Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố không 'bắt nạt' láng giềng tại Biển Đông

17/01/2022 21:39 GMT+7

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ không dùng sức mạnh để bắt nạt các láng giềng trong khu vực Biển Đông như Philippines.

“Nhấn mạnh yêu sách của chỉ một phía và áp đặt ý chí của mình lên người khác không phải là cách thích hợp để các láng giềng đối xử với nhau. Điều này đi ngược lại triết học phương Đông về việc con người nên hòa hợp với nhau”, Ngoại trưởng Vương Nghị phát biểu trong diễn đàn trực tuyến do Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila tổ chức ngày 17.1.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Bắc Kinh sẽ không dùng sức mạnh để bắt nạt các láng giềng

Reuters

Reuters dẫn lời ông Vương tuyên bố Trung Quốc sẽ không dùng sức mạnh để “bắt nạt” các nước láng giềng và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông một cách hòa bình.

Cách đây khoảng 2 tháng, Philippines lên án Trung Quốc vì ngăn cản hoạt động tiếp tế của tàu quân sự nước này tại Biển Đông. Vụ việc khiến Mỹ lên tiếng cảnh báo một cuộc tấn công vào tàu của nước đồng minh Philippines sẽ kích hoạt hành động của Washington theo hiệp ước phòng thủ chung.

Ông Vương nói rằng Trung Quốc hy vọng có thể cùng Philippines quản lý và giải quyết vấn đề một cách phù hợp, trên tinh thần thiện chí.

Ngoại trượng Vương Nghị nói Trung Quốc sẽ không dùng sức mạnh để bắt nạt láng giềng

Cũng trong ngày 17.1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu trực tuyến trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới, cảnh báo rằng việc đối đầu giữa các nước, đặc biệt là các cường quốc, sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.

“Lịch sử đã chứng minh rằng việc đối đầu không giải quyết được các vấn đề, chỉ dẫn đến những hậu quả thảm họa”, AFP trích lời ông Tập.

Nhà lãnh đạo nhận xét thế giới hiện nay khó có thể bình yên vì những lời nói gây bùng phát thù hằn và định kiến đầy rẫy khắp nơi.

Ông Tập nói về những tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu và tuyên bố Trung Quốc mong muốn trao đổi giữa người với người nhằm tạo điều kiện cho thương mại xuyên biên giới, đảm bảo sự lưu thông của chuỗi cung ứng và thúc đẩy tiến triển trong sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.