Nghĩa tình đồng đội của người cựu chiến binh

27/04/2021 15:18 GMT+7

Ròng rã trong nhiều năm qua, người cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Công Trung vẫn lặng lẽ cùng đoàn đi tận những vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Với mong góp chút sức để giúp các đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, mẹ Việt Nam anh hùng, các em học sinh ấm lòng trong cuộc sống để vươn lên…

Cựu chiến binh Nguyễn Công Trung dìu bà Nguyễn Thị Lan, 1 trong 8 nạn nhân vụ án oan sai 40 năm ở Tây Ninh ngày đi đòi công lý

Ảnh: Giang Phương

Không bao nhiêu là đủ

Với cựu chiến binh Nguyễn Công Trung (57 tuổi, ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM), đó là cách để tri ân dù ông biết rằng “không bao nhiêu là đủ” để bù đắp hết cho sự hy sinh vì Tổ quốc của những bậc tiền nhân. Bởi chính ông cũng là chứng nhân của lịch sử. Thế nên, ngoài công việc, ông bỏ hết thời gian, công sức để tham gia vào các chuyến đi nghĩa tình. Đó là những chuyến đi trao nhà “Nghĩa tình đồng đội” ở tận Bình Phước, Tây Ninh, Q.8 (TP.HCM) lúc thì đưa hài cốt liệt sĩ từ Tây Ninh, An Giang, Bình Dương về Bắc, khi đi thăm mẹ Việt Nam anh hùng ở quê hương Trà Vinh, Long An, lúc đi phát xe đạp, tặng quần áo, tập vở cho học sinh nghèo ở các tỉnh miền Tây, miền Trung, miền Bắc…
Nhìn lại chặng đường của những chuyến đi thiện nguyện, ông Trung trải lòng: “Qua những chuyến đi tôi thấy rằng không bao giờ đủ. Các mẹ nay đã cao tuổi, nếu chúng ta chưa kịp làm một hành động, một nghĩa cử nào đó ngay từ bây giờ e sẽ là muộn”.
Ông Trung hiện là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH mật ong Võ Kiệt, Phó giám đốc tài chính và đối ngoại Công ty CP Xây dựng Việt Đăng, Trưởng đoàn Thiện nguyện hỗ trợ gia đình liệt sĩ phía Nam, Phó chủ tịch CLB Doanh nhân tỉnh Trà Vinh.
Ông Nguyễn Công Trung thăm tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng

Ông Nguyễn Công Trung thăm tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng

Ảnh: NVCC

Nhưng ít ai biết rằng, bản thân ông xuất thân từ đứa trẻ mồ côi cha mẹ từ lúc 5 tuổi. 15 tuổi đời, nhờ thành tích bắt cướp ông được vào công tác tại phường đội P.11, Q.10, TP.HCM. Năm 17 tuổi, ông tình nguyện nhập ngũ. Từ đầu năm 1982 - cuối năm 1985, ông tham gia làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, trực tiếp tham gia chiến đấu nhiều trận vào sinh ra tử với nhận xét của đơn vị dũng cảm, đoàn kết, luôn nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ...

