Ngôi sao thể thao vào tù, ra khám: Sự sụp đổ của tượng đài Marion Jones

10/01/2016 06:35 GMT+7

Trong những năm trước và sau cột mốc chuyển giao thiên niên kỷ, Marion Jones là siêu sao điền kinh mà thành tích chỉ thua mỗi huyền thoại Florence Griffith-Joyner. Ngoài kỷ lục thế giới 10"49 do Griffith-Joyner lập được một cách bí ẩn năm 1988, thì thành tích 10"65 của Jones ở đường chạy 100 m nữ vào năm 1998 được xem là kỳ tích.

Trong những năm trước và sau cột mốc chuyển giao thiên niên kỷ, Marion Jones là siêu sao điền kinh mà thành tích chỉ thua mỗi huyền thoại Florence Griffith-Joyner. Ngoài kỷ lục thế giới 10"49 do Griffith-Joyner lập được một cách bí ẩn năm 1988, thì thành tích 10"65 của Jones ở đường chạy 100 m nữ vào năm 1998 được xem là kỳ tích.

Marion Jones sau khi bị tòa tuyên án đầu năm 2008 - Ảnh: AFP
Marion Jones sau khi bị tòa tuyên án đầu năm 2008 - Ảnh: AFP
Một kỳ tài thể thao
Khi ấy, Jones đã là ngôi sao số 1 thế giới ở đường đua tốc độ nữ. Chị giành HCV 100 m tại giải VĐTG 1997 ở Athens, rồi bảo vệ thành công danh hiệu tại giải VĐTG 1999 ở Seville. Tại Olympic Sydney 2000, Marion Jones đi vào lịch sử với tư cách nữ VĐV điền kinh đầu tiên giành đến 5 chiếc huy chương. Chị có HCV 100 m, 200 m, tiếp sức 4 x 400 m và HCĐ ở các nội dung nhảy xa, 4 x 100 m. Người ta ước tính: cứ mỗi đợt chạy chung kết ở đẳng cấp cao đem về cho Jones khoảng 1 triệu USD tiền cát sê và quảng cáo, chưa kể tiền thưởng theo thành tích của cuộc thi. Hơn 1 triệu USD cho khoảng chục giây thể hiện tài năng.
Thú vị ở chỗ, điền kinh không phải là môn thể thao duy nhất mà Jones từng thể hiện tài năng. Ban đầu, chị là một ngôi sao bóng rổ, từng đoạt chức vô địch quốc gia 1994 trong màu áo đội Đại học Bắc Carolina. Chiếc áo số 20 của Marion Jones đã được đội này cất vĩnh viễn - điều mà các đội thể thao nổi tiếng thường làm đối với huyền thoại của họ. Ai cũng biết phong trào bóng rổ sinh viên tại Mỹ có đẳng cấp cao như thế nào. Sau này, Jones còn khoác áo đội nhà nghề Tulsa Shock, thi đấu tại giải WNBA (tức giải vô địch bóng rổ nhà nghề nữ của Mỹ, tương tự giải đấu nổi tiếng NBA của nam).
Tóm lại, cho đến trước năm 2007, Jones luôn là một tượng đài, là tấm gương tuyệt vời để giới trẻ hướng đến. Doping ư? Chẳng có ngôi sao nào trong làng điền kinh đỉnh cao không bị nghi ngờ doping. Đợt chạy chung kết 100 m nam tại Olympic Barcelona 1992 có 8 VĐV tham dự thì sau này, đến 6 người trong số ấy bị cấm thi đấu vì dùng doping! Kể cả huyền thoại Griffith-Joyner, đã sớm qua đời, cũng không thoát khỏi vòng nghi ngờ. Người ta kiêng kỵ, không bàn đến "đề tài Griffith-Joyner" chẳng qua cũng vì tôn trọng người đã khuất. Thế nên, Jones luôn ổn thỏa khi chị chưa hề bị phát hiện doping cho đến trước năm 2007. Cũng có lần, vào năm 2006, mẫu thử của Jones cho ra kết quả dương tính. Nhưng khi kiểm tra mẫu thứ hai thì kết quả lại là âm tính.
Ngồi tù vì nói dối
Năm 2002, Jones ly dị người chồng đầu tiên, VĐV đẩy tạ C.J. Hunter "vì không muốn tên tuổi và hình ảnh của mình bị vấy bẩn bởi một người chồng là VĐV gian dối". Hunter từng có HCV ở giải VĐTG, nhưng bị loại khỏi Olympic 2000 vì dính doping. Chẳng biết có phải vì thế mà Hunter trả đũa, tiết lộ với các phóng viên rằng chính mình đã thấy tận mắt Jones tự tiêm steroid vào bụng tại Olympic Sydney!
Đấy chỉ là một trong nhiều chi tiết sau này làm cho siêu sao Marion Jones thân bại danh liệt. Quan trọng và tổng quát hơn là sự kiện chính quyền liên bang Mỹ mở cuộc điều tra nhằm vào BALCO - một tập đoàn lớn chuyên cung cấp thuốc cho giới thể thao đỉnh cao, bị tố cáo là cung cấp doping hàng loạt. Scandal BALCO là một trong những scandal lớn nhất trong lịch sử thể thao Mỹ. Hơn 20 nhân vật nổi tiếng đã bị phanh phui trong vụ điều tra này, gồm cả siêu sao Tim Montgomery - VĐV từng giữ KLTG ở cự ly chạy 100 m nam, và chính là cha đứa con trai đầu lòng của Marion Jones. Người sáng lập BALCO, Victor Conte, nói trong một cuộc phỏng vấn được cả nước Mỹ theo dõi trên truyền hình, rằng ông đã cung cấp 5 loại thuốc kích thích cho Jones ở các thời điểm trước, giữa và sau Olympic 2000. Thế là quả bom bùng nổ. Báo chí còn tự tìm thêm được nhiều chứng cứ, từ tiết lộ của người chồng cũ C.J.Hunter, để cho rằng Marion Jones thực sự đã dính doping. Cứ thế, câu chuyện tiến triển cho đến tháng 10.2007 thì Jones thừa nhận trước một phiên tòa rằng chị đã sử dụng steroid.
IOC tước mọi huy chương của Jones tại Olympic 2000. Án treo giò cũng được ban hành nhanh chóng. Điều đáng nói là: Jones bị tuyên án 6 tháng tù trong một phiên tòa tiếp theo (tuyệt đại đa số các VĐV dùng doping thường chỉ bị cấm thi đấu). Tội lỗi của Jones là đã nói dối sau khi tuyên thệ, trước cuộc điều tra mà chính quyền liên bang nhằm vào Tập đoàn BALCO. Thế là thần tượng sụp đổ. Marion Jones, với số tù 84868-054, đã thụ án từ ngày 7.3 đến ngày 5.9.2008 tại nhà tù FMC Carswell ở Fort Worth (Texas).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.