Nghĩa tình miền Tây: Chạnh thương hình bóng con phà trên sóng nước Cần Thơ

19/06/2022 10:31 GMT+7

Một dịp tình cờ, trên đường đi công tác từ Cần Giuộc sang Châu Thành, nhờ đi con đường tắt mà dân địa phương chỉ, tôi được bước chân lên phà Bà Nhờ, con phà nhỏ chỉ nhỉnh hơn con đò to một chút, nối hai bên bờ của một nhánh nhỏ sông Vàm Cỏ.

Thật thú vị, ở một nơi xa xôi như thế này lại được trải nghiệm lại cảm giác với con phà mà đã lâu lắm rồi không còn, từ khi các chuyến phà miền Tây lần lượt chấm dứt hải trình vì đã có những cây cầu nối nhịp bờ vui thay thế chúng.

Phà Cần Thơ (cũ)

Gia Khiêm

Lênh đênh trên sóng nước Long An, tôi lại miên man nghĩ đến những chuyến phà sang ngang dòng Hậu giang năm nào, nhớ đến một thời sôi động của bến bắc (phà) Cần Thơ trước đây, địa điểm mà ai đã một lần xuống miền Tây thì không thể nào quên. Những chuyến phà năm ấy to lớn hơn, đông đúc hơn, dòng sông rộng lớn hơn, khung cảnh cũng hùng vĩ hơn, lại thêm phần tấp nập của người mua kẻ bán. Những con phà đã đi vào lòng người trong bao nhiêu năm tháng và để lại dư âm mãi mãi trong bài hát ngọt ngào về chiếc áo bà ba nơi miền châu thổ sông Cửu Long:

“Đàn én chao nghiêng xôn xao mùa lúa nhiều

Về bến Ninh Kiều thấy nàng đợi người yêu

Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba

Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm

Qua bến bắc Cần Thơ...”

Vẫn nhớ, những năm tháng còn chưa có cầu ấy, mỗi lần đi tới đi lui qua phà Cần Thơ, luôn có những hàng quán san sát nhau ven đường ra bến bắc, bán đủ thứ, từ chai nước suối hay ly nước mía, ổ bánh mì, trái cây, cơm nước... và đặc biệt là bày bán rất nhiều nem chua ngọt và bánh phồng sữa thơm lừng. Khung cảnh đông vui, náo nhiệt nhưng vẫn rất ấm áp và gần gũi, một nét rất riêng của những cư dân sống ven bến bắc.

Những lần qua bắc Cần Thơ, ai ngại thì ngại, còn tôi lại rất thích xuống xe, đi bộ để qua phà. Những lúc ấy, tôi tha hồ và thoải mái nhìn ngắm trời mây, sông nước, lại được dịp coi cảnh người mua kẻ bán nhộn nhịp. Giữa dòng người đông đúc đang đợi được qua phà, vẳng lên những lời rao ngọt ngào của các bà, các chị, các mẹ, có khi là của những em nhỏ với giọng ngọng líu ngọng lô:

- Ai mua nem Lai Dung (Vung) không?

- Bánh tráng đây, bánh tráng sữa sầu riêng thơm ngon đây.

- Nem không? Nem chua đặc biệt đây.

- Bánh mì nóng hổi, vừa thổi vừa ăn đây.

...

Những tiếng rao gắn liền với bao chuyến phà qua sông, để khách thập phương có thể mua được chút quà đặc sản miền Tây cho người thân, họ hàng trong những lần ngược xuôi qua bắc. Lâu dần tạo nên thói quen mua nem, bánh tráng sữa hay bánh mì mỗi khi đi qua về lại. Để rồi mỗi lúc ai có dịp đi xa, đều được con cháu, bạn bè căn dặn thật nhiều lần để khỏi quên: Nhớ ghé phà Cần Thơ mua nem, bánh tráng về ăn nghe, ngon lắm đó.

Tôi vẫn nhớ những lúc đứng tựa mạn phà; một mình đối diện với khoảng không bao la trước mặt trong những phút lênh đênh trên sóng nước; nghe tiếng cười nói buôn bán; thấy những chiếc phà to lớn màu trắng ngược xuôi hai bên bờ, liên tục đưa người, xe qua dòng sông Hậu; cảm giác thật thanh thản và thư thái, mọi lo toan, tất bật như tránh xa. Khi phà cập bến, bước xuống để lên xe tiếp tục cuộc hành trình mà vẫn bâng khuâng, nuối tiếc mãi không nguôi.

Ngày nay, cầu Cần Thơ được xây dựng nối đôi bờ sông Hậu đã giúp xe cộ lưu thông dễ dàng, cũng như góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cây cầu hùng vĩ, nét đỏ uốn lượn trên dòng sông Hậu hiền hòa đã giúp cho giao thông vùng Tây Nam bộ được liên tục và thông thoáng, tiện lợi và nhanh chóng hơn xưa rất nhiều. Nhưng mỗi khi vô tình nghe bài hát Chiếc áo bà ba, tôi vẫn không nguôi nghĩ đến những chiếc phà năm cũ.

Và cứ mỗi khi có dịp qua đây tôi lại nhớ đến chuyến phà cuối cùng của bắc Cần Thơ lúc 14 giờ ngày 24.4.2010. Chuyến phà đặc biệt đó đã có rất nhiều người đi không phải vì cần qua sông mà là vì muốn lưu giữ chút kỷ niệm cuối cùng về một bến bắc huyền thoại…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.