Nghĩa tình nơi cách ly: Căn phòng có bốn người cùng hỗ trợ nhau

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
19/07/2021 07:17 GMT+7

“Anh ơi em bị sốt cao quá”, “anh ơi xông hơi bằng bình đun hỏa tốc như thế nào”, “nếu không có thuốc thì phải làm sao...” là những tình huống xảy ra tại một phòng cách ly.

Từ lúc đi cách ly, anh Nguyễn Quang Trường (43 tuổi, ngụ lô A, chung cư Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) đã trở thành “bác sĩ” của 4 anh em trong phòng tại khu cách ly nằm trong khu dân cư Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh, TP.HCM.

Nghiêm túc mặc áo mưa... đi ngủ

Anh Trường vào khu cách ly này từ ngày 12.7. Một tuần trôi qua, anh đã trải nghiệm những tình huống, câu chuyện đặc biệt với thật nhiều cảm xúc.
Anh kể: “Ngày 10.7, nghe thông báo chung cư mình xét nghiệm, tôi xin công ty cho về sớm. Khi lấy mẫu xong tôi lên nhà để mẹ tôi xuống. Đúng lúc đó có điện thoại của cán bộ xét nghiệm gọi lên nói mẫu gộp của tôi có vấn đề và yêu cầu tôi ở nhà không đi đâu, đồng thời dặn chuẩn bị sẵn hành lý. Nghe xong, tôi bàng hoàng, trong đầu rối bời nhiều suy nghĩ: tôi phòng dịch cẩn thận vậy thì lây nhiễm ở đâu? Gia đình, con cái sẽ thế nào, và cả công ty của tôi nữa... Sau đó là liên tiếp các cuộc gọi điều tra dịch tễ. Bác bảo vệ bấm chuông đưa cho tôi bộ đồ bảo hộ và dặn dò chuẩn bị quần áo, tư trang. Tôi chỉ kịp điện thoại báo cho vợ ở quê, rồi lên đường đi cách ly”.
Thế là anh Trường cùng một cư dân nghi nhiễm nữa là anh Hiệp cùng nhau đi cách ly ở khu cách ly kiểm dịch cộng đồng của Q.Tân Phú. Họ mặc nguyên đồ bảo hộ đi lấy mẫu xét nghiệm PCR rồi lên nhận phòng.
“Khi đó không có ai dặn là được cởi áo mưa (đồ bảo hộ) nên tôi và Hiệp bận nguyên đêm để ngủ, trong đầu tự hào nghĩ mình đang chấp hành thật nghiêm túc chuyện phòng dịch... Tới sáng hôm sau thức dậy thì toàn thân ướt sũng. Tôi với Hiệp bèn đi... điều tra, thì mới biết ai cũng cởi bỏ bộ đồ bảo hộ cho vào sọt trước khi về phòng. Đúng là một trải nghiệm hài hước”, anh Trường bật cười kể lại.
Đến trưa 12.7 thì anh Trường và anh Hiệp được chuyển đến khu dân cư Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh) để tiếp tục cách ly, bắt đầu những ngày thật nhiều trải nghiệm khó quên.

