Nghĩ về sâm quốc bảo

Quang Viên
Quang Viên
12/02/2021 00:10 GMT+7

Tôi may mắn nhiều lần gặp vị giáo sư - tiến sĩ có hơn 40 năm nghiên cứu về sâm Ngọc Linh . Lần nào ông cũng trăn trở, sâm Ngọc Linh rất quý, nhưng đừng để nó mãi như loại “thuốc giấu” của đồng bào Xê Đăng trên núi Ngọc Linh (Quảng Nam).

Cần nâng tầm sâm quốc bảo
Còn nhớ, ngày 5.9.2018, tại lễ khánh thành công trình xây dựng “Trung tâm quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh” tại Đắk Tô (Kon Tum), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định sâm Ngọc Linh là quốc bảo, cần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, tạo ra các giá trị chữa bệnh và giá trị khác, để làm sao hàng triệu người có thể sử dụng... Đến nay, sâm Ngọc Linh vẫn như cô gái đẹp nhưng kiêu hãnh, khó gần.
Nghĩ về sâm Quốc Bảo

Một vườn sâm trồng

“Rõ ràng, muốn trở thành thương hiệu quốc gia, cần phải nâng tầm sâm quốc bảo. Hãy làm như anh Việt”, một nhà khoa học dày công nghiên cứu sâm Việt Nam, nói. “Anh Việt” mà nhà khoa học trên đề cập chính là ông Nguyễn Tấn Việt, nhân vật trong bài Ông Việt cuồng sâm đăng trên Thanh Niên tháng 9.2019. Bảo tàng sâm Ngọc Linh đầu tiên và độ quy mô, quý hiếm đứng đầu Việt Nam là “tác phẩm” của ông Việt. Phòng kiểm nghiệm sâm Ngọc Linh tư nhân đầu tiên được đầu tư máy móc hiện đại; tuyển dụng tiến sĩ, dược sĩ tham gia kiểm nghiệm sâm cũng là của ông Việt.

Giáo sư Nguyễn Minh Đức và ông Việt tại phòng kiểm nghiệm sâm hiện đại do ông Việt đầu tư

Tôi có dịp trò chuyện với ông Việt liên tu bất tận về sâm Ngọc Linh. Ông từng bán rất nhiều tranh quý và dồn hết tiền của để ròng rã hơn 10 năm, mua hàng tấn sâm Ngọc Linh về... ngắm, đủ thấy độ “cuồng”. Nhưng thật sự ông Việt lại rất “tĩnh” giữa cái “cuồng”. Mục tiêu của ông là phải hiện thực hóa câu chuyện nâng tầm sâm quốc bảo. Bắt đầu từ việc mời bằng được GS Nguyễn Minh Đức về giữ vai trò giám đốc chất lượng sâm Ngọc Linh. Tiếp theo, ông Việt kết hợp với Công ty cổ phần xuất nhập khẩu y tế Domesco cho ra đời viên ngậm sâm Ngọc Linh. Đây là kết quả của công trình nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của nhóm nghiên cứu dưới sự chủ trì của GS-TS Nguyễn Minh Đức.
“Một buổi chiều ở Đà Lạt, trong không khí se lạnh và khung cảnh thiên nhiên thơ mộng sau chuyến đi thăm vườn sâm trồng của một nhóm nhà khoa học về, với khát vọng nâng tầm giá trị sâm quốc bảo, tôi quyết định phải cho ra đời những sản phẩm sâm Việt chất lượng (rượu luyện, viên ngậm, sâm Ngọc Linh mật ong…). Đầu tư thiết lập phòng kiểm nghiệm sâm và dược liệu hiện đại là để đảm bảo nâng cao chất lượng sâm Ngọc Linh”, ông Việt chia sẻ.

Rượu “luyện” từ sâm Việt

Một trong những sản phẩm độc đáo của ông Việt là rượu luyện sâm Ngọc Linh. Kết quả nghiên cứu khoa học đề tài: “Nghiên cứu đánh giá chất lượng và kiểm nghiệm rượu luyện sâm Ngọc Linh” do GS-TS Nguyễn Minh Đức chủ trì đã được Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM thẩm định. Theo đó, rượu luyện sâm Ngọc Linh được xem như là thuốc.
Trước đây,“Korean Gingseng Corporation” hay còn gọi là “Tổng công ty nhân sâm Hàn Quốc” được chính phủ Hàn Quốc bảo hộ về chất lượng nên thường được gọi là “Sâm chính phủ Hàn Quốc”.
Năm 1899, Hàn Quốc xây dựng một tổ chức với mục đích nuôi dưỡng và phát triển ngành sâm quốc gia. Hiện nay, nhân sâm Hàn đã xuất khẩu trên 60 quốc gia trên thế giới. Sâm Hàn được chế biến ra nhiều dạng thức khác nhau như sâm thái lát, cô đặc, bột, túi lọc, nước, viên... Sản phẩm đa đạng, cách làm thương hiệu chuyên nghiệp, hướng tới hầu hết người tiêu dùng.
GS-TS Minh Đức nói về rượu này: “Sau khi uống rượu luyện, tôi cảm nhận rượu tuy chỉ chứa thuần vị sâm Việt nhưng có hương vị đặc trưng, mùi hương đằm thắm, dịu dàng, càng thưởng thức càng say đắm. Về mặt khoa học, có thể giải thích quá trình chế biến, “luyện” sâm từ tươi sang khô công phu đã giúp cho các enzyme có sẵn trong sâm Việt hoạt động để tạo ra những chất liệu mới không có sẵn trong dược liệu, chúng hòa quyện với nhau tạo ra một hương vị không lẫn vào đâu. Nếu đầu tư nghiên cứu tiêu chuẩn hóa và nâng cao chất lượng một cách khoa học, rượu luyện sâm Ngọc Linh có thể là một ứng viên tiềm năng cho một thương hiệu xứng tầm sản phẩm quốc gia sâm Việt Nam”.
PGS-TS Nguyễn Việt Hùng, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM, nhìn nhận: “Hiện nay sâm Ngọc Linh giả, kém chất lượng trên thị trường rất khó kiểm soát. Trong tình hình này, anh Việt đã nghiên cứu tiêu chuẩn hóa, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm rượu luyện sâm Ngọc Linh là rất đáng trân trọng. Việc sản xuất rượu luyện sâm Ngọc Linh dựa vào các tiêu chí yêu cầu đối với rượu thuốc theo Dược điển Việt Nam V và các tiêu chí an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp còn đầu tư thành lập một phòng thí nghiệm mới, hiện đại để kiểm nghiệm sâm và dược liệu nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm. Việc làm của anh Việt thể hiện ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng, cần được nhân rộng để góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh trong tương lai”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.