Ngoại trưởng Mỹ Pompeo lý giải nguyên nhân Thượng đỉnh Mỹ - Triều không đạt thỏa thuận

Vũ Hân
Vũ Hân
04/03/2019 17:44 GMT+7

Ngoại trưởng Pompeo lý giải với PV tháp tùng tại sao Thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc mà không có thỏa thuận nào được ký; yêu cầu của Triều Tiên về dỡ bỏ cấm vận là yêu cầu phút chót hay đã được bàn luận từ trước?

Theo thông tin từ Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, trên đường từ Việt Nam sang Manila (Philippines), Ngoại trưởng Michael R. Pompeo đã trao đổi kỹ hơn với báo chí tháp tùng về nguyên nhân đổ bể của thỏa thuận dự kiến sẽ được ký kết tại thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Thanh Niên xin giới thiệu đoạn đối thoại trên để độc giả hiểu kỹ hơn về những gì xảy ra trong phòng ăn tại khách sạn Metropole trưa 28.2.
[VIDEO] Ngoại trưởng Mike Pompeo: "Sẽ tiếp tục làm việc để đạt thỏa thuận"

Phía Mỹ đã không hề ngạc nhiên

PV: Điều gì đã làm cho ngài, Nhà Trắng và cả chính quyền, tin tưởng đưa ra thông báo vào tối thứ Tư (27.2) rằng sẽ có một thỏa thuận chung được ký vào chiều thứ Năm (28.2)? Cuộc họp thượng đỉnh lần này cho thấy gì về những mặt được và mất trong việc cố gắng giải quyết các vấn đề căn bản ở cấp lãnh đạo, thay vì cố gắng giải quyết các mâu thuẫn từ trước cuộc họp?
Ngoại trưởng Pompeo: Vâng, chúng tôi, cả hai phía chúng tôi đều hướng tới cuộc họp này. Rõ ràng, chúng tôi đã giải quyết rất nhiều mâu thuẫn trong thời gian qua, từ 60, 90 ngày trước ở cấp kỹ thuật, và chúng tôi đều hy vọng có thể tiến được một bước lớn khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau. Tôi nghĩ là chúng tôi đã làm được điều đó.
Chúng tôi đã có một số tiến triển, tuy nhiên chúng tôi không đạt được kết quả như kỳ vọng. Và khi bạn đàm phán với một quốc gia giống như Triều Tiên, thường thì những lãnh đạo cấp cao nhất mới có khả năng đưa ra những quyết định quan trọng.
Chúng tôi đã có một số dự định cho chuyến đi này, song bạn không thể biết được bạn sẽ thực sự đạt được được điều gì cho tới khi hai lãnh đạo có cơ hội gặp nhau. Đã có nhiều công tác chuẩn bị. Chúng tôi cũng đã có sự chuẩn bị cho khả năng xảy ra kết quả này, và ngày mai chúng tôi sẽ lại quay trở lại đàm phán.
Tổng thống Mỹ cho biết thỏa thuận đổ bể vì phía Triều Tiên mong muốn dỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt Ảnh Ngọc Dương
Nhưng quay trở lại với những gì xảy ra tối qua, bởi các ngài đã thông báo là sẽ có một lễ ký, do đó...?
Vâng, mọi người cũng không nên quá đòi hỏi những điều như thế. Tất cả mọi người. Đã có rất nhiều tiến triển. Tôi đã xem một số dự đoán vào tối qua trên các phương tiện truyền thông, và mọi người hành xử giống như họ đều biết điều gì sẽ diễn ra. Các bạn nên quay lại và nhìn xem, nếu có ai trong các bạn đã làm thế.
Tôi có xem một tin của NBC có nói rằng, chúng tôi đã đánh mất khả năng ra được một tuyên bố. Vậy thì các bạn nên quay lại và đính chính thông tin của mình. Tôi nghĩ điều đó sẽ tạo ra uy tín tốt hơn cho các bạn trước thế giới so với việc ra ngoài kia và nói những điều ngớ ngẩn mà mình chả biết gì và chỉ phán đoán.
Thưa Ngoại trưởng...?
Tôi chưa nói hết - điều này rất quan trọng bởi tôi đã thấy một số thông tin như vậy. Đó đều là những thông tin phiến diện và giờ tôi cho rằng đã được chứng minh là thông tin sai lệch, do đó các bạn cần phải đính chính lại.
Và chúng tôi vẫn đang tiếp tục nỗ lực. Chúng tôi đã làm việc cả đêm qua. Chúng tôi đã rất hy vọng là chúng tôi sẽ đạt được những tiến triển đủ để ký một tuyên bố tại thời điểm cuối cuộc họp, nhưng chúng tôi đã không đạt được. Tổng thống đã đưa ra quyết định đó.
[VIDEO] Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên: Khẳng định vị thế, uy tín của nước chủ nhà Việt Nam
Nhưng thưa Ngoại trưởng, để làm rõ, (việc ký tuyên bố chung) chính là kế hoạch được công bố của Nhà Trắng. Nhưng điều đó đã không...?
