Nghĩa tình miền tây: Thương quá Cà Mau

10/07/2022 09:30 GMT+7

Quê mình Cà Mau ! Bảo quê Cà Mau, bạn bè tôi đứa nào cũng tròn mắt nhìn. Chắc tụi nó nghĩ đường xá đi lại xa xôi thì phải! Hơn tám giờ ngồi xe, Cà Mau dần hiện ra trước mắt.

Làm một chuyến miền Tây đi, tôi mời tụi bạn. Khám phá cô Út Cà Mau xem sửa soạn đẹp như thế nào với rừng đước mênh mông, rừng mắm biếc xanh bám rễ trên dải đất phù sa để mở rộng thêm bờ cõi.

Về nhà mình chơi, bao no tôm cua luôn!

1. Ra trường, phải lòng chàng trai Sài Gòn, tôi trở thành công dân của “thành phố không bao giờ ngủ” với hơn chín triệu dân. Nhịp sống hối hả, ồn ào, không ngơi nghỉ của Sài Gòn khiến tôi quay quắt nhớ nơi mình chôn nhau cắt rốn, sao yên bình đến lạ. Rồi những khi lắng lòng lại từ sự xô bồ, chộn rộn mỗi ngày qua những tấm lòng hào hiệp, thảo thơm vẫn đang góp từng hành động nhỏ của mình làm Sài Gòn đẹp thêm trong khói bụi, kẹt xe, hay cảnh người dân “bơi” trong mùa mưa, tôi càng da diết nhớ tấm lòng người dân quê tôi, chân chất, đậm đà tình nghĩa xóm giềng. Ới một tiếng liền có mặt, mọi người đỡ đần nhau khi cần thiết.

Khu vực ngã ba sông, gần chợ Đất Mũi

Phạm Ngôn

Xóm tôi, những năm chín mươi, nhà ai cũng nghèo khó. Điện không có, lộ bê tông thì càng xa xỉ. Buồn hiu hắt. Ngó miết tờ lịch, tôi trông đến thứ bảy để sang nhà bà Sáu coi “vũ tiếng” (vô tuyến truyền hình). Cái “vũ tiếng” trắng đen mở bằng bình ắc quy, lâu lâu nổi hạt mè phải dùng tay vỗ bình bịch màn hình mấy cái, nó mới bình thường trở lại, chứ là niềm vui của bọn con nít chúng tôi, kể cả người lớn trong xóm. Thích nhất là khi hè về, được nghỉ học ở nhà tha hồ lội lặn, rồi sang nhà bà Sáu coi “Tề Thiên” với bảy mươi hai phép thần thông, sướng con mắt. Lắm khi, trên đường về nhà, bọn nhóc chúng tôi làm trò biến hóa “ì chéo, ì chéo” kiểu Tề Thiên đại náo Thiên cung, giờ mỗi bận kể lại, bọn tôi cười nắc nẻ.

Gương mặt bà Sáu phúc hậu. Bà chẳng la rầy chúng tôi khi vừa coi “vũ tiếng” vừa đùa giỡn. Lắm lúc bà Sáu còn luộc chuối hay luộc bắp cho bọn tôi ăn. Bà Sáu góa chồng, ông hy sinh khi hồi Tết Mậu Thân năm 1968 trong một trận càn của địch, lúc ấy bà mới ba mươi ngoài tuổi. Bà ở vậy, vườn ruộng mênh mông một tay bà cấy phát. Bà Sáu hay nói với người lớn của bọn tôi, cứ kệ bọn nhỏ, ồn ào vậy cho vui nhà vui cửa. Nữa tôi già hổng chừng bọn này có đứa chống gậy cho tôi à nghen. Lớn lên, tôi mới hiểu hai từ chống gậy mà bà Sáu nói. Mà thiệt khi bà mất thằng Tý không chống gậy, mà nó bưng lư hương tiễn bà ra đồng an giấc ngủ.

2. Đất có lề quê có thói! Hồi chưa chuyển dịch sang nuôi trồng thủy sản, quê tôi có khoản chụp đìa bắt cá đồng mùa khô sau Tết Nguyên đán. Chụp đìa thường diễn ra vào lúc hừng đông, nhiều đìa lớn, chủ nhà và người chủ lưới phải chuẩn bị xong xuôi mọi thứ từ tận chiều hôm trước. Mỗi khi chụp đìa, bà con chòm xóm xúm lại lựa cá để kịp cân cho thương lái. Loại nào không bán được thì bà con chia nhau mần khô hay ủ mắm cất ăn dần. Nhà này chụp đìa, rồi vài hôm đến nhà khác, cứ thế mà vần công nhau mần cá, vui thiệt vui. Bọn con nít chúng tôi cũng rộn rịp theo người lớn. Có đứa chàng ràng trước mớ cá rô long lóc bò, nên bị nó đâm vào tay khóc sưng cả mắt, ấy vậy mà bọn tôi hông sợ. Bọn chúng tôi hồi ấy hay khoe mẽ với nhau chuyện sau khi chụp đìa, có tiền mẹ dẫn đi chợ mua nhẫn vàng đeo, hay sắm sửa một món gì đó để làm của trong nhà.

