi trường 110 năm tuổi kỷ niệm 'hành trình xuyên thế kỷ' - Ảnh 12.

Thịt nướng, bánh tráng trộn hay cả thức uống "gây sốt" thời gian gần đây là trà chanh giã tay đã được các bạn học sinh "trình làng" trong các gian hàng. Chưa kể, những cựu học sinh ở tuổi hoa niên cũng mang đến ngày hội những sản phẩm thêu tay bắt mắt với tinh thần gắn kết các thế hệ

NGỌC LONG

Ngôi trường 110 năm tuổi kỷ niệm 'hành trình xuyên thế kỷ' - Ảnh 13.

Trước đó, nhân kỷ niệm 110 năm thành lập, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cũng khánh thành phòng truyền thống và Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại khuôn viên trường. Các công trình này đều hướng đến chuyển đổi số và giáo dục học sinh về lịch sử của trường gắn liền với lịch sử của đất nước, dân tộc

NGỌC LONG

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.