Vâng. Không hẳn. Đã có một kế hoạch. Và chúng ta cũng có kế hoạch rời đi sớm hơn 7 phút so với thực tế. Vâng. Thế giới luôn xảy ra những chuyện như vậy. Và thậm chí vào sáng nay (28.2) chúng tôi cũng rất hy vọng. Chúng tôi đều đã quay lại và cố gắng đạt được thỏa thuận nào đó, và xem liệu chúng tôi có thể tiến xa hơn một chút hay không. Và chúng tôi thực sự đã làm được. Tuy nhiên, đây là chặng đường dài. Chúng ta đã biết đây là chặng đường dài. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Ngài có đề cập với Kim Jong-un, Kim Yong-chol về thời điểm cho cuộc họp cấp kỹ thuật tiếp theo hay chưa?
Chúng tôi chưa xác định ngày cụ thể.
Ý kiến cá nhân ngài thì sao?
Ý kiến cá nhân tôi là việc này sẽ phải đợi một thời gian. Mỗi bên sẽ cần phải nhóm họp lại một chút. Nhưng chúng tôi hy vọng rằng Đặc phái viên Biegun và phía Triều Tiên sẽ sớm gặp nhau. Chúng ta sẽ cùng chờ xem.
Mà cũng cần phải có lý do để đối thoại. Cần phải có giả thuyết trong trường hợp này xem có cách nào để tiến tới. Tôi tin tưởng là sẽ có cách. Tôi đã thấy được có sự tương đồng giữa những gì hai bên đang cố gắng đạt được. Tôi đã thấy được thiện chí giữa hai lãnh đạo. Vì vậy tôi hy vọng chúng tôi có thể đưa ra được giải pháp.
Chủ tịch Kim đã nhắc lại trong chuyến đi lần này là ông ấy hoàn toàn sẵn sàng phi hạt nhân hóa. Ông ấy cũng tái cam kết là Triều Tiên sẽ không tiến hành các vụ thử nghiệm tên lửa, và sẽ không tiến hành các vụ thử hạt nhân. Đó đều là những điều tốt. Đó vẫn luôn là trụ cột, nền tảng chính.
Các bạn đã nghe Tổng thống nói rằng Tổng thống cũng cam kết không tiến hành các cuộc tập trận lớn. Như vậy vẫn có cơ sở để tin rằng chúng ta có thể tiến về phía trước và giải quyết được vấn đề hiện nay, vấn đề đã kéo dài trong thời gian quá lâu rồi.
Tuy nhiên Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho phủ nhận điều này, cho biết Triều Tiên chỉ yêu cầu dỡ bỏ 5/8 lệnh trừng phạt Ảnh Ngọc Dương
Ngài có nghĩ là áp lực từ phía Bình Nhưỡng lên Chủ tịch Kim quá lớn để ông ấy có thể đẩy nhanh tiến độ trong phạm vi sức kiên nhẫn của chúng ta cho phép hay không?
Tôi cố gắng không đưa ra những phân tích tâm lý.
Tôi chỉ hỏi về áp lực chính trị nội bộ từ phía giới đứng đầu quân đội, những người không muốn từ bỏ vũ khí hạt nhân?
Vâng. Tôi chỉ biết những gì họ đã nói với chúng tôi. Tôi biết những gì chúng tôi đang nỗ lực làm. Tôi biết những gì theo như họ nói, vâng, điều này thực sự rất quan trọng đối với họ, là ưu tiên của họ.
Tôi nghĩ chúng ta đều hiểu rằng chúng ta hiểu được điều đó nhiều hơn ngay cả so với chỉ vài tuần trước.
Nhưng thời gian tới, lệnh cấm vận kinh tế vẫn được duy trì. Điều này luôn là chính sách của Tổng thống ngay từ ngày đầu. Các bạn đã nghe Tổng thống nhắc lại việc duy trì các lệnh cấm vận. Và tôi nghĩ – trong thời gian tới, tôi nghĩ chúng ta sẽ tiếp tục chờ xem chúng tôi có thể đạt được tiến triển gì.
Liệu có những thay đổi vào phút cuối với những gì các bên sẵn sàng cam kết hay không? Ý tôi là, tôi biết ngài có nói rằng các ngài đã không thể đạt được điều mà mình muốn?
Không hẳn. Đây là một chuỗi các tiến trình vững chắc hướng tới mục tiêu chúng tôi muốn. Chỉ là chúng tôi chưa đi được đủ xa.
Như vậy - yêu cầu mà Chủ tịch Kim đưa ra với Mỹ về việc dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh cấm vận để đổi lấy việc phá hủy Yongbyon, liệu điều đó có phải là yêu cầu mà họ đã nêu rõ trong suốt tiến trình đàm phán, song các ngài cảm thấy cuộc họp thượng đỉnh lần này là cơ hội để các ngài - để Tổng thống xuất hiện và bác bỏ yêu cầu đó, hay đó là yêu cầu họ đưa ra bất ngờ vào phút cuối và hoàn toàn là một sự ngạc nhiên?
Vâng, tôi không muốn đi vào chi tiết. Tôi không bao giờ đề cập đến chi tiết, hay các yêu cầu đưa ra hay rút lại trong các cuộc đàm phán. Đã có rất nhiều ý tưởng được đưa ra trong suốt vài tháng qua, một số từ phía Mỹ, một số từ phía Triều Tiên, về một giải pháp có thể hợp lý – thiết lập một lộ trình về phía trước. Và tôi chỉ nói chúng tôi không hề bị đặt vào tình huống ngạc nhiên với bất kỳ đề xuất nào. Đội ngũ của chúng tôi đã làm rất tốt.

