Di cảo chưa từng công bố của học giả Vương Hồng Sển:

Ngộ phùng tri kỷ trong... bệnh viện

09/05/2023 06:45 GMT+7

Với 7 tập vở học trò, ngoài những gì cụ viết ở Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM), điều thú vị là bên cạnh các trang di cảo đó còn có thư của nhiều người đến thăm cụ, có lẽ lúc đó cụ đang làm thuốc hoặc đang ngủ, không thể trò chuyện nên họ đã ghi thông tin để lại.

Chẳng hạn, có dòng chữ hỏi: "Thưa, ngày xưa ông thầy Tàu cho cụ đôi câu đối 72 tuổi ra sao?". Ngày 6.7.1996, cụ viết ở trang bên cạnh: "Phú quý song toàn hiềm đoản thọ/Bình sanh tích đức chuyển thời cơ". Năm 72 tuổi, bại liệt hết số. Rồi từ đó tôi chuyên tích đức, các chuyện gì tôi đều giải quyết dễ dàng, không hại ai, giúp được gì thì giúp".

Cụ Sển còn kể thêm, hồi nhỏ, có ông thầy bói người Tàu sau khi xem lá tử vi của cụ, nói:

- Thằng nhỏ này có lộc ăn của bá tánh.

Ba của cụ không mừng mà trả lời:

- Thế là tôi sinh ra thằng ăn mày.

Nhiều chi tiết thú vị như thế đã được cụ thể hiện tản mát trong các tập vở.

Về nghiệp viết văn, ngày 23.6.1996, cụ cho biết: "Năm 1963, tôi đã thuần viết, thỉnh thoảng cũng hết giận lúc nói hỗn nhưng tôi may chọn hai thú dưỡng nhàn: 1. Thú chơi sách, vui với thú lựa chọn, phân biệt bộ nào xuất bản đầy đủ như tác giả đã viết; 2. Phân tích đưa đồ chơi cổ ngoạn lên một bực cao. Đâu là thú vui, đâu là nghệ thuật, vật nào nên sắm, vật xưa nào nên quý. Cả hai thú, nếu tôi viết kịp và hoàn tất là mỹ mãn, nhắm mắt cũng vừa".

Ngộ phùng tri kỷ trong... bệnh viện - Ảnh 1.

NSND Phùng Há vào bệnh viện thăm học giả Vương Hồng Sển

TƯ LIỆU TÁC GIẢ

Với tâm nguyện này, xét ra cụ Sển đã hoàn thành một cách xuất sắc.

"CON TẠO KHÉO ÉO LE…"

Thời gian cụ Sển nằm bệnh có nhiều người đến vấn an, thăm hỏi, trả nhuận bút cho cụ. Trong số những người đó, tôi đặc biệt chú ý đến sự quan tâm và vai trò của ông Trần Bạch Đằng, bởi thỉnh thoảng cụ lại nhắc đến và kể lại nhiều việc mà tác giả Ván bài lật ngửa đã dành cho cụ. Từ việc ông Trần Bạch Đằng cho cụ chuyển phòng bình thường sang phòng có máy lạnh, đầy đủ tiện nghi; từ việc gửi gắm các bác sĩ chăm sóc cụ chu đáo đến việc chuyển bản thảo Khám lớn Sài Gòn của cụ đến nhà xuất bản v.v…

Thời gian này, qua các ghi chép tỉ mỉ, ta thấy có khá nhiều người đến thăm cụ như ông Lê Hoàng bấy giờ là Giám đốc NXB Trẻ, nhạc sĩ Trương Quang Lục, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, ông Khai Trí Nguyễn Hùng Trương, ông Bảy Câu Võ Ngọc An …

Ngày 5.7.1996, nhà nghiên cứu Hán học Cao Tự Thanh cùng nhà sử học Dương Trung Quốc vào thăm, sau đó ông Thanh vào gửi tặng cụ "chiếc ca từ trường đựng nước uống hằng ngày chữa bệnh đau dây thần kinh". Cụ viết trong sổ tay ngày 30.7.1996: "Muôn tạ ơn lòng. Thân già lão mọi vào đây được nhiều người chiếu cố, tiền chuyển hay ơn mới thêm nặng lòng. Tôi viết 3 tập nhựt ký tại đây gọi ơn "cỏ nước" cho ngựa già đứng mỏi. Xin nguyện và hứa Thanh một ngày gặp tại tệ xá".