“Trường Tíu Nghĩa Hiệp” chia ngọt sẻ bùi

“Phòng tôi có 4 người với 4 cái tên khi ghép lại nghe cũng có nét... kiếm hiệp, đó là Trường - Tíu - Nghĩa - Hiệp. Tíu ở ngay chợ P.18 của Q.Tân Phú, Hiệp ở Bình Chánh, Nghĩa ở Bình Tân. Khi vào đây, mọi thứ chưa được người nhà tiếp tế nên cả nhóm rất thiếu thốn, như xà bông giặt đồ, xà bông tắm. Tuy nhiên, ai cũng vui vẻ, hòa đồng và sẵn sàng chia sẻ đồ dùng mình có, theo phương châm “đồ của tui bạn thoải mái xài và đồ của bạn thì tui cũng xài thoải mái”. Cũng may trước khi đi tôi kịp mang theo một số thứ nên đã chia cho các bạn nước muối súc miệng, mì ly, vitamin C... Khi được tiếp tế rồi thì mọi người lại tha hồ san sẻ mì gói, bánh trái và các vật dụng khác như móc quần áo, xà bông...”, anh Trường cho biết.
Đến ngày 14.7, anh Nghĩa có biểu hiện sốt. “Tôi lấy C sủi và thuốc Efferalgan cho Nghĩa uống, khoảng 30 phút sau thì hạ nhiệt. Từ đó, tôi trở thành... bác sĩ bất đắc dĩ của phòng. Ai trong phòng hay kể cả các phòng kế bên có biểu hiện ho sốt hay đau đầu chóng mặt, tôi đều sẵn sàng xử lý giúp. Không chỉ vậy, tôi còn chia sẻ những kiến thức thiết thực để xử lý các triệu chứng, chẳng hạn nếu không có thuốc thì dùng chanh, sả, gừng để hạ sốt, làm sao để xông hơi bằng bình đun hỏa tốc, đắp khăn chườm lạnh ra sao cho đúng cách..., và nhắc mọi người thường xuyên tập thể dục”, anh Trường kể tiếp.
Được biết anh Trường hiện công tác tại Trung tâm dược phẩm Q.10, trước từng học về dược nên kiến thức y khoa nắm rất rõ. Hành trang đi cách ly của anh toàn thuốc, đến mức “có thể mở một phòng khám”. Anh mấy lần giúp bạn chung phòng khỏi sốt trong lúc cấp bách, chả thế mà Trường từ đó được Tíu, Nghĩa, Hiệp vô cùng nể.

Suy nghĩ tích cực để cùng nhau vượt qua

Một ngày của Trường, Tíu, Nghĩa, Hiệp rất điều độ, thức dậy vào 6 giờ sáng và đi ngủ vào 9 - 10 giờ đêm. “Tôi nhắc nhở mọi người thời gian buổi sáng rất quan trọng. Vì thế cùng nhau dậy sớm bổ sung vitamin các loại, sau đó uống cà phê và trà gừng, rồi phơi nắng, xong đi giặt đồ. Không có đồ dơ để giặt thì lại giặt khăn, chà dép... Khi các bạn dân quân mang đồ ăn lên thì ăn sáng. Tập thể dục thì liên tục trong ngày, vì không làm gì thì cứ vung tay vung chân cho đỡ chán. Rồi lướt báo mạng cập nhật tin tức, xem phim, nghe nhạc, hoặc giường ai nấy nằm, chỗ ai nấy ngồi trò chuyện rôm rả, kể về công việc, cuộc sống, gia đình. Giờ tụi tôi thân thiết như anh em”, anh Trường chia sẻ.
Xa nhà hơn một tuần, anh Trường cho hay mình nhớ gia đình, nhớ con gái mới 9 tháng tuổi da diết. Anh kể: “Mẹ tôi thì đang tự cách ly ở chung cư một mình. Vợ con thì về Long An cách đây 2 tháng. Mỗi ngày gọi điện về nhìn thấy hình ảnh con như được tiếp thêm năng lượng. Con gái bé bỏng chính là “liều vắc xin” của tôi. Đọc tin tức, đồng thời tận mắt chứng kiến thực tế ở trong khu cách ly, tôi nhận thấy tình hình dịch bệnh đang vô cùng phức tạp, các y bác sĩ, tình nguyện viên, dân quân... đều đang căng mình chống dịch. Chính vì thế tôi tự nhủ mỗi người đều phải suy nghĩ tích cực, san sẻ, giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau vượt qua”.
Và khi tâm sự với người viết, anh Trường xúc động cho biết khi nào hết cách ly bình an trở về, anh sẽ nhớ và thương nhất hình ảnh các bạn dân quân mỗi ngày 3 lần trong bộ đồ bảo hộ lội 5 tầng lầu để đưa cơm cho các phòng. “Tôi cũng sẽ rất nhớ khoảnh khắc nửa đêm Nghĩa ra lay tôi dậy nói “em sốt cao quá anh ơi”. Nhớ Tíu rất là... tếu khi nói “vợ con đi làm ngoài đường không nhiễm, tui suốt ngày ở nhà thì lại bị dính”, nhớ những câu chuyện tếu táo để tinh thần luôn vui vẻ, tích cực...”, anh Trường bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.