Nghị lực mùa thi: Nuôi giấc mơ bên xe hủ tiếu của mẹ

Thúy Hằng
Thúy Hằng
24/06/2022 05:51 GMT+7

8 giờ tối, Trâm vào bếp lấy cơm ăn. Em mở nắp nồi, thấy miếng thịt heo và nước lèo, biết ngay hôm nay mẹ không bán được. Ngày nào cũng vậy, xe hủ tiếu bị ế là mấy mẹ con lại ăn trừ bữa.

Con hẻm nhỏ xíu, tối hun hút, không đèn đường dẫn tôi vào nhà Phạm Ngọc Trâm ở ấp 1, xã Bình Chánh, H.Bình Chánh, TP.HCM. Cách trung tâm TP khoảng 22 km, nơi đây như một thế giới khác, xen giữa ao chuôm là những ngôi mộ, ếch nhái kêu râm ran, nhiều buổi tối có cả đom đóm. Mỗi ngày Trâm đạp xe tới Trường THPT Bình Chánh mất khoảng 20 phút. Ở trường, ai biết hoàn cảnh của Trâm cũng ngưỡng mộ, thương quý cô học trò hoàn cảnh khó khăn nhưng học rất giỏi.

Cô học trò nghị lực Phạm Ngọc Trâm và mẹ

Thúy Hằng

Ba mất, mẹ gồng gánh nuôi 2 con ăn học

Trâm kể ba của em vốn bị bệnh tim, gia đình ở cùng bà nội đã 90 tuổi nên nhiều năm qua ba phải ở nhà chăm sóc bà, quán xuyến việc nhà, bảo ban 2 con để mẹ đi làm công nhân. Mẹ Trâm ngày nào cũng đi làm từ tờ mờ sáng và về nhà khi tối mịt. Tháng 12.2019, bà nội Trâm mất. Hơn một năm sau thì ba của Trâm cũng bị đột quỵ rồi qua đời.

Sự ra đi bất ngờ của ba khiến ngôi nhà vốn đã nghèo túng, khó khăn thêm chênh vênh. Nghỉ làm công nhân, cô Nguyễn Thị Chao, mẹ của Trâm mua chiếc xe rồi nấu hủ tiếu bán bên quốc lộ 1A. Trong ngôi nhà quây ghép bằng tôn, ngồi trước di ảnh chồng, cô Chao nói chuyện, miệng thì cười mà nước mắt cứ chảy ra: “Cái quạt trần này cũ lắm rồi, tôi không dám mở, sợ rủi nó rớt xuống trúng đầu… Nhà không có đàn ông, mấy mẹ con không biết xoay xở ra sao. Phần sau nhà bị mối ăn mục hết gỗ, gần sập mái, tôi phải vay mượn tiền để lợp lại”. Cô kể: “Sáng nào tôi cũng dậy từ 1 giờ để nhóm bếp, bắc nồi xương lên. 2 giờ chạy ra chợ Bình Chánh mua rau củ rồi về chuẩn bị các thứ tới tờ mờ sáng thì chở nồi nước lèo ra xe hủ tiếu ở ngoài quốc lộ, bán tới 11 giờ”.

Thầy Trương Văn Hên, giáo viên chủ nhiệm lớp của Trâm, rất tự hào về cô học trò có năng khiếu môn ngữ văn, tham gia rất năng nổ các hoạt động của lớp trường và còn có tài ca hát. “Dù hoàn cảnh khó khăn, ba mất trong học kỳ 1 lớp 12 nhưng Trâm vẫn vượt qua để đạt kết quả học tập xuất sắc. Tôi rất mong Trâm sẽ được tiếp sức, thực hiện được ước mơ làm cô giáo của mình”, thầy Hên bộc bạch.

Trâm thương mẹ lắm, thương vóc dáng nhỏ bé nhưng có thể chở cả một “thế giới” đằng sau yên chiếc xe máy tròng trành đi qua con hẻm tối hun hút. Nào là nồi nước lèo nóng rẫy, nào thịt, rau, giá, hủ tiếu… “Mỗi ngày mẹ bán được 40 - 50 tô, chủ yếu cho các cô chú công nhân đi làm sớm, mỗi tô chỉ 25.000 đồng. Ngày nào ế, mấy mẹ con đành ăn trừ bữa. Ngán bún, hủ tiếu thì chan cơm với nước lèo ăn qua bữa”, Trâm nói khẽ.

Ước mơ của cô học sinh xuất sắc môn văn 12 năm học, Trâm đều là học sinh giỏi, luôn được thầy cô khen ngợi. Năm lớp 12, điểm trung bình các môn của em là 9,2, trong đó môn toán là 8,6, văn 9,0, tiếng Anh 9,2, hóa 9,0.

Hôm nay mẹ bán ế nên cả nhà ăn cơm với nước lèo, thịt còn dư

Cô học trò nhỏ đặc biệt yêu thích môn văn và đã giành được nhiều giải thưởng ở môn học này, như giải nhất học sinh giỏi văn cấp huyện năm lớp 9, giải nhất học sinh giỏi môn văn toàn TP năm lớp 9, giải nhì Olympic 30.4 toàn TP.HCM môn văn năm lớp 11, giải ba cấp TP môn văn năm lớp 12.

Mọi sự đóng góp, ủng hộ giúp em Trâm, quý vị độc giả vui lòng gửi về: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Phạm Ngọc Trâm; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến em Trâm trong thời gian sớm nhất.

Trâm được các thầy cô Trường THPT Bình Chánh tặng học bổng dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thành tích học tập xuất sắc. Cô giáo tiếng Anh dạy miễn phí cho Trâm những ngày ôn thi tốt nghiệp, còn thầy giáo dạy toán miễn giảm tiền để em yên tâm đến lớp.

Trâm cho hay vì biết hoàn cảnh của gia đình khó khăn nên lúc nào em cũng phải cố gắng nhiều hơn. Những ngày ôn thi tốt nghiệp THPT, phải học bài tới khuya, Trâm mang sách vở vào ngồi phía sau nhà vì sợ mẹ mất ngủ. Ngày nào học xong sớm, em giúp mẹ chuẩn bị hàng cho xe hủ tiếu.

Cô trò nhỏ luôn ước mơ trở thành sinh viên ngành sư phạm ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM hoặc Trường ĐH Sài Gòn. Cô mong muốn có thể tiếp nối nghề truyền dạy tri thức, truyền cảm hứng sống có ý nghĩa cho những học trò đi lên từ gian khó như mình - giống như thầy cô Trường THPT Bình Chánh đã làm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.