Tay trắng, hiến đất xây trường

Trở về từ chiến trường với hai bàn tay trắng, ông Trung lao vào lo việc học hành vừa mưu sinh để tương lai tươi sáng. Năm 1989, ông Trung nhận được mảnh đất thừa kế của cha mẹ ở xã Vinh Kim, H.Cầu Ngang (Trà Vinh). Dẫu khó khăn nhưng ông khiến nhiều người ngỡ ngàng khi quyết định hiến tặng 7.400 m² để xây Trường tiểu học Vinh Kim C (1.437 m²), phần còn lại chia cho 4 hộ thương binh, bệnh binh nghèo.
Ông Trung lý giải, ngày đó, cả vùng quê nghèo chỉ có trường Vinh Kim A, học sinh đi học phải mất hơn 3 km. Nhà trường còn phải mượn nhà riêng của thầy cô mới có chỗ làm việc. Còn giờ thì tốt hơn nhiều rồi. Cứ mỗi lần về thăm trường, ông Trung cũng không quên mang về tặng cho các em những suất học bổng, xe đạp, quần áo, tập vở. Trong một bức thư ngỏ của Chủ tịch UBND xã Vinh Kim gửi ông Trung cũng không quên nhắc lại chi tiết từng tên các em học sinh trở thành những bác sĩ, kỹ sư từ ngôi trường này.
“Mỗi lần về quê, đi ngang trường học, nghe tiếng các cháu ê a đánh vần khiến trong lòng tôi vui lắm về quyết định của mình”, ông Trung thổn thức nói.
Ông Trung từ đó cũng là hội viên danh dự khuyến học xã Vinh Kim. Năm 2013 ông cũng vinh dự nhận được Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khuyến học của Hội Khuyến học VN. Ông cũng được địa phương, bà con đồng hương tín nhiệm bầu làm Ủy viên Ban liên lạc Hội đồng hương tỉnh Trà Vinh và Chủ tịch Ban Liên lạc Hội đồng hương H.Cầu Ngang tại TP.HCM.

Nghĩa tình đồng đội

Hơn 30 năm phục viên, cũng là ngần ấy năm ông xả thân vào công tác xã hội, từ thiện. Hơn 10 căn nhà tình nghĩa đồng đội, hàng chục tấn gạo, hàng ngàn xe đạp, hàng chục ngàn quyển tập vở, quần áo và suất khám bệnh, cấp thuốc cho cả ngàn cựu chiến binh, trẻ em, bà con nghèo… Cứ hễ nghe có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ thì ông lại lao đi vận động, giúp đỡ. Trong vụ án “Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất” ở Tây Ninh, ông Trung là người hỗ trợ pháp lý thành công cho các nạn nhân từ một lời nhờ giúp đỡ của cựu binh Nguyễn Văn Dũng (tức Dũng lớn).
Ông Nguyễn Công Trung ngày lấy lại giấy tờ nhà cho gia đình ông Nghề

Ông Nguyễn Công Trung ngày lấy lại giấy tờ nhà cho gia đình ông Nghề

Ảnh: NVCC

Cũng có lần, ông đi cải táng hài cốt liệt sĩ thì nghe được câu chuyện của một đồng đội trên chiến trường K. là ông Dương Văn Nghề (ngụ Q.10, TP.HCM). Ông Nghề có hoàn cảnh éo le do mắc bệnh ung thư, phải nuôi mẹ là bà Trần Thị Ba, 89 tuổi bị bại liệt. Gia đình ước mong lấy lại căn nhà bị lừa mất hơn chục năm trước, nay đã sang tên 2 đời chủ và đang thế chấp ngân hàng. Thương tình, ông Trung nhận lời hỗ trợ pháp lý. Qua một thời gian theo đuổi công lý, ông Trung giúp lấy lại được căn nhà cho cho mẹ con ông Nghề. “Nhớ lại khoảnh khắc trao lại giấy tờ cho anh Nghề tôi thật sự cảm động. Giao xong giấy tờ cho mẹ và anh Nghề, tôi chỉ kịp vội nhận nụ cười hạnh phúc của bà mẹ rồi lại lao mình đi trong cơn mưa như trút để kịp vào bình viện lo cho vợ mình bị chứng rối loạn lo âu”.
Ngoài ra, ông Trung cũng được Trung tâm Giáo dục truyền thống lịch sử vinh danh và tặng Kỷ niệm chương Chiến sĩ quân tình nguyện VN giúp cách mạng Campuchia (năm 2014); nhiều bằng khen của Ban Chấp hành T.Ư Hội Hữu nghị VN-Campuchia; nhiều bằng khen của Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ VN…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.