Ngộ phùng tri kỷ trong... bệnh viện - Ảnh 2.

Bút tích Vương Hồng Sển gửi ông Phạm Hy Tùng nhờ báo tin cho nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng

Thật thú vị, có một nghệ sĩ rất nổi tiếng, cùng thời với cụ cũng đến thăm: NSND Phùng Há. Cụ Sển viết: "Con tạo khéo éo le, dành cho tôi một bất ngờ. Một năm đã xa xôi, không nhớ rõ năm nào tôi đã nằm viện này với tư cách eczema, bác sĩ điều trị là Mai Bạch Vân trẻ trung vui tánh, bỗng một sáng nọ, gặp dịp là ngày "thầy thuốc", tôi là bịnh nhân có bổn phận đến làm lễ mừng. Thình lình, bác sĩ tuyên bố: Trong phòng này có hai tân khách. Đây là bà Phùng Há, đây là ông Vương Hồng Sển.

Tôi chưa kịp lánh mặt thì bà Phùng Há đã đứng phắt dậy hỏi lớn:

- Anh Sển! Anh đã đến đây, tại sao anh không đến chào tôi?

Buộc lòng tôi phải đứng dậy lễ phép nói:

- Thưa cô Bảy, Năm Sa Đéc bảo tôi phải đi chào bà bầu nhưng tôi đã cãi lời, rằng chờ lành bệnh sẽ đi, không dè nay gặp nhau tại đây, vậy tôi xin Bảy tha thứ.

Xin nhắc lại là năm nào? Duy nhớ tôi còn lành mạnh độ sáu, bảy mươi tuổi dâu. Hôm nay 27.7.1996, tôi đã 94 tuổi tây, 95 tuổi ta, ông bác sĩ người phốp pháp mạnh dạng, phương phi diện mạo, ôn tồn vào phòng, kéo ghế ngồi và tôi đang nằm chờ khám bịnh. Bác sĩ hỏi:

- Ông có biết ông nằm phòng cũ của ai không?

- Dạ, tôi biết phòng trước đây là phòng của bà Phùng Há.

- Ai cho ông biết?

- Dạ, ông Trần Bạch Đằng và cô Phùng Há. Hôm qua cô Phùng Há có đến chào tôi trước khi rời chốn này.

Câu chuyện xúc tiến tôi mới rõ lại vị bác sĩ đang chẩn mạch đúng là ông Mai Bạch Vân, tôi đã mang ơn năm trước nên có bài này gọi là "Ngộ phùng tri kỷ". Trái đất cứ quay tròn, mặt trời di chiếu thế mà bình lãng gặp nhau".

Thời gian cụ Sển nằm Bệnh viện Nguyễn Trãi từ ngày 24.6.1996 đến ngày 23.8.1996. Ngày xuất viện, cụ viết dặn dò trong tập vở: "Em Tùng. Bữa nay tôi được cho về nhà 9/1 Nguyễn Thiện Thuật, Gia Định, vì quá gấp không kịp cho cụ Bạch Đằng hay và nhờ Tùng đến báo lên cụ". Thế nhưng vài tháng sau, ngày 8.12.1996 cụ Sển lại quay trở vào đây cấp cứu, và mất lúc 8 giờ 30 sáng ngày 9.12.1996 tại bệnh viện.

Cảm động thay, ước nguyện cuối cùng của cụ: "Khi tôi chết, xin đừng kèn trống đưa đám rùm beng. Xác chở về Sốc Trăng, chôn dưới chân cha sanh mẹ đẻ". Trong sổ tang, nhà sử học, GS Trần Văn Giàu và nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đã viết: "Vô cùng thương tiếc bạn già, người có công lớn đối với văn hóa dân tộc. Mong cụ vui ở thế giới bên kia".

Dòng chữ này có lẽ cũng "thay lời muốn nói" cho tấm lòng nhiều người khi tưởng nhớ đến học giả Vương Hồng Sển. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.