Ngoài 4 lỗi này, thanh tra giao thông không được dừng xe ‘nghi’ vi phạm

06/09/2017 12:06 GMT+7

Thanh tra Sở GTVT TP.HCM cho biết thanh tra giao thông (TTGT) chỉ được quyền dừng phương tiện trong 4 trường hợp được quy định cụ thể. Ngoài ra, các trường hợp 'nghi ngờ' vi phạm khác, phải có CSGT thì TTGT mới được kiểm tra.

Ông Phạm Lê Lâm, Phó Đội trưởng Đội Tham mưu Tổng hợp, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM cho biết TTGT được phép dừng phương tiện trong các trường hợp được quy định tại Điều 15 Thông tư số 02/2014/TT-BGTVT, cụ thể:
1. Buộc chấm dứt hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 55 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
2. Khi phát hiện phương tiện có các dấu hiệu theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 86 Luật Giao thông đường bộ, cụ thể như sau:
a) Vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường bộ;
b) Vượt khổ giới hạn cho phép của cầu, đường bộ;
c) Xe bánh xích lưu thông trực tiếp trên đường mà không thực hiện biện pháp bảo vệ đường theo quy định;
d) Đổ đất, vật liệu xây dựng, các phế liệu khác trái phép lên đường bộ hoặc vào hành lang an toàn đường bộ.
Một trường hợp người vi phạm bị TTGT lập biên bản tại sân bay Tân Sơn Nhất Ảnh: Độc Lập
“Như vậy, 4 trường hợp như quy định ở trên, tận mắt nhìn thấy, chắc chắn vi phạm thì TTGT mới được quyền dừng xe. Còn các trường hợp khác, Điều 55 của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, TTGT tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trong quá trình kiểm tra, xử phạt vi phạm để nâng cao hiệu quả hoạt động. Nghĩa là ngoài 4 trường hợp trên, TTGT chỉ được dừng xe khi có CSGT hoặc lực lượng công an khác”, ông Lâm giải thích.
Ngoài ra, theo Chỉ thị số 11/CT-BGTVT ngày 9.5.2014 của Bộ Giao thông vận tải, để tăng cường hoạt động thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải tại các Trạm kiểm tra tải trọng xe, trong trường hợp lực lượng Công an chưa bố trí đủ nhân lực hoạt động tại Trạm kiểm tra tải trọng xe, Thanh tra Sở thực hiện việc dừng xe, lập biên bản vi phạm, xử phạt theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm.
“TTGT gặp khó khăn trong dừng phương tiện”
Theo ông Lâm, trong một số trường hợp phương tiện đang lưu thông, không có lực lượng Công an phối hợp thì TTGT gặp nhiều khó khăn để dừng phương tiện xử lý một số vi phạm nguy hiểm như: các phương tiện vận tải hành khách chở quá số người quy định, không có hợp đồng, danh sách hành khách theo quy định,…; các phương tiện vận tải hàng hóa chở hàng quá khổ, quá tải trọng cho phép theo Giấy chứng nhận kiểm định,…; các xe ben, xe chở bùn đất phóng nhanh, vượt ẩu,…
Không có lực lượng CSGT hỗ trợ, TTGT gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý Ảnh: Diệp Đức Minh
“CSGT và TTGT không phải lúc nào cũng đi với nhau nên dù một số lỗi vi phạm có thể nhìn thấy và bằng chứng rõ ràng TTGT cũng không thể yêu cầu dừng xe để xử lý vi phạm. Đó là một số khó khăn mà TTGT gặp phải”, ông Lâm chia sẻ.
Ông Lâm cho biết từ tháng 9.2016, thực hiện Thông báo số 13/TB-BCA-V11 của Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát giao thông tại TP.HCM rút lực lượng, không phối hợp với TTGT trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện (chỉ duy trì tại các Trạm cân tự động do TP.HCM đầu tư). Vì vậy, công tác dừng xe để kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, khi CSGT rút hoặc trong những khoảng thời gian không có lực lượng CSGT thì có một số trường hợp xe có dấu hiệu vi phạm không chấp hành hiệu lệnh dừng phương tiện của lực lượng TTGT.
Mặt khác, nếu tài xế đã không chấp hành, cố tình tăng ga bỏ chạy thì lực lượng Thanh tra giao thông cũng không được truy đuổi như lực lượng CSGT.
Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM đã lập biên bản và xử lý 13.257 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường thủy nội địa, với tổng số tiền phạt là 38.212.700.000 đồng.
Trong đó, một số hành vi vi phạm phổ biến như sau:
- Vi phạm quy tắc giao thông đường bộ: 7.772 vụ, với số tiền xử phạt là 5.079.450.000 đồng;
- Vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: 530 vụ, với số tiền xử phạt là 3.308.000.000 đồng;
- Vi phạm quy định về phương tiện tham gia giao thông đường bộ: 514 vụ, với số tiền xử phạt là 1.013.100.000 đồng;
- Vi phạm quy định về vận tải hành khách: 1.021 vụ, với số tiền xử phạt là 3.009.950.000 đồng;
- Vi phạm quy định về vận tải hàng hóa: 1.224 vụ, với số tiền xử phạt là 5.416.200.000 đồng;
- Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ: 1.386 vụ, với số tiền xử phạt là 18.004.000.000 đồng;
- Vi phạm lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa: 760 vụ, với số tiền xử phạt là 2.267.650.000 đồng;

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.