Nghĩa làng tình xóm khăng khít nhau qua chuyện mần ăn, qua chuyện con cá, hũ mắm, hay những khi nhàn nông ngồi buôn dưa lê dưa chuột cùng nhau. Cánh đàn ông, trong cơn say đôi khi có lời qua tiếng lại, nhưng tỉnh dậy vẫn anh Ba, chú Tư… hề hề như chưa có chuyện gì xảy ra. Rồi vẫn í ới gọi nhau uống trà bữa sáng, nhắc bữa chụp đìa nhà chú Sáu, mấy bà nấu nồi cháo cá lóc với nước cốt dừa ăn ngon bá cháy bù chét.

Người miền Tây mà, cái gì cũng bỏ qua, duy chỉ có việc bán anh em xa mua láng giềng gần là hông bỏ qua, chơi với nhau thiệt thà như đếm.

Cà Mau mỗi ngày mỗi mới

Cao Minh Tèo

Người miền Tây mà, dễ thương lắm lung!

3. Hồi nhỏ, tôi yếu xìu, hễ trở trời là đổ bịnh. Thấy khó chịu trong người là tôi chạy u sang nhà bà Tư Mụ, nhờ đánh gió. Vài động tác thoa dầu, dùng cây lược chải tóc kéo sồn sồn trên lưng vài cái, rồi xông nước xông của mẹ nấu vài lần là tôi thấy trong người khỏe re trở lại. Bà Tư còn là mụ vườn, đỡ đẻ cho nhiều người trong xóm. Bà hay nói gia đình mình, từ bà đến mẹ đều biết đỡ đẻ. Được trắng da, dài tóc như bây giờ, mẹ nói tôi cũng nhờ bà Tư mát tay. Bà Tư thường bảo tôi ráng học, mai một lớn lên làm bác sĩ để đỡ đẻ cho chị em phụ nữ xóm Bào Hầm nghen, chứ bà già rồi, không còn khỏe tay mạnh chân, vả lại giờ cái chi cũng hiện đại. Chắc tại bà Tư “mắc miếng”, nên giờ bây mới được làm bác sĩ, chứ học dốt như me, má tôi hay chọc mỗi khi thấy tôi mang về nhà bằng khen do giám đốc bệnh viện trao.

Nhiều người trong xóm tôi, chuyện học hành dang dở, phần vì trường xa mút cà tha, phần vì nghèo khó phải sớm mưu sinh. Trang lứa bọn tôi, chúng nó nghỉ học hết, duy chỉ có tôi cố “cuốc bộ” mỗi ngày 30 km đi về để tìm con chữ. Băng qua những cánh đồng mùa hạn, qua những mảnh vườn cây cỏ mọc um tùm, qua mưa đầu mùa rơi rớt hạt, qua nỗi sợ hãi, tôi về nhà với nồi cơm còn nóng hổi của mẹ nấu sẵn chờ. Cho nên hay tin tôi đậu đại học, bà Tư lụm khụm chống gậy sang nhà. Con gái giỏi nhất xóm, bà Tư khen. Hóa ra, người quê tôi cũng tha thiết với chuyện học hành, duy chỉ có thời thế chưa tạo ra anh hùng con chữ, chứ anh hùng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, quê tôi đầy. Nên hễ nghe ai nói câu “vùng trũng tri thức”, tôi ghét dễ sợ.

4. Má lên chăm tôi đẻ. Dịch Covid-19 bùng phát, má mắc kẹt lại Sài Gòn. Má buồn hiu. Nghe trong giọng nói của má mỗi bận gọi điện thoại về nhà cho mấy đứa cháu, rưng rức nỗi nhớ!

Quê hương, dù rời xa nhưng tim mỗi người vẫn ở đó với thương với nhớ hằn in trong đáy mắt!

Với má, Cà Mau là nơi chứa đựng những nỗi nhọc nhằn thời son trẻ của mình vì đàn con năm đứa. Với tôi, Cà Mau như dòng máu nóng, thấm sâu vào huyết mạch. Cà Mau, nơi anh em chúng tôi đủ lông đủ cánh để bay nhảy với đời. Cà Mau, nơi tôi mong về để mỗi buổi chiều được quây quần bên mâm cơm dù chỉ có cái ơ kho quẹt với vài miếng tóp mỡ đã cháy xém.

Ông bà, ba má tôi là nông dân.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Cà Mau.

Tôi từ Cà Mau lên Sài Gòn lập nghiệp!

Tôi hạnh phúc khi quê mình mặc thêm áo mới!

Hẹn đám bạn học chung thời cấp 3 mà tôi đặt tên nhóm là “Anh Ba khía”, hè này tôi về, tụ tập bù khú một bữa cho ra hồn. Tụi nó bảo Đất Mũi giờ đẹp lắm lung! Thay da đổi thịt từ cảnh sắc đến công trình kiến trúc. Lần này về, tụi mình cùng nhau làm một chuyến về Đất Mũi cho đã nư.

Ừ, tôi hứa với tụi nó.

Mùi ba khía muối thơm lừng, tôi thèm quá… Cà Mau ơi!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.