Ngỡ ngàng phố núi Đà Lạt ngập lụt

14/08/2019 07:05 GMT+7

Trong đợt mưa bão vừa qua, mọi người ngỡ ngàng khi nhìn thấy cảnh nhiều khu vực ở phố núi Đà Lạt (Lâm Đồng) chìm ngập trong biển nước.

Tại sao ở trên độ cao 1.500 m so với mực nước biển nhưng phố núi lại ngập úng nặng nề đến như vậy?
Là phóng viên thường trú nhiều năm ở Đà Lạt, tôi chứng kiến khoảng 7 - 8 năm trở lại đây, mỗi khi có mưa lớn lại xảy ra tình trạng ngập lụt cục bộ tại TP.Đà Lạt. Những khu vực thường xuyên phải gánh chịu cảnh “túi nước” là các khu dân cư dọc suối Phan Đình Phùng và dọc suối Cam Ly; ngay cả khu đô thị cao cấp Golf Valley (P.2) cũng bị ngập. Xa hơn một chút các khu dân cư dọc đường Cách Mạng Tháng Tám (P.8), Trạng Trình, Trương Văn Hoàn, Ngô Văn Sở (P.9)... bị nước tràn vào khiến nhiều nhà dân, khách sạn bị ngập sâu; nhiều phương tiện ô tô, xe máy bị lũ nhấn chìm.
Cách đây 7 năm, tôi được tham dự hội thảo quốc tế về quy hoạch TP.Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Lúc đó nhóm nghiên cứu kiến trúc đô thị đến từ Vương quốc Bỉ gồm 2 giáo sư - tiến sĩ - kiến trúc sư Bruno De Meuider và Kelly Shannon đã cảnh báo: “Các cánh rừng ở Đà Lạt đang bị thu hẹp cho công cuộc đô thị hóa, phát triển nông nghiệp và xây dựng nhà kính (nhà plastic), nên nhóm hồ trong cánh rừng được Hébrard xác định từ năm 1923 là cốt lõi và đặc tính của Đà Lạt giờ đây đã bị bao phủ bởi vô vàn nhà kính màu trắng”. Còn kiến trúc sư Thierry Huau gợi ý Đà Lạt là thành phố có nhiều hồ nước, nhất thiết phải bảo tồn các hồ tự nhiên… Cần xác định những giới hạn của sự phát triển nông nghiệp, chuyển đổi dần nền nông nghiệp công nghiệp hóa sang một nền nông nghiệp đô thị hợp lý.
Những cảnh báo này của các nhà chuyên môn cho thấy, cần sớm có nghiên cứu sâu về tình trạng ngập lụt tại Đà Lạt; những lợi ích và tác hại của nhà kính đối với thành phố du lịch Đà Lạt để có giải pháp thích hợp vừa đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế vừa bảo vệ được môi trường sống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.