Tại sao không có một tuyên bố hòa bình?

Nhưng ngài có cảm thấy rằng - tôi muốn nói, rõ ràng ngài không cảm thấy - rằng đã có rất nhiều đồn đoán trước cuộc họp? Điều này là do trước đó các bên đã đề cập đến khả năng mở các văn phòng liên lạc và một tuyên bố hòa bình.
Vâng.
Tại sao ngài lại cảm thấy không có khả năng chốt được các vấn đề này, có thể có một thỏa thuận về các nội dung này, mà lại hủy toàn bộ và kết thúc sớm cuộc họp?
Tôi không hiểu câu hỏi của bạn.
Tại sao lại không đi đến một thỏa thuận về các vấn đề khác nói trên, có lẽ để làm cơ sở cho các thảo luận trong tương lai, thay vì hủy toàn bộ và kết thúc sớm cuộc họp?
Bạn không nên đưa ra giả định là chúng tôi không đi đến một sự đồng thuận nào trên tất cả các vấn đề. Tất cả chúng tôi sẽ sớm quay trở lại và tiếp tục nỗ lực vì điều này. Đã có rất nhiều nội dung chúng tôi đạt được tiến triển, và tôi nghĩ chúng tôi đã xây dựng được sự hiểu biết chung lẫn nhau.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất vẫn còn đó, chính là việc phi hạt nhân hóa. Đó là mục tiêu của các cuộc đối thoại, và đổi lại, điều này sẽ mang lại hòa bình và ổn định cho Bán đảo Triều Tiên, và tương lai tươi sáng hơn cho người dân Triều Tiên. Về những điểm này thì vẫn còn rất nhiều điều phải làm.
Ngài có nhắc đến là thông tin trên báo không chính xác liên quan đến việc yêu cầu danh sách đầy đủ về chương trình hạt nhân của họ (Triều Tiên)?.
Đúng.
Theo Ngoại trưởng Pompeo, dù phía Mỹ không bất ngờ trước bất cứ đề nghị nào của Triều Tiên, nhưng quyết định cuối cùng phải do Tổng thống đưa ra Ảnh Ngọc Dương
Vậy ngài có yêu cầu điều đó không?
Chúng tôi đã nỗ lực vì điều đó kể từ gần một năm trước, khi tôi có chuyến thăm đầu tiên, khi đó tôi còn trên cương vị khác.
Hỏi: Nhưng đó có phải yêu cầu chính thức hay không?
Tôi không hiểu “chính thức” ở đây nghĩa là gì.
Ngài có hỏi Kim Jong-un rằng “liệu chúng tôi có thể có thống kê đầy đủ về chương trình hạt nhân của các ông hay không”?
Có. Và đó không phải yêu cầu gì mới từ phía chúng tôi. Nhưng điều quan trọng là phải hiểu rõ yêu cầu đó. Bạn không thể tính toán được khi nào bạn làm xong nếu như bạn không biết thế nào là hoàn thành. Vì vậy, có, chúng tôi đã có những trao đổi về điều này trong thời gian khá dài.
Hỏi: Ngài có nhắc lại yêu cầu đó tại cuộc họp thượng đỉnh lần này không?
Vâng. Có, và tôi sẽ còn nhắc lại nữa. Có, chúng tôi đã nhắc lại yêu cầu này tại cuộc họp thượng đỉnh. Vì thế, nếu như bạn làm thế nào để NBC gỡ bài đó xuống, sẽ rất là hữu ích.
Nhân tiện, các bạn cũng nên kiểm tra các tin bài của mình, đảm bảo thông tin mình có đều là đúng. Điều này rất quan trọng. Việc đưa tin của các bạn rất quan trọng. Tôi tin tưởng các bạn, trong những điều quan trọng chúng ta có ở Mỹ thì có tự do báo chí. Các bạn nên sử dụng công cụ đó một cách thông thái, chính xác và cẩn trọng. Đó là một điều tốt. Tốt cho tất cả chúng ta.
(Trao đổi kết thúc)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.